Mấy chục năm gần đây phụ nữ Việt Nam có xu hướng “Âu hoá” trong ăn mặc. Điều đó cũng dễ hiểu vì không những chỉ ở nước ta, mà nhiều nước Á Đông khác cũng vậy. Nhưng nói gì thì nói hiện nay chúng ta đang làm mất dần đi vốn mặc dân tộc đầy duyên dáng, độc đáo của xứ sở mình.
Gần đây, một nhà đạo diễn nữ Janet Gardner trong cuốn phim “Thế giới trong lòng địa đạo” đã nói rằng: Các bạn đang tiến Ịên con đường “rồng hoá” nhưng có điều các bạn cần hết sức chú ý, cần phải mọi cách giữ lấy bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam và nếu để mất nó thế giới sẽ nhanh chóng quên các bạn. Và chính mắt tôi đã trông thấy bà thường xuyên mặc chiếc áo cánh vải phin mỏng manh bà ba của miền Nam trong lúc đạo diễn cho bộ phim của bà. Nhìn lại các nước Á Châu trong đó có Trung Quốc, Triều Tiên, và đặc biệt là Nhật Bản hầu hết phụ nữ thường xuyên mặc các quần áo dân tộc trong lễ hội đã đành và trong cả ngày thường nữa mặc dù đời sống của họ đang ở mức rất cao so với ta. Vì vậy, các bạn hãy cùng tôi điểm lại các bộ đồ Việt Nam xem sao?
Hãy ăn mặc quần áo dân tộc Việt Nam
Tôi không khuyên các bạn ăn mặc giống như các cụ, các chị em ta ngày xưa mặc, mà có thể “biến thiên uyển chuyển” tuỳ theo sở thích của bạn.
- Cái yếm, cái yếm đào, cái yếm trắng, cái yếm nâu màu sắc đủ kiểu. .. chính nó là cái áo nâng và che vú mà thôi nhưng nó lại rất độc đáo và “mốt” lại rất hợp vệ sinh. Tuy vậy, nó có nhược điểm là không nâng được vú lên, không mặc được áo hở cổ rộng vai.
- Cái khăn mỏ quạ
Có lẽ chỉ có Việt Nam ta mới có cái khăn mỏ quạ, dù rằng ở các nước khác phụ nữ ai chẳng có cái khăn quàng đầu, quàng cổ nhưng khăn quàng đầu bẻ góc vuông như khăn mỏ quạ thì chưa ở đâu có. Nó vừa duyên vừa kín đáo lại vừa làm dáng vì có thể giắt lên mép khăn gấp một bông hoa hồng hay hoa nhài thơm mà tình tứ. Khi ra nắng che được nắng, khi lấm tấm mua thì che được đầu khỏi ướt còn khi cần quàng cổ cũng có thể quàng được.
- Cái nón che mưa, che nắng, che duyên
Khỏi phải tranh cãi nữa khi mặc áo tứ thân, áo dài, áo bà ba mà không đội nón thì thật chẳng ra làm sao vì các loại áo đó đóng bộ với cái nón.
Nón Việt Nam cũng rất độc đáo và cũng nhiều thể loại, nhiều dạng, nhiều chất liệu.
Tuỳ bộ quần áo bạn mặc mà lựa chọn nón bài thơ đối với các thiếu nữ, thanh nữ. Nón quai thao rộng vành trắng với các bạn miền quan họ mặc áo tứ thân. Nón lá dừa, nón dầy và già cho các chị em nông thôn đi làm đồng ruộng. Nón bằng rộng vành cho các chị em dân tộc Mèo, Mán… và nón bằng nan mây cho các thiếu nữ, thanh nữ ở thành phố đội vừa mốt, vừa che nắng, che mưa. Với cái nắng cháy da vào mùa hè thì không gì mát mặt hơn cái nón và khi trời đổ mưa to thì cái nón có hiệu nghiệm hơn bất kỳ cái mũ nào. Còn khi không muốn cho đối phương nhìn mặt thì chỉ cần che nghiêng một chút thôi bạn đã có thể che khuất nhanh chóng khuôn mặt mình.
Hầu hết các bạn nam nữ nước ngoài đều rất muốn đội nón khi đến Việt Nam và muốn mua một chiếc về vừa làm kỷ niệm vừa là một quà tặng độc đáo cho vợ, cho mẹ hoặc em gái họ.
