Máu cho: lượng máu cho thường từ 300 đến 450 ml, được lấy và cho vào một túi chất dẻo có chứa sẵn dung dịch citrat phosphat glucose (CPG). Máu cho có thể được giữ từ 15 đến 20 ngày ở +4°c. Không bao giờ được để lại túi máu đã hâm nóng nhưng không sử dụng vào trong tủ lạnh (vì nguy cơ tăng nhiễm khuẩn). Phải tránh không lấy máu của người cho có tiền sử viêm gan B, sốt rét, giang mai, hoặc nghi ngờ đang trong thời kỳ ủ bệnh lây nhiễm, trong đó có bệnh AIDS (người cho phải được làm test với kết quả âm tính). Máu của người cho sau khi lấy còn phải thực hiện nhiều xét nghiệm, đặc biệt là thử nhóm máu ABO và Rh, xét nghiệm huyết thanh bệnh giang mai, tìm kháng nguyên virus viêm gan B, c và virus HIV.

Chỉ định truyền máu: máu toàn phần được sử dụng để truyền cho những bệnh nhân bị chảy máu nhiều, đặc biệt là những trường hợp bị sốc; phải sử dụng máu phù hợp mô, nhưng trong những trường hợp không còn hi vọng, thì đành phải dùng máu thuộc nhóm O, Rh- (máu của người cho phổ thông). Quyết định truyền máu đòi hỏi phải cân nhắc những lợi ích có thể đạt được so với nguy cơ có thể xảy ra, cũng như so sánh với những biện pháp điều trị khác có thể thực hiện thay thế. Thật vậy, máu là một loại mô sống, truyền máu thực chất là một hình thức ghép, mà người ta chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết. Trong trường hợp có thể, thì nên sử dụng những sản phẩm là chế phẩm của máu toàn phần, hoặc những sản phẩm tương đương có sẵn được sản xuất bằng kỹ nghệ sinh học.

Những sản phẩm là thành phần của máu

  • Hồng cầu đậm đặc (cặn hồng cầu): đơn giản là chuẩn bị bằng cách quay ly tâm máu toàn phần, có thể giữ được trong 21 ngày. Truyền hồng cầu đậm đặc được chỉ định trong những trường hợp thiếu máu cấp tính hoặc mạn tính mà không thể có biện pháp điều trị nào khác hoặc những biện pháp đó không hiệu quả (truyền 1 mg/kg cân nặng cơ thể sẽ cho kết quả hematocrit 1%). So sánh với truyền máu thì truyền hồng cầu đậm đặc chỉ cần một khối lượng nhỏ hơn. Đôi khi người ta sử dụng một dung dịch hồng cầu đậm đặc đã “loại bỏ huyết tương” bằng cách rửa liên tục để loại trừ toàn bộ dấu vết của huyết tương, bạch cầu và tiểu cầu.
  • Bạch cầu đậm đặc (cặn bạch cầu): vì chuẩn bị sản phẩm này khó khăn hơn, nên sử dụng chỉ giới hạn trong trường hợp bất sản dòng bạch cầu hạt (bạch cầu hạt < 500/pl) với biến chứng nhiễm khuẩn nặng, kháng lại các thuốc kháng sinh. Chỉ sử dụng cho những bệnh nhân không được gây miễn dịch đối với các kháng nguyên HLA của người cho.
  • Tiểu cầu đậm đặc (cặn tiểu cầu):có thể giữ, trong 48 giờ ở nhiệt độ 22°c, trong lúc giữ phải lắc liên tục. Chỉ định truyền giới hạn trong những trường hợp chảy máu nặng vì giảm tiểu cầu cấp tính (tiểu cầu < 10.000/pl). Truyền tiểu cầu không thành công thường do tạo miễn dịch kháng tiểu cầu đồng loài phát sinh trong những lần có thai hoặc được truyền máu từ trước. Cũng như trong truyền máu, truyền tiểu cầu có thể làm lây nhiễm vi khuẩn hoặc Tạo miễn dịch đồng loài: truyền tiểu cầu thường làm xuất hiện những kháng thể kháng tiểu cầu (đôi khi kháng HLA-A hoặc B), làm cho bệnh nhân trở nên khó điều trị. Truyền tiểu cầu phù hợp HLA làm giảm 1/3 nguy cơ tạo miễn dịch đồng loài. Phản ứng ” mảnh ghép chống túc chủ” hiếm xảy ra, nhưng có thể xuất hiện ởnhững đối tượng suy giảm miễn dịch. Phòng ngừa phản ứng này bằng biện pháp chiếu xạ những sản phẩm tiểu cầu bằng tia gamma.
  • Huyết tương tươi đông lạnh:được lấy từ máu người, bằng phương pháp ly tâm hoặc để lắng, sản phẩm này được cung cấp trong những chai và phải dùng ngay sau khi giải đông lạnh (vì nguy cơ vi khuẩn sinh sản). Huyết tương tươi đông lạnh cung cấp đủ tất cả các yếu tố tham gia vào quá trình cầm máu, nhưng dưới dạng không đậm đặc và không có tiểu cầu. Sản phẩm này được sử dụng cho những trường hợp giảm thể tích máu, tình trạng sốc kèm theo máu bị cô đặc và truy mạch, trường hợp bỏng rộng. Đối với những trường hợp giảm protein huyết, thì dung dịch albumin hay được sử dụng hơn.

