LỊCH SỬ MÔN DƯỢC LIỆU

Vào thời kỳ tiền sử, con người phải kiếm cây cỏ và động vật hoang dại để làm thức ăn. Qua chọn lọc và thử thách, con người dần dần xác định được thực vật, động vật nào ăn được hoặc không ăn được. Tính chất chữa bệnh của một số thực vật hoặc động vật cũng được tình cờ phát hiện rồi kinh nghiệm được tích lũy dần .
Những tài liệu cổ cho biết khoảng 5000 năm trước công nguyên (TCN), người dân Babilon (Babilonians) đã hiểu biết tác dụng của nhiều cây thuốc. Theo tài liệu tìm được trong một ngôi mộ ướp xác viết vào năm 1550 TCN hiện còn lưu trữ tại Viện đại học Leipzig thì người Ai Cập thời đại xưa đã có trình độ cao về ướp xác và đã biết dùng nhiều cây thuốc và động vật làm thuốc.
Tên tuổi của những thầy thuốc Hy Lạp cổ cũng được lịch sử ghi lại:
Hippocrat(460-370 TCN) được coi là tổ sư ngành Y dược. Ngoài những công trình về giải phẫu, sinh lý, ông còn đưa vào sử dụng hơn 200 cây thuốc. “Lời tuyên thệ Hippocrat” ngày nay phản ánh sự quý trọng đối với người thầy thuốc Hy Lạp đó.
Aristot (384-370 TCN) và học trò của ông là Theophrat (370-278 TCN) đều là những nhà khoa học tự nhiên nổi tiếng. Những công trình của 2 ông là những tài liệu sử dụng cho những nhà khoa học tự nhiên về sau để nghiên cứu trong lĩnh vực động vật và thực vật.

Dioscorid, một nhà nghiên cứu về dược liệu sống và thế kỷ thứ nhất TCN đã viết tập sách “Dược liệu  học” (De Materia medica) vào năm 78 TCN. Trong tập sách này ông mô tả hàng ngàn cây có tác dụng chữa bệnh, trong đó có nhiều cây quan trọng còn sử dụng trong y học hiện đại ngày nay.

Dioscorid
Dioscorid

Một thầy thuốc khác cũng người Hy Lạp sống ở La Mã là Gallien (121-200 SCN). Ông nghiên cứu cả y lẫn dược, đặc biệt ông viết sách mô tả các phương pháp bào chế thuốc chứa dược liệu có nguồn gốc động vật và thực vật. Ngày nay ngành Dược coi ông là bậc tiền bối của ngành.

Dragendorff
Dragendorff

Đối với nền y học phương Đông, phải kể đến nền y học Trung Quốc. Vào thời kỳ Hoàng Đế (2637 TCN) đã có sách nói về các phương pháp chữa bệnh theo y lý đông phương: Cuốn “Nội kinh”. Tuy nhiên phải đợi đến năm 1596, mới có một cuốn sách được công nhận thực sự có giá trị khoa học và bổ ích, đó là “Bản thảo cương mục” do Lý Thời Trân biên soạn (1518-1593).

