Cây đắng cay thân gỗ cao 3-4m, chia nhiều cành. Lá kép lông chim, mọc so le, gồm có 3-5 lá chét không cuống. Cụm hoa mọc ở nách lá, màu lục trắng. Quả nang có một hạt. Hạt đơn, hình cầu, màu đen. Quả đắng cay được dùng làm thuốc chữa bệnh.
Thành phần hoá học: Quả chứa 1,5%, tinh dầu. Vỏ chứa 1 chất đắng kết tinh tương tự Berberin, một chất dầu bay hơi và nhựa; còn có dictamnine. Lá chứa tinh dầu, các chất carbonyl như Men-nonyl ketone. Chưng cất phân đoạn ceton tự do có linalyl-acetat, sesquiterpen hydrocarbon và tricosane.
Theo Đông y, quả đắng cay có vị cay mùi thơm, tính ấm. Tác dụng tán hàn, giảm đau trừ giun, chữa sốt đau bụng, nôn mửa, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, phong tê thấp đau nhức, mẩn ngứa, ho có đờm, đau răng.
Thuốc ứng dụng:
Bài 1. Thuốc chữa đau bụng đi ngoài
+ Hạt đắng cay 9g
Hạt đắng cay sao thơm tán nhỏ. Người bệnh chia 3 lần uống trong ngày, trước khi ăn.
Bài 2. Thuốc chữa đau bụng giun
+ Hạt đắng cay 8g
+ Ô mai 12g
Cả hai thứ cho vào nồi cùng 400ml nước đun kỹ, chắt lấy 180ml nước đặc. Người bệnh uống ngày 3 lần trước khi ăn. Cần uống liên tục 3-5 ngày.
Bài 3. Thuốc chữa kiết lỵ
+ Hạt đắng cay 8g
+ Lá mơ lông 10g
+ Rau sam 20g
Các vị thuốc rửa sạch, cho vào nồi cùng 450ml nước, đun sôi kỹ, chắt lấy 180ml nước đặc. Người bệnh chia 3 lần uống hết trong ngày, trước khi ăn. cần uống liền 2-3 ngày.