Bệnh da không đơn thuần là một bệnh Ghẻ, Nấm, Mày đay… mà có liên quan chặt chẽ với các cơ quan nội tạng cũng như những biến đổi sinh học bên trong cơ thể. Do đó, da được xem như một tấm gương thu nhận sự kiện từ bên ngoài vào trong cơ thể và ngược lại phản ánh các biến đổi từ bên trong cơ thể ra ngoài da.
Sau đây là sơ lược về một số liên quan giữa da và nội tạng thường gặp trong chuyên khoa Da Liễu.
Mục lục
BỆNH DA VÀ NHIỄM SIÊU VI
Một số bệnh da do nhiễm siêu vi có thể có liên quan đến nội tạng.
Bệnh Giời leo (Herpes zoster-Zona)
Tổn thương thần kinh do Zona vùng bẹn có thể gây rối loạn vận động bọng đái đưa đến tiểu khó, tiểu đau, cảm giác đau nhức ở bìu bên bị tổn thương. Tổn thương thần kinh do Zona mắt có thể làm tổn thương giác mạc.
Một tỷ lệ rất hiếm ở người cao tuổi bị Zona là có thể có ung thư nội tạng tiềm ẩn. Do đó, cần phải kiểm tra tổng quát trước những trường hợp Zona ở người cao tuổi.
Bệnh Mụn giộp (Herpes simplex-Herpès)
Bệnh Mụn giộp hay tái phát nhiều lần, thường xuất hiện đi kèm với các bệnh cảm cúm, viêm phế quản. Đối với Mụn giộp sinh dục ở phụ nữ, cần kiểm tra phết tế bào âm đạo-cổ tử cung (Pap’s smear) để phòng ngừa Ung thư cổ tử cung.
BỆNH DA VÀ NHIỄM KHUẨN
Tụ cầu khuẩn và Liên cầu khuẩn là hai tác nhân gây nhiễm khuẩn ở da rất thường gặp như Viêm nang lông, Nhọt, Chốc… cần đề phòng Viêm vi cầu thận cấp ở trẻ con khi tình trạng nhiễm khuẩn kéo dài.
Đối với một số Bệnh da bóng nước cần phải điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch lâu ngày, các loại vi khuẩn gram âm như Pseudomonas, gram dương như Tụ cầu vàng… có độc tính cao có thể gây nhiễm khuẩn da và đưa đến nhiễm khuẩn huyết.
BỆNH DA VÀ NHIỄM NẤM
Thường các bệnh Nấm cạn không liên quan đến nội tạng nhưng các bệnh Nấm sâu có thể gây tổn thương xương, phổi, não, màng não…
BỆNH DA VÀ DINH DƯỠNG
Thiếu sinh tố A
Thiếu sinh tố A có thể đưa đến bệnh Dày sừng nang lông (các chân lông đều có những nốt sừng trông giống như da gà), Loét mép, Lưỡi đỏ bóng.
Thiếu sinh tố c
Thiếu sinh tố c có thể đưa đến sự xuất hiện nốt sừng ở trước cẳng chân, bụng, sau đùi. Thiếu sinh tố c cũng có thể đưa đến ban xuất huyết nhất là ở chi dưới.
Thiếu đạm do suy dinh dưỡng
Lâu ngày sẽ đưa đến bệnh Kwashiokor.
Thiếu sinh tố pp
Lâu ngày sẽ đưa đến bệnh Pellagra.
Thiếu chất kẽm
Lâu ngày sẽ đưa đến bệnh Viêm bì đầu-cơ thể-ruột (Acrodermatitis enteropathica).
Chất Gluten có trong thức ăn (nhất là tinh bột) có liên quan đến bệnh Viêm da dạng Herpes (Dühring-Brocq)
BỆNH DA VÀ MIỄN DỊCH HỌC
Các bệnh da do rối loạn miễn dịch như Bệnh da bóng nước, Bệnh chất tạo keo (Lupus đỏ, Xơ cứng bì, Viêm nút quanh động mạch, Viêm bì cơ…) đều có thể gây tổn thương nội tạng như thận, tim, phổi, tiêu hóa, thần kinh.
Bệnh Vảy nến cũng là bệnh do nguyên nhân rối loạn miễn dịch đưa đến sự tăng sinh bất thường của lớp biểu bì, cũng có thể gây viêm khớp.
Trúng độc da do thuốc dạng nặng như Hội chứng Stevens-Johnson, Hội chứng Lyell có thể đưa đến tổn thương gan, thận, nhiễm khuẩn huyết và đi đến tử vong.
Một số bệnh da như Chàm, Mày đay, Phù mạch… cũng có nguyên nhân do miễn dịch dị ứng.
BỆNH DA CÓ LIÊN QUAN ĐẾN BỆNH ÁC TÍNH
Trước những trường hợp bệnh Viêm bì cơ ở người trên 40 tuổi, chúng ta cần phải khám tổng quát để điều tra các bệnh lý ác tính đi kèm như Ung thư vú, phổi, tiết niệu, tiêu hóa, lymphome…
Bệnh Gai đen (Acanthosis nigricans) thường liên quan đến Ung thư dạ dày, tụy tạng, trực tràng, phổi, vú, tử cung.
BỆNH DA VÀ RỐI LOẠN TIÊU HÓA
Ban xuất huyết Henoch-Schoenlein gây đau bụng dữ dội, ói, tiêu chảy…
Viêm nút quanh động mạch có thể gây viêm phúc mạc, thuyên tắc mạch treo, viêm tụy…
BỆNH DA VÀ TỔN THƯƠNG THẬN
Các bệnh da như Sarcoidosis, bệnh Hóa tinh bột hệ thống (Systemic amyloidosis), Lupus đỏ hệ thống, Xơ cứng bì… đều có thể gây tổn thương thận.
BỆNH DA VÀ RỐI LOẠN THẦN KINH, TÂM THẤN
Một số các bệnh da có liên quan ít nhiều đến yếu tố thần kinh, tâm thần như bệnh vảy nến, Mày đay, Viêm đa thần kinh, Trụi tóc (Pelade), Tật nhổ tóc ở trẻ con…
BỆNH DA VÀ RỐI LOẠN HUYẾT HỌC
Bệnh Lymphome có những biểu hiện rất đặc trưng ở da và thường dễ bị nhầm lẫn với bệnh Phong thể L.
Giảm tiểu cầu, bạch cầu, hồng cầu thường thấy trong bệnh Lupus đỏ hệ thống.
KẾT LUẬN
Như vậy, khám da liễu không đơn thuần là chỉ là khám da mà phải khám tất cả cơ quan nội tạng. Ví dụ trước một trường hợp Lupus đỏ cấp tính cần khám tim, phổi, thận… Trước một trường hợp trúng độc da do thuốc cần đánh giá mức độ tổn thương ở các cơ quan để có một nhận định về tình trạng bệnh lý. Điều này đòi hỏi Bác sĩ chuyên khoa Da Liễu phải có kiến thức và kỹ năng thực hành tốt về những bệnh nội khoa và ngoại khoa tổng quát.