Lý Thời Trân
Lý Thời Trân
Dân tộc ta, lịch sử về nên y dược học cũng đã có từ lâu đời. Vào khoảng 4000 năm trước công nguyên, Thần Nông đã dạy cho dân sử dụng các loại ngũ cốc, thực phẩm và biết phân biệt cây cỏ có tác dụng chữa bệnh.
Vào thời kỳ Hồng – Bàng (2879 TCN) tổ tiên ta đã biết kết hợp một số dược liệu (vỏ lựu, ngũ bội tử, cánh kiến) dể nhuộm răng, đã có tục nhai trầu (trầu, cau, vôi) để bảo vệ bộ răng và da dẻ hồng hào, biết uống chè vối cho dễ tiêu; dùng gừng, hành, tỏi để làm gia vị và để phòng bệnh.
Theo sử ghi chép thì dưới thời Nam Việt Giao Chỉ, nhiều vị thuốc đã được phát hiện: cau, ý dĩ, long nhãn, vải, gừng gió, quế, trầm hương, quả giun (sử quân tử), hương bài, cánh kiến (an tức hương), mật ong, sừng tê giác. Dưới thời Bắc thuộc (207 TCN đến 905 SCN), người Trung Quốc đô hộ thường lấy các loại thuốc quý hiếm đem về nước họ và cũng trong thời kỳ đó nền y dược ta giao lưu với Trung Quốc.
Dưới các triều Ngô – Đình – Lê – Lý trong nước ta đã có nhiều thầy thuốc chuyên nghiệp chữa bệnh cho dân và trong triều đình đã có tổ chức Ty Thái Y có nhiệm vụ chăm lo sức khỏe cho hoàng gia. Các vị danh y có tiếng vào đời nhà Lý là nhà sư Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không.
Đến thế kỷ thứ 14 dưới đời nhà Trần (1255-1399) nền y dược học nước ta mới được phát triển. Viện Thái Y với nhiệm vụ chữa bệnh cho vua quan trong triều và trông nom cả việc cứu tế và y tế cho nhân dân, có mở khoa thi tuyển lựa lương y. Viện Thái Y có tổ chức đi thu thập cây thuốc và trồng thuốc. Dưới đây là những vị danh y có nhiều cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân và xây dựng nền y dược học nước ta:
– Phạm Công Bân, dưới triều Trần Anh Tông (1293-1313), ngoài nhiệm vụ ở Viện Thái Y về nhà còn chữa bệnh cho dân. Ông tự bỏ tiền làm việc cứu tế, nuôi dưỡng bệnh nhân cố cùng tần tật và trẻ mồ côi, cấp phát gạo thuốc cho dân nghèo khi có nạn dịch, đã cứu sống được rất nhiều người.
Ông đề cao tinh thần trách nhiệm đối với tính mạng bệnh nhân, không phân biệt sang hèn, bệnh nguy chữa trước và tận tụy phục vụ bệnh nhân không quản ngại khó khăn. Phạm Công Bân đã để lại một gương sáng cho nền y học nước nhà.
– Chu Văn An, dưới thời Trần Dụ Tông (1391) là một danh nho nổi tiếng đồng thời là một danh y. Ông biên soạn cuốn “Y học yếu giải tập chú di biên”, thâu tóm nguyên nhân của bệnh, phân tích cơ chế bệnh lý với phương pháp chẩn đoán và biện chứng luận trị. Ông đã có y thức tổ chức, lập bệnh án và phổ biến kinh nghiệm sau khi tổng kết chữa khỏi trên 700 bệnh nhân. Ông là người đã lưu tâm nghiên cứu để xây dựng cơ bản cho nền y học của nước ta.

– Tuệ Tĩnh, chính tên là Nguyễn Bá Tĩnh (đi tu lấy pháp danh là Tuệ Tĩnh) quê ở làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Về năm sinh hiện nay chưa có tài liệu lịch sử chính xác. Theo DS. Trương Xuân Nam (trong cuốn Lịch sử ngành Dược Việt Nam) thì ông sinh vào năm 1330, mồ côi cha mẹ lúc 6 tuổi được các nhà sư chùa Hải Triều trong tổng nuôi cho ăn học. Năm 22 tuổi ông thi đậu Thái Học (Tiến sĩ) dưới triều Trần Dụ Tông, không ra làm quan. Ông ở chùa đi tu nhưng có mục đích làm từ thiện và chữa bệnh giúp dân. Năm 55 tuổi (1385) ông bị bắt đi sang sứ nhà Minh, ở Trung Quốc. Tuệ Tĩnh chữa cho Tống Vương Phi (vợ vua Minh) khỏi bệnh sản hậu nên được phong là “Đại y thiền sư”. Ông mất ở Trung Quốc không rõ năm nào. Khi còn ở trong nước, Tuệ Tĩnh đã nghiên cứu những cây cỏ Việt Nam, đã sưu tầm những bài thuốc giản dị thường dùng trong dân gian kết hợp kinh nghiệm trị bệnh của Trung y, xây dựng một sự nghiệp có tính chất dân tộc, đại chúng và sáng tạo trong thời kỳ mà thuốc Bắc rất thịnh hành. Tuệ Tĩnh đã để lại 2 tác phẩm có giá trị là “Hồng Nghĩa giác tự y thư” và “Nam Dược thần hiệu”. Bộ Hồng nghĩa giác tự y thư (2 quyển) được biên soạn bằng thơ Nôm để truyền bá rộng rãi y dược học dân tộc và y lý biện chứng trị. Bộ Nam dược thần hiệu gồm 11 quyển, quyển đầu nói về dược tính của 499 vị thuốc nam, mười quyển sau, mỗi quyển nói về một khoa trị bệnh. Tư tưởng chỉ đạo của Tuệ Tĩnh về đường hướng y học là “Nam dược trị Nam nhân” nghĩa là dùng thuốc nam chữa bệnh cho người Nam Việt.

