Nhận định chung
V.A (Végétations Adénoides) là một tổ chức lympho nằm ở vòm họng, là một phần thuộc vòng bạch huyết Waldeyer, còn gọi là amiđan Luschka. V.A phát triển mạnh ở lứa tuổi nhỏ và bắt đầu thoái triển từ 5-6 tuổi trở đi. Viêm V.A cấp tính là viêm nhiễm cấp tính, xuất tiết hoặc có mủ ở amiđan Lushka ngay từ nhỏ, cũng có thể gặp ở trẻ lớn và người lớn (nhưng rất hiếm). Viêm V.A mạn tính là tình trạng V.A quá phát hoặc xơ hoá sau viêm nhiễm cấp tính nhiều lần.
Nguyên nhân do virus: Adenovirus, Myxovirus, Rhinovirus…
Nguyên nhân do vi khuẩn: Tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn tan huyết bêta nhóm A, Haemophilus Influenzae…
Phác đồ điều trị viên VA cấp và mạn tính
Nguyên tắc điều trị
Đối với viêm V.A cấp tính, chủ yếu điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng, chỉ dùng kháng sinh khi nghi ngờ nhiễm khuẩn hoặc đe dọa biến chứng.
Đối với viêm V.A mạn tính chủ yếu là cân nhắc chỉ định phẫu thuật nạo V.A.
Điều trị viêm V.A cấp tính
Điều trị như viêm mũi cấp tính thông thường bằng hút mũi, rỏ mũi để bệnh nhân dễ thở và thuốc sát trùng nhẹ (ephedrin 1%, argyron 1%) dùng cho trẻ nhỏ.
Khí dung mũi: corticoid và kháng sinh.
Kháng sinh toàn thân: dùng cho những trường hợp nặng và có biến chứng.
Nâng đỡ cơ thể.
Những trường hợp viêm cấp tính kéo dài, thầy thuốc phải sờ vòm để giải phóng mủ tụ lại trong tổ chức V.A hoặc nạo V.A “nóng” với điều kiện cho kháng sinh liều cao trước và sau khi điều trị, nhưng rất hãn hữu.
Điều trị viêm V.A mạn tính
Nạo V.A hiện nay rất phổ biến, nhưng khi nào nạo và không nạo V.A cần phải thực hiện theo đúng chỉ định và chống chỉ định.
Chỉ định phẫu thuật:
V.A bị nhiều đợt viêm cấp tính, tái đi tái lại (5 – 6 lần /1 năm).
V.A gây các biến chứng gần: viêm tai, viêm đường hô hấp, viêm hạch.
V.A gây biến chứng xa: viêm khớp cấp tính, viêm cầu thận cấp tính…
V.A quá phát, ảnh hưởng đến đường thở.
Thường tiến hành nạo V.A cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, thời gian hợp lý nhất là từ 18-36 tháng tuổi.
Chống chỉ định phẫu thuật:
Chống chỉ định tuyệt đối: bệnh ưa chảy máu, rối loạn đông máu.
Chống chỉ định tương đối: Khi đang có viêm V.A cấp tính. Khi đang có nhiễm virus cấp tính như: cúm, sởi, ho gà, sốt xuất huyết… Bệnh nhân cơ địa dị ứng, hen phế quản, hở hàm ếch. Bệnh mạn tính: lao, giang mai, AIDS… Thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.
Phương pháp nạo V.A:
Nạo V.A là thủ thuật tương đối đơn giản, nhanh, có hiệu quả, được coi là biện pháp vừa điều trị (nạo bỏ hết tổ chức V.A), vừa phòng bệnh (tránh các biến chứng do V.A gây ra). Có thể nạo bằng bàn nạo La Force hoặc bằng thìa nạo La Moure (gây tê) hoặc bằng dao Hummer, Coblator, dao Plasma (gây mê, kết hợp nội soi mũi…). Cắt amiđan kết hợp nạo V.A dưới gây mê nội khí quản bằng dao điện, Laser, Hummer…
Tiên lượng và biến chứng
Viêm thanh khí phế quản: V.A có thể gây nên những cơn khó thở đột ngột, dữ dội về đêm và kèm theo cơn hen xuất hiện mau hơn và nặng hơn.
Viêm tai giữa: vi khuẩn theo vòi Eustachi vào hòm nhĩ.
Viêm đường tiêu hoá: đau bụng đi ngoài ra nhầy, nước.
Viêm hạch gây áp xe (như hạch Gillette): đó là áp xe thành sau họng trẻ nhỏ.
Thấp khớp cấp.
Viêm cầu thận cấp.
Viêm ổ mắt: viêm màng tiếp hợp, viêm mi mắt, chảy nước mắt.
Ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể: cơ thể bị biến dạng, lồng ngực bị dẹp và hẹp bề ngang, lưng cong hoặc gù, bụng ỏng đít teo. Luôn mệt mỏi lười biếng, buồn ngủ, kém thông minh, nguyên nhân do nghe kém và thở kém nên cơ thể không bình thường.