HOÀNG ĐẰNG
Có 2 loài hoàng đằng: Fibraurea recisa Pierre và Fibraurea tinctoria Lour., thuộc họ Tiết dê – Menispermaceae.
Cây hoàng đằng còn gọi là nam hòang liên, thích hoàng liên.
Đặc điểm thực vật
a) Cây Fibraurea recisa là 1 cây mọc leo, to; thân cứng, hình trụ. Lá mọc leo, so le, dài từ 9-20cm, rộng 4-10cm, cứng, nhẵn, phiến lá hình 3 cạnh dài, phía dưới tròn, có 3 gân chính nổi rõ, cuống dài 5-14cm có 2 nốt phình lên, 1 ở phía dưới, 1 ở phía trên. Hoa mọc thành chùy, 2-3 lần phân nhánh, dài 30- 40cm ở kẽ lá đã rụng. Hoa màu vàng lục đơn tính khác gốc, hoa đực có 3 nhị tự do, chỉ nhị dài bằng bao phấn. Quả hạch, hình trái xoan, khi chín có màu vàng, chứa 1 hạt dày, hơi dẹt. Mùa hoa quả: tháng 3-7.
b) Cây Fibraurea tincroria khác cây trên ở chỗ lá nhọn, cụm hoa ngắn hơn, chỉ phân nhánh 2 lần. Hoa đơn tính, khác gốc, hoa đực có 6 nhị tự do, chỉ nhị dài hơn bao phấn. Quả hạch hình trái xoan, khi chín có màu vàng. Mùa quả: tháng 5-7.
Phân bố, thu hái và chế biến.
Trước đây mọc khoang khắp các vùng núi nước ta từ Lạng Sơn cho tới Nam Bộ, phân bố phong phú hơn các vùng núi tử nghệ An trở vào. Có nhiều ở Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Sông Bé, Bình Định, Phú Yên, Nghệ An và Thanh Hóa.
Hiện nay rất ít gặp ở Việt Nam.
Mùa thu hoạch gần như quanh năm. Thường lấy thân và rễ cắt thành từng đoạn ngắn 15-20cm, phơi hay sấy khô.
Bộ phận dùng: Thân và rễ
Đoạn hình trụ, thẳng hay cong queo dài 10-30cm, đường kính 1-2cm, có khi tới 10cm. Mặt ngoài màu vàng xám, có nhiều vân dọc có sẹo của cuống lá hay rễ con. Chất cứng, dai, khó bẻ, mặt cắt vang màu vàng tươi, gồm 3 phần: vỏ mỏng, gỗ có nhiều tia tỏa thành hình lan hoa bánh xe, tủy hẹp. Vị đắng.
Vi phẫu
* Thân: Lớp bần dày, gồm tế bào hình chữ nhật.
+ Mô mềm vỏ ít phát triển, cấu tạo bởi tế bào thành mỏng, trong mô này có các nhóm 2-3 tế bào cứng rải rác, kèm theo nhiều tinh thể calci oxalat hình lập phương, hình chữ nhật hay hình thoi.
+ Libe và gỗ xếp thành từng bó riêng biệt, đầu mỗi bó có một vòng mô cứng nối liền nhau thành một vòng lồi lõm.
+ Tia tủy xương đối rộng                                                       
+ Mô mềm có vài tế bào cứng.
Rễ: Lớp bần gồm tế bào hình chữ nhật. Tầng phát sinh ngoài có tế bào xếp đều đặn. Mô mềm vỏ cấu tạo bởi tế bào thành mỏng. Vòng mô cứng gồm tế bào thành dày hóa gỗ, có vân tăng trưởng rõ, chứa nhiều tinh thể calci oxalat hình lăng trụ. Libe và gỗ chia thành 2 hay 3 cánh quạt, mỗi cánh quạt lại bị tia tủy cắt thành một hình nhiều nhánh đặc sắc.
Bột: Màu vàng tươi, vị rất đắng. Dưới đèn tử ngoại có huỳnh quang màu vàng tươi. Soi kính hiển vi thấy: tế bài cứng màu vàng, thành dày, có ống trao đổi rõ; mảnh mạch vạch hay mạch chấm; mảnh mô mềm có tế bào chứa tinh bột; tinh thể calci oxalat hình khối lập phương, hình chữ nhật. Hạt tinh bột hình tròn, hình chuông hay trái xoan, đứng riêng lẻ hay chụm 2-3 hạt, đường kính nhỏ, mảnh bần màu vàng nâu.