Tuệ Tĩnh
Tuệ Tĩnh
Tóm lại, Tuệ Tĩnh là một đại danh y đã mở đường xây dựng nền y dược học dân tộc của đất nước ta.
Dưới thời nhà Minh đô hộ (1400-1427), có chủ trương đồng hóa dân tộc ta và thủ tiêu văn hóa của ta trong thời kỳ này không có trước tác y học.
Những thế kỷ tiếp theo lại có nhiều danh y xuất hiện:
– Thế kỷ 15 có Phan Phú Tiên, Nguyễn Trực.
– Thế kỷ 16 có Hoàng Đôn Hòa.
– Thế kỷ 17 có Lê Đức Vọng, Nguyễn Đạo An, Bùi Công Chính, Lý Công Tuân.

– Thế kỷ 18 có Nguyễn Quỳnh, Ngô Lâm Đáp, Trình Đình Ngoạn, Trần Ngô Thiêm, Nguyễn Hữu Đạo, Hải Thượng Lãn Ông. Trong số đó có Hải Thượng Lãn Ông là một đại danh y của nước ta. Sau đây là tóm tắt tiểu sử của ông:

Hải Thượng Lãn Ông
Hải Thượng Lãn Ông
Hải Thượng Lãn Ông (1720-1791) chính tên là Lê Hữu Trác, nguyên quán thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, Hải Dương). Lê Hữu Trác hồi nhỏ theo cha đi học ở kinh thành Thăng Long (Hà Nội) nổi tiếng là người thông minh, học rộng, văn thơ lỗi lạc. Tuy nhiên sống dưới thời rối ren cực độ của chính quyền nhà Trịnh, ông chán ghét chiến tranh viện cớ về Hương Sơn nuôi mẹ. Nhân dịp thời gian năm chữa bệnh ở nhà lương y Trần Độc ông mượn sách thuốc để đọc. Vốn là người thông minh, học rộng, càng đọc sách thuốc ông càng thấy thú vị say mê. Lại thấy làm nghề y thiết thực ích lợi cho minh, vừa có điều kiện giúp đỡ mọi người nên ông quyết chí học thuốc. Sau mấy chục năm đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, nghiên cứu sâu rộng kinh điển Trung y kết hợp với y học dân tộc cổ truyền, ông biên soạn trong 26 năm bộ sách thuốc Việt Nam “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” 28 tập, 66 quyển. Trước tác của ông chẳng những dùng để giảng dạy y học mà còn phục vụ trị bệnh cho nhân dân đương thời. Đặc biệt Hải Thượng Lãn Ông đã phát huy chủ trương “Dùng thuốc Nam chữa bệnh cho người Nam” của Tuệ Tĩnh, sưu tầm nhiều vị thuốc mới, phát hiện và nghiên cứu trên lâm sàng, tổng hợp thêm nhiều phương thuốc gia truyền công hiệu, nghiên cứu và phổ biến cho nhân dân để mọi người tự chữa các bệnh thông thường với cây nhà lá vườn sẵn có. Ông viết:
“Thuốc thang sẵn có khắp nơi
Trong vườn ngoài ruộng trên đồi dưới sông
Hàng ngàn thảo mộc thú rừng,
Thiếu gì thuốc bổ thuôc công quanh mình.”
Lãn Ông đã trở thành một nhà y học nổi tiếng của dân tộc ta, đã nêu cao đạo đức của người thầy thuốc soi sáng cho y học nước nhà, với những quan điểm nhân đạo và thực tế về sau được nhân dân ta coi la một “Đại y tôn của Việt Nam”
Dưới thời Tây Sơn (1788-1802) vì chiến tranh liên tiếp, tình hình y dược học không có gì đổi mới. Danh y thời bấy giờ có tiến sĩ Nguyễn Gia Phan đã có công dập tắt được nhiều vụ dịch, cứu sống nhiều người, ông đã biên soạn cuốn “Liệu dịch phương pháp toàn tập”. Danh y Nguyễn Quang Tuân biên soạn cuốn “La Khê phương dược” gồm 13 cuốn và cuốn “Kim ngọc quyển” viết bằng chữ nôm ghi nhiều phương thuốc gia truyền.
Dưới thời triều Nguyễn có Trần Nguyệt Phương viết cuốn “Nam Bang thảo mộc” trong đó viết nhiều cây thuốc theo kinh nghiệm.
Dưới thời Pháp thuộc (1885-1945), thực dân Pháp tổ chức nền y tế theo lối tây y, hạn chế đông y. Tuy thế trong thời kỳ này cũng có nhiều tập sách có gia trị.
–      Đinh Nho Chấn và Phạm Văn Thái biên soạn “Trung Việt dược tính hợp biên” gồm 16 cuốn viết công dụng, cách chế biến 1655 vị thuốc bắc và nam.
–      Nguyễn An Nhân với tập “Y học tùng thư” gồm 16 cuốn viết bằng tiếng Việt.
–      Phó Đức Thành với tập “Việt Nam Dược học” gồm 5 cuốn bằng tiếng Việt.
Ngoài các tác giả người Việt, các tác giả người Pháp cũng có biên soạn một số sách viết về cây thuốc ở Đông Dương:
– Ch.Crevost và A.Petelot – Danh mục các sản phẩm Đông dương – Các dược phẩm (Catalogue des produits de L’indochine – Produits médicinaux).
– A. Petelot – Những cây thuốc của Campuchia Lào và Việt Nam (Les plantes médicinales du Cambodge du Laos et du Vietnam).