Hiệu quả không mong muốn: quá tải tuần hoàn (nguy cơ phù phổi cấp), lây truyền virus viêm gan.

  • Những sản phẩm khác:albumin, fibrinogen (chất sinh sợi huyết), yếu tố VII, yếu tố VIII, yếu tố IX, immunoglobulin, phân đoạn đông máu PPSB, kháng thrombin III (xem các từ này).

Test phù hợp mô (tương hợp mô): Có hai hệ thống kháng nguyên hồng cầu do di truyền quyết định, và quan trọng đối với tính phù hợp mô giữa máu của người cho và máu người nhận, hai hệ thống kháng nguyên này phải được phân loại theo các nhóm ABO và Rh.

Truyền máu tự thân: là truyền chính máu của người được truyền, biện pháp này loại trừ được những nguy cơ lây truyền các mầm bệnh và nguy cơ tan máu vì có nhiều kháng thể kháng hồng cầu; tuy nhiên, truyền máu tự thân chỉ có thể thực hiện được trong phẫu thuật nếu cuộc mổ đã được xắp xếp trước theo chương trình. Máu của bệnh nhân được lấy vào tuần trước cuộc mổ, và sẽ được sử dụng để đáp ứng nhu cầu trong và sau phẫu thuật. Số lượng các trường hợp truyền máu tự thân đã tăng lên đáng kể là do người ta sợ bị lây nhiễm HIV.

Truyền máu-thay máu: lấy máu đi với một lượng bằng lượng máu được truyền.

Tách huyết tương: là phương pháp tách huyết tương ra khỏi máu toàn phần để sử dụng vào một mục đích trị liệu (thay huyết tương), hoặc vào mục đích thu thập huyết tương. Huyết tương được tách khỏi máu toàn phần bằng phương pháp để lắng (ly tâm), hoặc bằng một máy tách tế bào theo dòng liên tục. Những yếu tố hữu hình được tách ra khỏi huyết tương như thế sẽ được truyền lại cho bệnh nhân trong một thể tích tương đương dung dịch albumin 5% hoặc huyết tương bình thường.

Tách huyết tương với mục đích trị liệu là một kiểu thẩm phân cho phép loại trừ những chất gây bệnh tồn tại trong huyết tương của bệnh nhân. Thể tích được làm sạch mỗi lần tương đương với một khối lượng huyết tương.

Nồng độ các immunoglobulin trong huyết tương sẽ giảm khoảng 60% sau mỗi lần tách và giảm khoảng 90% sau từ 3 đến 5 lần tách.

Trong bệnh ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối, phương pháp tách huyết tương cho phép truyền cho bệnh nhân những lượng lớn huyết tương bình thường mà không bị quá tải về thể tích. Những chỉ định chính được đề xuất của phương pháp này và những chất phải làm sạch (giữa hai ngoặc đơn) là:

  • Tăng độ nhớt (macroglobulin huyết Waldenstrồm, immunoglobulin huyết đơn clôn)
  • Globulin huyết tủa lạnh (cryoglobulin).
  • Thiếu máu tan máu tự miễn (kháng thể tự miễn kháng hồng cầu)
  • Thiếu yếu tố VII mà không đáp ứng khi được tiêm yếu tố này (kháng thể kháng yếu tốVIII).
  • Lupus ban đỏ rải rác (phức hợp miễn dịch)
  • Ngộ độc (chất độc).
  • Ban xuất huyết sau truyền máu (kháng thể kháng tiểu cầu hoặc kháng PIA1)
  • Ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối.
  • Bệnh nhược cơ nặng, trong cơn kháng trị liệu (kháng thể kháng thụ thể của acetylcholin).
  • Tăng cholesterol huyết gia đình thể nặng.
  • Bệnh Refsum (acid phytanic).
  • Hội chứng Goodpasture (kháng thể kháng màng đáy)

Tách tế bào máu: là phương pháp cho phép tách những yếu tố hữu hình ra khỏi máu toàn phần nhờ một máy tách tế bào máu theo dòng liên tục, nhằm mục đích thu thập (cặn hồng cầu) hoặc mục đích trị liệu. Tách bạch cầu được sử dụng trong điều trị bệnh bạch cầu lympho mạn tính, những bệnh bạch cầu cấp tính tăng bạch cầu, bệnh Sezary. Tách tiểu cầu được sử dụng để điều trị chứng tăng tiểu cầu huyết.

 

0/50 ratings
Bình luận đóng