Thành phần hóa học
Hợp chất trong hoàng đằng là alcaloid, trong đó alcaloid chính là palmatin (1-2%); Ngoài ra, còn một ít jatrorizzin và columbamin.

Kiểm nghiệm
1/ Định tính:
–     Lắc mạnh 0,1 g bột dược liệu với 3ml nước lọc. Thêm vào dịch lọc 1ml acid H­2SO4  đậm đặc, rồi thêm từng giọt nước clor, giữa hai lớp dung dịch sẽ có một vòng màu đỏ.
–     Lấy 0,2g bột dược liệu, ngâm trong 2 ml cồn. Đặt hai giọt dịch chiết lên phiến kính, nhỏ một giọt acid nitric 30%. Sau một lúc, soi kính hiển vi sẽ thấy những tinh thể hình kim to màu vàng.
–      Định tính bằng SKLM: Ngâm 0,10g bột dược liệu với 5ml cồn 900, đun nóng cách thủy sôi 2-3 phút, lọc. Dịch lọc được chấm lên bản mỏng Silicagel 0,02 ml và cùng chấm lên bản mỏng 0,02ml dung dịch palmatin clorid (hòa tan 0,001g palmatin clorid trong 1ml ethanol 900). Khai triển trong hệ dung môi: n-butanol- acid acetic- nước [7: 1 :2]. Phun hiện màu bằng thuốc thử Dragendorff. Trong dịch thử phải có 1 vết cùng mày đỏ cam vag cùng Rf với vết palmatin clorid đối chiếu.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                     
2/ Định lượng:
Cân chính xác khoảng 10g bột hoàng đằng, chiết bằng cồn 950 trong bình Soxhlet cho đến khi hết màu vàng. Cất thu hồi cồn, hòa tan cắn trong 20 ml cồn nóng. Để lạnh cho tủa nhựa, lọc. Thêm vào dung dịch lọc HCl cho đến khi pH 1-2. Để trong tủ lạnh 6 giờ. Lọc lấy tủa màu vàng. Hòa tan tủa trong 20ml cồn nóng. Lọc vào một bình đã cân bì. Làm bốc hơi cộn. Sấy khô cắn cho khối lượng không đổi rồi cân.
Dược điển Việt Nam II quy định dược liệu phải có 1% alcaloid tính theo palmatin hydroclorid
Ngoài ra có thể định lượng palmatin trong dược liệu bằng phương pháp HPLC
Tác dụng dược lý
Palmatin hydroclorid có tác dụng ức chế đối với tụ cầu khuẩn (Staphylococus) và liên cầu khuẩn (Streptococcus), còn đối với các loại vi khuẩn khác(lỵ, thương hàn) thì không thấy kết quả rõ rệt. Tác dụng ức chế vi khuẩn của palmatin hydroclorid kém các loại kháng sinh thông thường.
Công dụng và liều dùng
Làm nguyên liệu chiết palmatin
Dùng làm thuốc chữa đau mắt, sốt rét, lỵ, bệnh về gan, chữa viêm ruột, ỉa chảy và dùng làm thuốc bổ đắng. Ngày dùng 0,2 – 0,40g làm thuốc bổ đắng, dùng 4 – 12g dưới dạng thuốc sắc chữa viêm ruột, ỉa chảy, lỵ.
Plamatin hydroclorid chiết từ hoàng đằng dùng chữa ỉa chảy, lỵ. Dùng dưới dạng viên: người lớn uống 5 – 10 viên/ngày (0,02g/viên), trẻ em dùng viên 0,005g, uống tùy theo tuổi (1 tuổi uống 2 – 4 viên ngày; 2 tuổi: 3 – 6 viên/ngày, 4 tuổi uống 5 -10 viên/ngày. Liều hàng ngày chia ra 2 hay 3 lần uống.
Có thể dùng palmatin để điều chế DL – tetrahydropalmatin là chất có tác dụng an thần.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ môn dược liệu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Bộ môn dược liệu (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
5/51 rating
Bình luận đóng