Dương Trì

Tên Huyệt:

Huyệt ở chỗ lõm, giống hình cái ao (tù) ở mu cổ tay (mặt ngoài = Dương) vì vậy gọi là Dương Trì.

Tên Khác:

Biệt Dương.

Xuất Xứ:

Thiên ‘Bản Du’ (Linh khu.2).

Đặc Tính:

Huyệt thứ 4 của kinh Tam Tiêu.

Huyệt Nguyên.

Châm đặc biệt trong trường hợp khát nước, cổ tay đau âm ỉ.

1 trong 14 Yếu Huyệt để điều chỉnh hạ tiêu (Châm Cứu Chân Tủy).

Vị Trí huyệt:

Ở chỗ lõm trên lằn ngang khớp xương cổ tay, khe giữa gân cơ duỗi chung ngón tay và cơ duỗi riêng ngón tay trỏ, khe giữa đầu dưới xương quay và xương trụ.

Giải Phẫu:

Dưới da là khe giữa gân cơ duỗi chung ngón tay và duỗi riêng ngón tay trỏ ở ngoài với gân cơ duỗi riêng ngón tay út ở trong, khe giữa đầu dưới xương quay và xương trụ, ở trên xương nguyệt.

Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh trụ.

Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C8 hoặc D1.

Tác Dụng:

Thư cân, thông lạc, giải nhiệt ở bán biểu, bán lý.

Chủ Trị:

Trị khớp cổ tay và tổ chức mềm chung quanh viêm.

Phối Huyệt:

1. Phối Hợp Cốc (Đại trường.4) + Khúc Trì (Đại trường.11) + Trung Chử (Tam tiêu.3) + Xích Trạch (Phế 5) trị khớp ngón tay bị co rút (Châm Cứu Đại Thành).

2. Phối Giải Khê (Vị 41) + Hậu Khê (Tiểu trường.3) + Hợp Cốc (Đại trường.4) + Lệ Đoài (Vị 45) + Phong Trì (Đ.20) trị thương hàn mà mồ hôi không ra (Châm Cứu Tụ Anh).

3. Phối Dương Cốc (Tiểu trường.5) + Dương Khê (Đại trường.5) + Ngoại Quan (Tam tiêu.6) trị cổ tay và tay đau (Trung Quốc Châm Cứu Học Khái Yếu).

4. Phối Bát Tà + Đại Lăng (Tâm bào.7) + Tứ Phùng trị khớp ngón tay viêm (Châm Cứu Học Thượng Hải).

5. Phối Đại Chùy (Đc.14) + Phong Môn (Bàng quang.12) + Thiên Trụ Bàng quang.10) trị đầu đau, nóng lạnh, không ra mồ hôi (Châm Cứu Học Thượng Hải).

6. Cứu Dương Trì (trái) chung với Trung Quản (Nh.12) trị tử cung lệch về bên trái (Châm Cứu Chân Tủy).

Cách châm Cứu:

Châm thẳng 0, 3 – 0, 5 thốn. Châm trị bịnh ở khớp cổ tay, hướng mũi kim qua 2 bên. Cứu 3 – 5 tráng, Ôn cứu 5 – 10 phút.

5/51 rating
Bình luận đóng