Khái niệm
Hay giận là chỉ chứng trạng vô cớ mà tính tình nóng nảy, dễ nổi cơn giận dữ không kiềm chế được, còn gọi là “Hỉ nộ”, “Dị nộ”.
Phân biệt
Chứng hậu thường gặp
- Hay giận do Can uất khí trệ: Có chứng ngực sườn đau hoặc xiên nhói hay thở dài, nóng nảy dễ cáu giận, tâm tình không thoải mái, mạch Huyền có lực.
- Hay giận do Can Đởm hỏa vượng: Có chứng ngực sườn đầy tức, miệng đắng và khát nước, đêm ngủ hay mê, phiền táo dễ cáu giận, lưỡi đỏ, mạch Huyền Sác có lực.
- Hay giận do Tỳ hư Can lấn át: Có chứng thể trạng mỏi mệt, kém ăn, ỉa lỏng, bụng trướng đau, hai bên sườn trướng đầy, Tâm phiền hay cáu giận, mạch Huyền vô lực.
- Hay giận do Can Thận âm hư: Cóchứng lưng đùi yếu mỏi, triều nhiệt, mồ hôi trộm, ngũ tâm phiền nhiệt, ít ngủ hay mê, ngực sườn khó chịu, lưỡi đỏ ít rêu, mạch Tế Sác.
Phân tích
- Chứng Hay giận do Can uất khí trệ: Tố vấn – Linh lan bí điển luận: “Can giữ chức Tướng quân, mưu lự từ đó mà ra”. Tính của mộc vốn thẳng, xu thế vươn lên, hễ bị ức uất chút ít thì mất đi tính chất điều đạt, bị kích thích gây nên giận, vì vậy tâm tình bất toại, tư lự quá mức, ý nguyện không thành đều có thể dẫn đến Can uất, không thư thái, Can khí nghịch lên, bực tức phát sinh”. Tố vấn- Tứ thời thích nghịch tòng luận viết: “Khí huyết nghịch lên khiến người ta hay giận”. Yếu điểm biện chứng lâm sàng là: hay giận kiêm các chứng hai bên sườn trướng đầy, hay thở dài … đó là chứng hậu khí cơ không lợi, vả lại phần nhiều do tinh thần bị kích thích đột ngột, giận không thể lấn át được thì đột nhiên ngã lăn. Tố vấn – Sinh khí không thiên luận:
“Quá giận thì hình khí tuyệt mà huyết cuộn lên trên khiến cho người ta bị Bạc quyết”. Mạch Huyền có lực. Điều trị nên thư Can lý khí, tuân theo ý trong Tố vấn – Lục nguyên chỉ khí đại luận nói: “Mộc uất thì đạt”. Chọn dùng các phương Đạt uất thang hoặc Giải nộ bình Can thang.
- Chứng Hay giận do Can Đởm hỏa vượng: Can Đởm thuộc mộc chủ về Tướng hỏa, nếu Can uất hóa hỏa hoặc uông rượu quá độ, thích ăn đồ cay nóng, nhiệt úng tắc hóa hỏa đều có thể dẫn động Can Đởm hỏa vượng đến nỗi Can mất sự sơ tiết, Đởm hỏa nghịch lên mà hay giận. Yếu điểm biện chứng lâm sàng là: hay giận kiêm các chứng trạng khí hỏa bốc lên làm cho mắt đỏ, mắt hoa, tai ù như đợt sóng, hoặc đầu nặng nề trướng đau, miệng đắng, mặt đỏ… Điều trị nên thanh tiết Can Đởm, chọn dùng phương Long Đởm tả Can thang.
- Chứng Hay giận do Tỳ hư Can lấn át: Tỳ thuộc thổ, Can thuộc mộc. Tỳ thổ phải dựa vào sự sơ đạt của Can mộc mới có thể duy trì sự vận hóa bình thường. Nhưng Can mộc quá vượng lại dễ khắc Tỳ đến nỗi Tỳ không kiện vận, nếu Tỳ hư lại càng dễ vẫy gọi sự tương thừa của Can mộc biến thành chứng hậu thổ hư mộc tặc. Yếu điểm biện chứng lâm sàng là: hay giận với Tỳ hư không vận chuyển khiến cho kém ăn, đại tiện lỏng nhão, bụng trướng, yếu sức và Can mộc hoành nghịch làm cho hai sườn trướng đầy, bụng nhộn nhạo muốn nôn, đau bụng đắng miệng đều ồ ạt xuất hiện. Điều trị nên phù thổ ức mộc, chọn dùng các phương Hương sa lục quân tử thang. Thông tả yếu phương. Cảnh Nhạc toàn thư – Luận trị có viết: “… Khí của Can mộc tất phạm, Tỳ thổ do đó mà Vị khí bị thương đến nỗi biếng ăn … đấy là lý do không phải coi trọng Can mà nên coi trọng vào Tỳ”.
- Chứng Hay giận do Can Thận âm hư: Ất Quý đồng nguyên, nếu thể trạng vốn Thận âm bất túc, thủy không hàm mộc, âm không tiềm dương thì Can dương găng lên khiến cho người ta choáng váng hay giận. Yếu điểm biện chứng lâm sàng là: hay giận lại kiêm các chứng Thận âm suy hư như: lưng gối yếu mỏi, triều nhiệt mồ hôi trộm, ngũ tâm phiền nhiệt, mạch Tế Sác, lưỡi đỏ ít rêu. Điều trị nên tư bể Can Thận, chọn phương Kỷ cúc địa hoàng hoàn.
Nạn kinh: “Giả như gặp Can mạch ngoại chứng mặt tái xanh mà hay giận”. Cho nên đối với chứng hay giận đều liên quan đến bệnh của Can nhưng lâm sàng thì trị chủ yếu phải phân biệt hư thực tiêu bản.
Trích dẫn y văn
Can chứa huyết, huyết hữu dư thì giận. Huyết dồn lên trên, khí dồn xuống dưới, Tâm phiền đè nén thì hay giận (Tố vấn – Điều kinh luận).
Thận quá giận không dứt thì hại chí (Linh khu – Bản thần thiên).
Tuế mộc thái quá dân mắc bệnh hay giận (Tố vấn – Khí giao biến đại luận).