Bệnh bạch cầu có thể là cấp hoặc kinh diễn. Bạch cầu kinh diễn cũng có giai đoạn chuyển thành cấp. Bài này đề cập đến chăm sóc người bệnh mắc bệnh bạch cầu cấp, một bệnh có tăng sinh dòng bạch cầu non dòng hạt, lấn át các dòng khác.

NGUYÊN NHÂN

  • Do virus.
  • Do phóng xạ.
  • Do hoá chất độc như benzen, toluen, thạch tín vô cơ.
  • Do yếu tố di truyền.
  • Phần lớn chưa rõ nguyên nhân, được cho là bệnh tự miễn dịch.

TRIỆU CHỨNG

Thường gặp ở lứa tuổi trẻ, đặc điểm là tăng sinh bạch cầu non chưa biệt hoá, dòng bạch cầu trung gian không có.

Lâm sàng: (Có 5 hội chứng)

  • Hội chứng nhiễm khuẩn:

+ Sốt cao 39 – 410C, sốt liên tục.

+ Môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi.

  • Hội chứng thiếu máu:

+ Hoa mắt, chóng mặt.

+ Hồi hộp, đánh trống ngực.

+ Da xanh, niêm mạc nhợt.

+ Mạch nhanh, nhịp tim nhanh.

  • Hội chứng xuất huyết:

+ Xuất huyết: dưới da, niêm mạc, nội tạng.

+ Xuất huyết tự nhiên, nhiều hình thái, xuất huyết do giảm tiểu cầu.

  • Hội chứng gan, lách, hạch to mức độ vừa phải.
  • Hội chứng viêm loét miệng và có thể đau các xương dài.

Cận lâm sàng

  • Huyết đồ: lấy máu ngoại vi

+ Số lượng hồng cầu giảm.

+ Số lượng tiểu cầu giảm.

+ Số lượng bạch cầu có khi tăng, có khi bình thường, có khi giảm, nhưng rất nhiều bạch cầu non chưa biệt hoá (Leucoplaste > 80%), đa nhân trung tính giảm.

  • Tuỷ đồ: lấy bệnh phẩm ở tuỷ xương.

, + Số lượng tế bào tủy tăng sinh (bình thường: 30.000-100.000/mm3 máu), tăng nhất là dòng bạch cầu non chưa biệt hoá.

+ Bạch cầu trung gian (Tủy bào – Hậu tủy bào) không có.

+ Bạch cầu già (Bạch cầu đũa – múi) ít.

  • Những đặc điểm tuỷ đồ như trên còn được gọi là “khoảng trống bạch cầu”.

+ Còn dòng hồng cầu và dòng tiểu cầu giảm.

ĐIỀU TRỊ

  • Dùng thuốc ức chế dòng bạch cầu non

Prednisolon 5 mg X 6 – 10 viên/24 h, uống sau ăn.

Vincristin hoặc Myleran, 6MP.

  • Truyền máu

Nếu thiếu máu nhiều, cho truyền máu cùng nhóm.

Cho uống thêm các loại thuốc tạo hồng cầu như vitamin C, vitamin B6, sắt.

  • Hạ sốt

Paracetamol 0,5 g X 2 viên/24h.

Chườm mát cơ thể.

  • Chống nhiễm khuẩn

Kháng sinh: penixilin; cephalecin hoặc ampixilin.

Nâng cao thể trạng.

CHĂM SÓC

Nhận định chăm sóc

  • Hỏi bệnh nhân:

+ Mắc bệnh từ bao giờ?

+ Có sốt không, sốt liên tục hay sốt cơn?

+ Có hoa mắt chóng mặt, hồi hộp đánh trống ngực, mệt nhọc?

+ Có chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da không?

+ Có tiếp xúc với chất độc hoá học, hoặc khu vực có ô nhiễm phóng xạ không?

  • Quan sát và khám:

+ Da xanh, niêm mạc môi, lưỡi có nhợt, lòng bàn tay, móng tay nhợt.

+ Có xuất huyết trên da không?

+ Bắt mạch, đếm nhịp tim.