Vậy các bạn có định đổi nón lấy mũ không? Xin các bạn hãy suy nghĩ kỹ. Tuy vậy, nếu bạn đi xe máy thì xin bạn chớ có đội nón vì gió có thể lật nón che mặt làm bạn ngã đấy.
- Bộ quần áo bà ba
Tôi đoán rằng không có bộ quần áo nào “tổng hợp đến thế” bạn chỉ cần cách điệu một chút: tay rộng, tay hẹp, sẻ 2 tà, 4 tà hay lua tua hoặc dài một chút, ngắn một chút, cổ quả tim hay cổ hơi tròn, thắt eo hay nở eo một chút là phù hợp với sở thích của bạn rồi. Chỉ có điều là không được may vải dầy mà càng mỏng càng đẹp càng dễ mê mẩn mọi người.
Có cái lạ và độc đáo nếu bạn cần thì có thể mặc áo bà ba trong tất cả mọi nơi mọi lúc kể cả trong lễ hội, họp hành đều chấp nhận được. Nói thật với các bạn nữ nhé ! Bọn con trai chúng tôi rất mê các bạn nữ mặc quần áo bà ba, trông vừa hấp dẫn, nhẹ nhàng, kín đáo, vừa duyên vô cùng, miễn là các bạn có thể mặc đủ màu sắc, thêu thùa, hoa kiểu….
Chúng tôi mà trông thấy các bạn nữ trẻ mặc áo cánh phin nõn trắng hoặc nâu mà vô tình để mưa rơi ướt vài hạt lên ngực thì nhiều anh luống cuống đấy các bạn ạ. Như anh bạn người Đức đã nói với tôi (Anh ấy là nhà phẫu thuật thẩm mỹ) rằng không hiểu sao với chiếc áo cánh Việt Nam thì có thể vừa vặn cho cả người béo, người gầy, người cao, người thấp, ai mặc vào đều rất dễ nhìn và vừa mắt mọi người.
Vậy các bạn hãy suy nghĩ xem có nên mặc hàng ngày bộ áo cánh đơn giản và vẫn đẹp không ?
Phụ nữ Việt Nam có làn da nói chung rất mịn cho nên quần áo vải phin là rất thích hợp để bảo vệ da khỏi xây xước. Mùa hè nóng nhiều bạn có thể mặc bộ áo cánh quần mỏng, thoáng mát thì dễ thông hơi mà lại rất hợp với cơ thể của bạn.
- Chiếc áo dài tân kỳ hoặc tứ thân
Đây là chiếc áo đặc trưng riêng biệt của Việt Nam mà chẳng ai tranh cãi được. Tôi đã cố gắng dồn công sức để góp phần khôi phục và khuyến khích chị em cả nước lại mặc chiếc áo dài truyền thống này với đủ các kiểu cách điệu về chiều dài, vòng cổ, vòng tay, sẻ tà cao thấp, cổ kín, cổ hỏ, cổ cao, cổ thấp … Điều ấy không quan trọng, cái quan trọng nhất là cái dáng áo dài như các bạn đã thấy và đã mặc.
Một thời “khó khăn” đã cho chiếc áo dài là cổ lỗ và người ta đã muốn cho nó vào bảo tàng vì “không Tây”, “không Tầu” như cách nghĩ của một thời không xa lắm của một số người.
Nhưng vì nó quá được khen và được ưa chuộng trên thế giới mỗi khi có đoàn phụ nữ Việt Nam với chiếc nón bài thơ trong các đoàn diễu hành liên hoan thế giới thì trong tôi ý thức dân tộc trỗi dậy và tôi đã quyết tâm đặt vấn đề với các nhà văn hoá để cuối cùng bộ tem áo dài của phụ nữ Việt Nam đã được ra đời dưới sự bảo trợ của Hội từ thiện Tấm lòng vàng Việt Nam và Tổng công ty bưu chính viễn thông Việt Nam cách đây đúng 5 năm. Sau đấy 2 năm Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khuyến khích phong trào phụ nữ mặc áo dài khi làm việc ở công sở. Từ đấy hầu như tất cả chị em trong cả nước đã rộn ràng phấp phới tung bay tà áo dài duyên dáng, độc đáo và tế nhị, dịu dàng trên đất nước Việt Nam thanh lịch và tươi đẹp của chúng ta.
