CHÂN TRÂU


Tên khác: Cây móng bò, Tai voi, Móng bò tai voi, Tai tượng, Quạch tai voi.
Tên khoa học: Bauhinia malabarica Roxb.; thuộc họ Đậu (Fabaceae).
Tên đồng nghĩa: Piliostigma malabaricum (Roxb.) Benth.; B. acida Reinw. ex Korth.; Piliostigma acidum (Reinw. ex Korth.) Benth.; P. malabaricum (Roxb.) Benth. var. acidum (Korth.) De Wit; Casparea castrataHassk.; Bauhinia platyphylla Zipp. ex Miq.; B. rugolosa Blume ex Miq.
Mô tả: Cây gỗ cao tới 10m. Lá dai, màu lục lờ hay mốc bạc ở mặt dưới, hình tim sâu ở gốc, chia 2 thuỳ ở chóp, với thuỳ tròn, dài 10-15mm, tách nhau bởi một gốc rộng. Hoa thành chùm gồm 2-4 ngù hoa mảnh; cuống hoa 2cm; nụ tròn dài. Quả màu nâu sẫm, dài 20-25cm, rộng 2cm, có cuống 3cm, với một mũi cứng 15mm, có vỏ quả trong có lông dạng sợi màu vàng. Hạt 10-30. Mùa hoa tháng 5-6, quả chín và rụng tháng 2-3.
Bộ phận dùng: Lá, vỏ rễ, hoa non (Folium,Cortex Radicis et Flos Bauhiniae Malabaricae).
Phân bố sinh thái: Cây của Á châu nhiệt đới, từ Ấn Độ, Lào, Việt Nam tới Philippin cho đến Inđônêxia. Thường gặp trong các rừng rụng lá mùa khô ở cao độ thấp. Thu hái các bộ phận của cây quanh năm.
Thành phần hoá học: Vỏ cây chứa 9-12% tanin.
Tính vị, tác dụng: Lá có vị chua.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Lá có thể dùng làm rau gia vị, hoặc ăn sống trộn dầu giấm, hoặc nấu chín như các loại rau khác. Ở Campuchia, người ta dùng lá để trị bệnh ghẻ. Thịt quả rơi xuống đất sau mùa khô, thường được các thú rừng tìm đến để ăn, có tác dụng đối với bệnh đường ruột của chúng. Loài cây này có quả vào lúc

mà thức ăn cho động vật hoang dại khá hiếm, nên có thể sử dụng làm cây thức ăn tốt cho các loài động vật này.

Ở Philippin, các hoa non thường được dùng hãm (10g-20g hoa trong nửa lít nước sôi) lấy nước uống trong để trị lỵ. Ở bờ biển Malabar, người ta dùng vỏ rễ chữa các bệnh về gan.

0/50 ratings
Bình luận đóng