Tim và hệ tuần hoàn động mạch
Tim nằm trong lồng ngực, giữa hai lá phổi và trên cơ hoành. Nhiều mạch máu lớn đưa máu từ ngoại vi về tim và đưa máu từ tim đi đến từng cơ quan, từng tổ chức.
Tim có nhiệm vụ chủ yếu là đưa máu lên phổi để máu được thải thán khí và nhận oxy (vòng tiểu tuần hoàn), sau đó cung cấp máu có nhiều oxy đó qua các động mạch lớn rồi nhỏ tới khắp các tế bào để đảm bảo cho mọi hoạt động của cơ thể (vòng đại tuần hoàn).
Tim được coi như hai cái bơm làm việc cạnh nhau nhưng dưới các chế độ áp lực khác nhau; mỗi bơm có hai buồng, trên là nhĩ và dưới là thất. Nhĩ phải nhận máu từ các tĩnh mạch đổ về, thất phải nhận máu từ nhĩ phải xuống rồi đưa máu qua động mạch phổi lên phổi để thải bớt thán khí và nhận thêm oxy; nhĩ trái nhận máu từ tĩnh mạch phổi đổ về, thất trái nhận máu từ nhĩ trái xuống rồi tống máu qua động mạch chủ vào cả hệ động mạch để đi nuôi cơ thể. Hoạt động của tim có tính chu kỳ, khoảng 70-80 lần mỗi phút, liên tục suốt đời.
Hệ động mạch là những mạch vận chuyển máu từ tim đến các tế bào. Từ động mạch chủ, các động mạch tách ra được phân thành những động mạch có kích thước nhỏ hơn đi đến từng khu vực, từng cơ quan trong cơ thể, các động mạch này lại được phân tiếp thành các tiểu động mạch có lòng mạch càng nhỏ dần rồi thành các mao mạch đi tới từng tế bào.
Các động mạch lớn và vừa chứa nhiều sợi đàn hồi trong thành mạch; tính đàn hồi giúp cho thành mạch giãn ra được dễ dàng khi tiếp nhận khối lượng máu từ thất trái tống đi và đến khi thất trái nghỉ co bóp thì làm cho thành mạch trở lại trạng thái ban đầu, như vậy thúc cho dòng máu chảy được liên tục. Các tiểu động mạch chứa nhiều sợi cơ trơn có chức năng giãn ra hoặc co lại để điều hoà lượng máu đến các vùng và các cơ quan theo nhu cầu cần thiết của các nơi đó; đặc tính này cũng là một yếu tố rất quan trọng trong việc điều hoà áp lực máu hay huyết áp ở các động mạch lớn: khi các tiểu động mạch co lại, máu giảm lưu thông, ứ lại nhiều hơn ở trong các động mạch lớn và vừa làm cho huyết áp tăng cao, ngược lại khi các tiểu động mạch giãn ra thì máu lưu thông dễ hơn, nhiều hơn và làm giảm áp lực của máu trong các động mạch lớn và vừa đó.
Huyết áp là gì ?
Huyết áp là áp lực máu trong động mạch, thường hay được đo ở động mạch cánh tay. Thầy thuốc có thể đo huyết áp cả ở động mạch đùi, động mạch khoeo… khi cần thiết.
Áp lực máu có trong động mạch là do tim co bóp đẩy máu từ thất trái vào hệ động mạch, đồng thời cũng do ảnh hưởng của lực co bóp của thành mạch và kết quả là làm cho máu được lưu thông tới các tế bào để cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng cho nhu cầu của toàn cơ thể. Khi tim co bóp tống máu, áp lực trong động mạch là lớn nhất, ta có huyết áp tâm thu còn gọi là huyết áp tối đa. Khi tim nghỉ, áp lực đó ở mức thấp nhất, ta có huyết áp tâm trương, còn gọi là huyết áp tối thiểu.