Các bạn nữ chúng ta có quyền tự hào về chiếc áo dài dân tộc của mình.
Về chiếc “quần jean”.
Sở dĩ tôi nói đến chiếc “quần jean” hay còn gọi là “quần bò” vì xuất xứ là chiếc quần của Anh, Mỹ mà những chàng trai chăn bò thường mặc vì nó được may bằng vải bông dày, thấm mồ hôi dễ, lâu rách và trườn trải bất kỳ bụi bò nào, dễ dàng hoạt động trên lưng ngựa cũng như chạy bộ.
Ngày nay, thanh niên nói chung rất ưa dùng “quần jean” vì nó thích hợp với đi du lịch, chơi thể thao, đua mô tô.
Có rất nhiều thể loại quần jean: dài, ngắn, thụng hoặc bó ống, bó mông hoặc rộng mông. Loại ngắn được thanh nữ, thiếu niên ưa thích như loại có rua tua gấu trông rất dẹp. Rất tiếc, có bạn không hiểu đúng thực dụng của chiếc “quần jean” này nên đã mặc nó cả trong lúc lễ hội, trong hội họp có tính chất trọng thể hoặc mặc ở nhà hàng ngày. Đó là một sai lầm cần tránh, nhất là cái “quần bò” của bạn không được giặt thường xuyên như thường thấy ở một số thanh niên. Ngoài ra, “quần jean” không thích hợp với các bạn có mông quá to cũng như ngược lại người gầy nhẳng mà mông thì lép.
“Quần jean” chỉ thích hợp với tuổi từ 15 đến 30 tuổi thôi tức là tuổi thanh nữ. Xin các bạn hãy chú ý “quần jean” chỉ dùng cho các hạn đi du lịch, chơi thể thao ở lứa tuổi thanh xuân.
Bộ quần áo ngủ, váy ngủ “phô” ở ngoài đường.
Một số bạn nữ kể cả già lẫn trẻ không hiểu tại sao lại nhầm lẫn đến mức chính bộ quần áo “hớ hênh” “lòng thòng” “thùng thình” ấy để mặc trong nhà hoặc đi ngủ cho thoáng mát mà các bạn lại mặc ra cả ngoài dưỡng phố thì rất không đẹp mắt chút nào. Nếu các bạn mặc như thế thì có lẽ các bạn “phớt đời” rồi và không nghĩ đến người khác khi họ nhìn vào bạn, thấy ngượng thay cho sự hố hênh đó.
Rất nhiều bạn nước ngoài lấy làm kinh ngạc khi thấy các bạn mặc bộ đồ “py gia ma” (bộ quần áo ngủ) và tiếp khách (tiếp họ hoặc khách lạ). Ở Phương Tây đó là điều cấm kỵ’. Nhưng nếu các bạn cả gan mặc ra ngoài đường thì họ càng “sợ” hơn. Đã đến lúc chúng ta phải có một luật quy định của các nhà văn hoá dân gian về cách ăn mặc trong lúc lễ hội, lễ nghi, lúc hội họp, lúc tiếp khách, lúc ra đường, lúc ở nơi công cộng, lúc tang lễ, lễ phục dân tộc… Điều ấy là phép xã giao ứng xử không thể thiếu được trong xã hội văn minh hiện nay mà ta đang phấn đấu. Ở xã hội Phương Tây và một số nước tiên tiến khác kể cả ở Việt Nam trong thời phong kiến cũng đã có quy định thành “luật pháp dân gian” từ lâu rồi.
Quần áo dùng mặc trong nhà bao giờ cũng phải đảm bảo trước hết là sạch sẽ, vệ sinh, thoáng rộng. Nếu ta đem nó đi ra đường thì trước hết thấm đẫm bụi bặm vào quần áo và vào trong cơ thể. Chỉ riêng điều đó cũng đã nhắc ta nhớ là không bao giờ được phép mặc ra đường, dù chỉ là một vài phút bộ đồ ngủ mặc trong nhà. Đó là điều tự tôn trọng chính mình và cho cả mọi người xung quanh.