HƯƠNG NHU TÍA
Tên khoa học: Ocimum sanctum L. Họ Hoa môi – Lamiaceae.
Đặc điểm thực vật và phân bố
Cây nhỏ, sống hàng năm hay sống dai, cao gần 1m. Thân, cành màu đỏ tía, có lông. Lá mọc đối, màu nâu đỏ, có cuống khá dài, mép khía răng cưa, hai mặt đều có lông. Hoa màu tím hay trắng, mọc thành xim co ở đầu cành. Quả bế. Toàn thân có mùi thơm, dễ chịu. Cây được trồng phổ biến khắp nơi để làm thuốc.
Trồng trọt và thu hái
Trồng bằng hạt, gieo vào tháng 1. Cây con được chăm sóc đến tháng 2 thì đem ra trồng. Thu hái lúc cây đã ra hoa (tháng 5 cây ra hoa kéo dài đến tháng 10). Phơi hoặc sấy khô.
Bộ phận dụng
Cành mang lá, hoa.
Thành phần hoá học
Phần trên mặt đất có chứa tinh dầu.
Hàm lượng tinh dầu khi cây bắt đầu có hoa đến lúc ra hoa là 1,08 – 1,62%. DĐVN III qui định hàm lượng tinh dầu không dưới 0,5%.
Thành phần hoá học chính của tinh dầu là eugenol. Phân tích 1 mẫu tinh dầu hương nhu tía trồng ở Hà Nội, thu hoạch vào tháng 5 có các thành phần sau: Eugenol 49-50%, ngoài ra có chứa các hợp chất sesquiterpen: Elemen 21%, -caryophylen 22,2%, – humulen 1,3%, caryophylen oxyd 0,8% và elemol 0,6%.
Công dụng
Chữa cảm sốt, đau bụng đi ngoài, nôn mửa, cước khí, thuỷ thũng. Dạng dùng: Thuốc sắc hoặc thuốc xông.
Nước sắc dùng súc miệng chữa hôi miệng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây
thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.