Nhận định chung
Suy giáp là tình trạng giảm chức năng tuyến giáp dẫn đến sự thiếu hụt tổng hợp và giải phóng hormon tuyến giáp. Danh pháp tương tự: Thiểu năng tuyến giáp, nhược năng tuyến giáp.
Phác đồ điều trị suy giáp ở người lớn
Mục tiêu
Đưa người bệnh về tình trạng bình giáp.
Duy trì tình trạng bình giáp thường xuyên, lâu dài.
Dự phòng và điều trị các biến chứng do suy giáp.
Nguyên tắc điều trị
Điều trị nguyên nhân gây suy giáp.
Bồi phụ hormon tuyến giáp.
Liều lượng và loại hormon bồi phụ tùy thuộc vào mức độ suy giáp và đặc điểm của người bệnh (tuổi, bệnh kèm theo…).
Hormon tuyến giáp thay thế thường bắt đầu với liều nhỏ sau đó tăng dần tới liều tối đa.
Biện pháp điều trị
Chỉ một số ít trường hợp suy giáp do tai biến dùng thuốc kháng giáp tổng hợp hoặc suy giáp thoáng qua do viêm tuyến giáp có thể tự hồi phục, còn lại đa số các trường hợp suy giáp phải điều trị thay thế bằng hormon giáp. Theo dược điển Hoa Kỳ có năm nhóm hormon giáp và chế phẩm có chứa hormon được sử dụng trong lâm sàng:
Levothyroxin (L-T4).
Liothyronin (L-T3).
Liotrix (L-T4 + L-T3).
Dược phẩm tự nhiên và sinh học.
Tinh chất tuyến giáp và thyroglobulin.
Trong số các loại trên thì dược phẩm tự nhiên, sinh học và thyroglobulin chỉ mang tính chất lịch sử, không còn được áp dụng trong điều trị.
Levothyroxin (L-T4)
Là hormon tuyến giáp được ưa dùng nhất để điều trị suy giáp tiên phát. Một số biệt dược thường dùng như: levo-T, levothroid, levoxyl, synthroid.
Dạng thuốc thường dùng là viên nén, cũng có thể dạng tiêm hoặc thuốc nước uống.
Hàm lượng một giọt =5µg, viên nén có hàm lượng: 25 – 50 – 75 – 100 – 300µg; thuốc tiêm: 200- 500µg (100µg/ ml).
Levothyroxin có thời gian bán thải dài (7 ngày) cho nên chỉ cần uống một lần trong ngày.
Liều khởi đầu trung bình 1,6 – 1,8µg/ kg/ ngày. Tổng liều dao động 25- 300µg/ ngày. Người bệnh nữ trung bình 75 – 112µg/ ngày. Người bệnh nam trung bình 125200µg/ ngày.
Sau khi dùng levothyroxin từ 5- 6 tuần, nồng độ T4 huyết thanh sẽ tăng lên. Nếu có teo tuyến giáp gặp ở người bệnh Hashimoto hoặc người bệnh Basedow sau điều trị bằng phóng xạ có thể bắt đầu với liều tăng thêm 25- 50µg/ ngày.
Khi đạt được bình giáp (TSH và hormon tuyến giáp về bình thường) thì giảm liều, sử dụng liều duy trì trung bình 25 – 50 – 100µg/ ngày tùy theo từng người bệnh.
Liothyronin (L-T3)
Dạng thuốc: viên nén, hàm lượng 5 – 25 – 50 µg; Biệt dược: cynomel, cytomel. Thời gian bán thải ngắn (24 giờ), vì vậy liothyronin chỉ được sử dụng cho những trường hợp suy giáp tiên phát, dùng từng đợt ngắn.
Liều thường dùng 25- 75µg/ ngày, liều khởi đầu ¼ viên/ ngày, có thể dùng 1 đến 2 viên /ngày. Thời gian dùng liên tục trong 3- 4 tuần. Không dùng liothyronin để điều trị kéo dài cho người bệnh suy giáp. Liothyronin thường được dùng để điều trị hôn mê do suy giáp hoặc làm nghiệm pháp Werner. 2.3. Liotrix (L-T4 phối hợp L-T3) Phối hợp liothyronin với levothyroxin.
Một số biệt dược: euthyral, thyrolar (chứa 12,5µg T3 và 50µg T4).
Một viên liotrix chứa 12,5µg T3 và 12,5µg T4 có tác dụng tương đương với100 µg T4. Nồng độ L-T4 phối hợp với L-T3 của liotrix thường là 4/1; 5/1; 7/1. Liều khởi đầu thường là ¼ viên / ngày, liều duy trì 1-1,5 viên / ngày.
Bột giáp đông khô
Bột giáp đông khô còn gọi là tinh chất tuyến giáp, được bào chế từ tuyến giáp của gia súc. Viên nén với nhiều hàm lượng khác nhau: 16, 32, 60, 325 mg/ viên. Dược điển Hoa Kỳ quy định 1 viên nén hàm lượng 1gam tương ứng với 60mg bột giáp đông khô. Một số biệt dược: armoun, thyroid, extract thyroidien choay.
Bột giáp đông khô có ưu điểm giống với L-T4 và L-T3 tự nhiên. Liều khởi đầu 2,5µg/ ngày, sau đó tăng dần. Liều duy trì thường là 10- 20µg/ ngày.
Một số chú ý khi dùng thuốc có hormon giáp
Thường bắt đầu bằng liều nhỏ trong một tuần sau đó tăng dần tới liều tối đa. Nếu người bệnh trẻ không có bệnh tim mạch kèm theo, có thể bắt đầu ngay với liều cao (100µg L-T4 / ngày).
Người bệnh cao tuổi nên bắt đầu bằng liều thấp (1µg/ kg/ ngày). Trong quá trình điều trị cần theo dõi các biểu hiện tim mạch, điện tâm đồ. Nếu có cơn đau thắt ngực hoặc thiếu máu cơ tim cục bộ thì cần giảm liều.
Theo dõi khi dùng thuốc: cân nặng, tần số tim, táo bón, cholesterol máu, T4, FT4 và TSH xét nghiệm lại cứ mỗi 6- 8 tuần / lần.
Các trường hợp cần tăng liều levothyroxin
Người bệnh có thai.
Suy giáp ở người bệnh Basedow sau điều trị bằng phóng xạ.
Suy giáp sau viêm tuyến giáp Hashimoto.
Giảm hấp thu levothyroxin do dùng cholestyramin, colestipol, sulphat sắt, hydroxide nhôm hoặc hội chứng ruột ngắn.
Tăng chuyển hóa levothyroxin do dùng phenytoin, rifampicin, carbamazepin.
Các trường hợp cần giảm liều levothyroxin
Sự hồi phục toàn bộ của bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto do hết các tự kháng thể kháng TPO (TPOAb).
Có dấu hiệu tái phát bệnh Basedow.
Tình trạng cấp tính của các bướu nhân tự chủ.
Người bệnh suy giáp cao tuổi.
Dùng các loại thức ăn hoặc thuốc có chứa hoặc có tác dụng tương tự levothyroxin.