CỐT KHÍ CỦ
Radix Polygoni cuspidati
Dược liệu là rễ phơi khô của cây cốt khí củ – Poligonum cuspidatum Sieb. et Zucc. , họ Rau răm – Polygonaceae.
Đặc điểm thực vật
            Cây nhỏ sống lâu năm, cao 0.50 – 1m. Trên thân và cành thường có những đốm tím hồng. Lá mọc so le, cuống ngắn, bóng và có màu hồng. Phiến lá  hình trứng rộng, mặt trên xanh thẫm, mặt dưới màu nhạt hơn, dài 5 – 12cm rộng 3,5 – 8cm, đỉnh lá có mũi nhọn. Bẹ chìa ngắn. Hoa mọc thành chùm ở nách lá. Hoa nhỏ màu trắng. Hoa đực 8 nhị, hoa cái có bầu 3 góc. Qủa 3 cạnh màu nâu đỏ. Mọc hoang ở một số vùng miền núi. Làng Nghĩa trai (Hải hưng) có trồng để thu hoạch dược liệu.
Bộ phận dùng , chế biến
            Rễ có đường kính trên 2cm, vỏ nâu, thịt vàng, lõi gỗ màu nâu sẫm. Thu hoạch tháng 10 – 12. Đào rễ, rửa sạch, cắt bỏ rễ con, thái phiến, dày 0,2 – 0,4cm phơi hay sấy khô.
Thành phần hóa học
            Rễ chứa các dẫn chất anthranoid ở dạng tự do và dạng kết hợp glycosid hàm lượng 0,1 – 0,5%. Các thành phần đã xác định: Chrysophanol, emodin, physcion, emodin 8 – b – glucosid. Ngoài các dẫn chất anthranoid trong rễ cốt khí còn có polydatin là một stilben glucosid khi thủy phân cho resveratrol. Trong rễ còn có tanin.
Polydatin R = D – glucose
Resveratrol R = H
            Cành, lá có một ít các dẫn chất anthranoid. Trong lá có các flavonoid: quercetin, isoquercetin, reynoutrin, avicularin, hyperin. Ngoài ra còn có các acid hữu cơ.
Reynoutrin   R = xylose
Avicularin  R = L – aribinofuranose
Hyperin      R = galactose
            Tác dụng và công dụng
            Dược liệu có tác dụng nhuận tẩy, có tác dụng làm hạ đường huyết và cholesterol, có tác dụng kháng khuẩn trên một số loại vi khuẩn như  Staphylococcus aureus,  E.coli, Mycobacterium tuberculosis. Dược liệu có thể gây nôn, gây tiêu chảy, khó tiêu hóa; cũng có trường hợp gây tổn hại gan và suy giảm hô hấp nhưng hiếm.
            Trong Y học cổ truyền dược liệu ít được dùng làm thuốc nhuận tẩy mà dùng để chữa viêm gan, vàng da, chữa tê thấp đau nhức gân xương, viêm phế quản mãn tính. Dùng ngoài để trị bỏng, rửa âm hộ khi bị lở loét. Dùng nước sắc 5%.
https://hoibacsy.vn

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập

II. Trường đại học Dược Hà Nội

Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.

5/51 rating
Bình luận đóng