+ Xem gan, lách, hạch có to không?

  • Xét nghiệm :

+ Số lượng hồng cầu, tiểu cầu.

+ Bạch cầu non.

+ Tủy đồ: số lượng tế bào tủy.

Lập kế hoạch chăm sóc

  • Tăng lượng máu tới các tổ chức.
  • Giảm thân nhiệt và chống nhiễm khuẩn.
  • Làm giảm và hết xuất huyết.
  • Giảm lo lắng cho bệnh nhân.

Thực hiện chăm sóc

Tăng cường lượng máu tới các tổ chức

    • Để bệnh nhân nghỉ ngơi tại giường, buồng yên tĩnh, nằm đầu thấp, chân cao, thay đổi tư thế phải từ từ, đi lại phải có người trợ giúp.
    • Thực hiện y lệnh:

+ Lấy máu xét nghiệm, phụ giúp bác sĩ làm huyết đồ – tủy đồ.

+ Nếu số lượng hồng cầu < 2 triệu/mm3 phải truyền máu tươi cùng nhóm.

+ Khi truyền máu, phải theo dõi mạch, huyết áp, tinh thần bệnh nhân.

+ Thực hiện y lệnh một số thuốc như: vitaminC, vitamin B6, sắt, axit folic.

  • Chế độ ăn:

+ Ăn nhẹ dễ tiêu, ăn thức ăn có nhiều calo, ăn các loại hoa quả tươi.

+ Ăn chia nhiều bữa nhỏ.

Giảm sốt và chống nhiễm khuẩn

  • Đảm bảo vệ sinh thật tốt:

+ Vệ sinh răng miệng: chải răng bằng bàn chải mềm, súc miệng bằng nước muối sinh lý, nếu có loét miệng phải lau bằng gạc mềm.

+ Vệ sinh thân thể: lau người, vệ sinh bộ phận sinh dục bằng nước ấm, thay quần áo thường xuyên.

  • Thực hiện y lệnh:

+ Sốt cho hạ sốt: Paracetamol 0,5 g X 2 viên/24h.

+ Có nhiễm khuẩn: cho penixilin G, cephalecin, ampixilin…

+ Thuốc chống ung thư để ức chế bạch cầu non: prednisolon, vincristin, 6MP, myleran.

Chú ý: Khi sử dụng thuốc chống ung thư phải theo dõi: đau dạ dày, huyết áp hạ, rụng tóc, buồn nôn… nếu có thì phải tạm dừng thuốc và báo cáo bác sỹ.

Làm giảm, hết xuất huyết và ngăn ngừa xuất huyết tái phát

  • Hạn chế sử dụng các loại thuốc tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch.
  • Tránh va chạm, không để đứt tay, đứt chân.
  • Nếu có sốt, đau đầu không uống aspirin.
  • Thực hiện y lệnh: vitamin C, rutin 4 viên/24h giúp bền vững thành mạch.
  • Thực hiện y lệnh truyền máu và các chế phẩm của máu như tiểu cầu.

Giảm lo lắng cho bệnh nhân

  • Gần gũi bệnh nhân, kiên trì động viên, tạo cho bệnh nhân tinh thần thoải mái, khuyến khích bệnh nhân tham gia vào chế độ điều trị.
  • Hướng dẫn bệnh nhân cách theo dõi một số tác dụng phụ của thuốc, giữ gìn vệ sinh thân thể, không để xuất huyết bằng cách tránh va chạm.
  • Hướng dẫn cho những người thân chăm sóc bệnh nhân chu đáo, ăn tăng các thực phẩm giàu protein như thịt, cá, trứng, sữa… chế biến hợp khẩu vị, chia nhiều bữa trong ngày, ăn thêm hoa quả tươi.

Đánh giá chăm sóc

Việc chăm sóc được coi là có kết quả khi:

  • Bệnh nhân hết sốt, đỡ mệt, đỡ hoa mắt chóng mặt.
  • Hết xuất huyết, hết nhiễm khuẩn.
  • Hiểu và yên tâm điều trị, tham gia theo dõi bệnh.

5/51 rating
Bình luận đóng