Khó tiêu là một thuật ngữ không đặc hiệu bao gồm nhiều các than phiền ở vùng bụng trên gồm ợ nóng, trào ngực và khó tiêu (cảm giác đau hoặc khó chịu ở vùng bụng trên). Những triệu chứng này thường áp đảo do trào ngược dạ dày-thực quản (GERD).
Sinh lý bệnh
GERD là hậu quả của trào ngược acid từ dạ dày vào thực quản, rối loạn chức năng vận động dạ dày, hoặc tăng nhạy cảm hướng tâm nội tạng. Nhiều tình huống có thể thúc đẩy GERD: tăng chất chứa trong dạ dày (sau một bữa ăn thịnh soạn, ứ trệ dạ dày, hoặc tăng tiết acid), các yếu tố vật lý (nằm, cúi người), tăng áp lực lên dạ dày (quần áo chật, béo phì, báng bụng, mang thai), và mất trương lực (thường không liên tục) cơ thắt thực quản dưới (các bệnh như xơ cứng bì, hút thuốc lá, thuốc kháng cholin, thuốc đồng vận calci). Thoát vị khe thực quản trong cơ hoành cũng cơ thể thúc đẩy dòng chảy acid vào trong thực quản.
Bệnh sử
70% người Mỹ báo cáo là có triệu chứng ợ nóng 1 lần/tháng và 7% là 1 lần/ngày. Khó tiêu chức năng được định nghĩa là khó tiêu >3 tháng mà nguyên nhân không phải từ các cơ quan. Khó tiêu chức năng là nguyên nhân của các triệu chứng ở 60% bệnh nhân có các triệu chứng khó tiêu. Tuy nhiên, loét dạ dày do nhiễm Helicobacter pylori hoặc dùng các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) hiện diện ở 15% trường hợp.
Trong đa số trường hợp, thực quản không bị tổn thương, nhưng có 5% bệnh nhân tiến triển thành loét thực quản và một số thì hình thành các chỗ hẹp; 8-20% tiến triển thành dị sản tế bào biểu mô tuyến, thuật ngữ gọi là thực quản Barrett, có thể dẫn đến carcinoma tuyến.
Các biểu hiện ngoài thực quản gồm hen, viêm họng, ho mạn tính, khó thở khi ngủ, sâu răng, hôi miệng và nấc cục.
Đánh giá bệnh nhân
Sự hiện diện của các triệu chứng khó nuốt, nuốt đau, giảm cân không giải thích được, nôn ói tái phát dẫn đến mất nước, mất máu tiềm ẩn hoặc nhiều, hoặc có một khối u sờ được hoặc nổi hạch là những dấu hiệu “báo động” cần thiết phải đánh giá qua chụp X quang, nội soi và phẫu thuật.
Những bệnh nhân không có triệu chứng báo động thường được điều trị theo kinh nghiệm. Người > 45 tuổi có thể được kiểm tra để phát hiện có nhiễm H. pylori không. bệnh nhân có kết quả dương tính được điều trị để diệt trừ tác nhân.
Bệnh nhân điều trị H. pylori không đáp ứng, người >45 tuổi, và những người có các yếu tố báo động thường được nội soi tiêu hoá trên.
Điều trị khó tiêu
Giảm cân; nâng đầu nằm cao hơn giường; tránh các bữa ăn thịnh soạn, hút thuốc lá, caffeine, rượu, chocolate, thức ăn giàu mỡ, nước trái cây chua và NSAIDs có thể ngừa GERD. Thuốc kháng acid được sử dụng rộng rãi. Các thử nghiệm lâm sàng gợi ý các thuốc ức chế bơm proton (omeprazole) hiệu quả hơn các thuốc đối kháng thụ thể histamine (ranitidine) ở bệnh nhân có hoặc không có loét trợt thực quản. Điều trị diệt trừ H. pylori được bàn luận trong Chương 158.
Các chất kích thích vận động như metoclopramide và erythromycin có thể hữu ích ở một số bệnh nhân có cảm giác khó chịu sau ăn.
Các phương pháp phẫu thuật (cuộn đáy vị Nissen, thủ thuật Belsey) có hiệu quả nhất trên các bệnh nhân trẻ mà các triệu chứng cải thiện khi dùng thuốc ức chế bơm proton và cần hiệu quả điều trị lâu dài. Chúng có thể được sử dụng ở một số ít bệnh nhân khó đáp ứng với điều trị bằng thuốc. Các thử nghiệm lâm sàng chưa chứng minh được hiệu quả của cái nào hơn cái kia.