Từ ngày cách mạng tháng 8-1945 cho đến nay, nhà nước ta rất quan tâm đến việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, quân dân ta đã tận dụng nguồn dược liệu ở địa phương để bào chế ra thuốc men, tự túc được một phần quan trọng trong nhu cầu phòng bệnh và chữa bệnh. Nhiều tài liệu về cây thuốc được biên soạn, đặc biệt cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” do GS.TS. Đỗ Tất Lợi biên soạn, hiện nay đã tái bản lần thứ 7. Cuốn sách này không những có giá trị trong nước mà cả nước ngoài. Hiện nay đã có ấn bản bằng tiếng Anh. Do có công đóng góp lớn cho ngành y tế, năm 1997 GS. TS. Đỗ Tất Lợi đã được nhà nước tặng giải thưởng lớn “Giải thưởng Hồ Chí Minh”. Nhiều cơ sở và tổ chức y dược học cổ truyền được thành lập như Viện nghiên cứu đông y, Viện y dược học dân tộc, Viện dược liệu Việt Nam, Hội Đông y Việt Nam… Nhiều chỉ thị, nghị quyết của nhà nước nói về phương châm kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền, khai thác phát triển cây thuốc và động vật làm thuốc, nghiên cứu và sử dụng thuốc Nam:

GS.TS. Đỗ Tất Lợi
GS.TS. Đỗ Tất Lợi 
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam
Dược liệu học và các vị thuốc Việt Nam
Dược liệu học và các vị thuốc Việt Nam
+ Chỉ thị 210 của Phủ thủ tướng ngày 06-12-1966
+ Chỉ thị 21 CP của Hội đồng chính phủ ngày 19-02-1967
+ Nghị quyết 200 CP của Hội đồng chính phủ ngày 21-08-1978
+ Nghị quyết 266 CP ngày 19-10-1978
Tài liệu tham khảo
Bài giảng Dược liệu Tập I – 1998
Bài giảng Dược liệu Tập II – NXB Y học 2002
Dược điển Việt Nam IV.
Đỗ Tất Lợi – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam 2003
Nguyễn Viết Thân – Kiểm nghiệm dược liệu bằng phương pháp hiển vi- NXB khoa học và kỹ thuật- 2003.
Nguyễn Bá Tĩnh. Tuệ tĩnh toàn tập – NXB y học 2010.
Jean BRUNETON (1995),  Pharmacognosy, Phytochemistry, Medicinal Plants – Technique & Documentation – Lavoisier, (Translated by Caroline K. Hatton)
0/50 ratings
Bình luận đóng