Ngày 3 tháng 12 năm 1967, cả thế giới sôi nổi khi nghe tin nhà bác học Nam Phi – Giáo sư Barnard, đã ghép thành công quả tim của một phụ nữ trẻ tuổi bị chết trong tai nạn ô tô là cô Denise cho một bệnh nhân mắc bệnh tim nặng tên là Vashkanski.
Vashkanski đã sống được 18 ngày bằng trái tim ghép đó.
Ngày 2 tháng giêng năm 1968, Barnard lại ghép một quả tim thứ hai của một nạn nhân cho một người mắc bệnh tim nặng tên là Blaide. Blaide đã sống được trên một năm.
Việc ghép tim thành công đầu tiên trên người của Giáo sư Barnard đã có một ý nghĩa lớn trong cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, thúc đẩy nhiều phẫu thuật viên khác trên thế giới ở Mỹ, Pháp, Chile, Tiệp Khắc, Liên Xô làm theo.
Người bệnh được ghép tim đầu tiên ở Mỹ tên là Kaxperac, anh ta đã sống được 15 ngày bằng trái tim của người khác và sau đó người vợ góa của anh đã phải thanh toán 28.800 đô la cho người chồng bất hạnh của bà. Cho đến cuối năm 1968 toàn thế giới đã có 84 trường hợp ghép tim trên người, trong đó có 42 người bị chết và 42 người sông với nhiều thời hạn khác nhau. Trong số những người sống, có hai người đã được ghép tim lại lần thứ hai.
Tới nay, đã có trên 40 năm trôi qua, kể từ lần ghép tim thành công đầu tiên do Giáo sư Barnard thực hiện, người ta đã tiến hành hàng ngàn ca ghép tim cho những bệnh nhân bị bệnh tim nặng, trong đó có trường hợp một người Pháp là Emmanuel Victoria kỷ niệm 14 năm ngày ông được ghép tim. Theo báo Diễn đàn thông tin quốc tế, Victoria là người sống lâu nhất trong những người được ghép tim. Năm 47 tuổi, Victoria bị một cơn đau tim nặng nhất. Ngày 28-11-1968, các bác sĩ ở Bệnh viện Marseille (Giáo sư Edmond Henri và cộng sự) đã thay tim cho Victoria bằng trái tim khỏe mạnh của một thanh niên 20 tuổi bị chết vì tai nạn ô tô.
Chúng ta ai cũng biết rằng, việc ghép tim đầu tiên trên người của Giáo sư Barnard không phải ngẫu nhiên, mà nó đã được tiến hành nhiều năm trên động vật, cộng với kinh nghiệm của nhiều phẫu thuật viên ở các nước khác mà Giáo sư Barnard đã tích lũy.
Bước đường đi tới con người trong khoa học là bước đường đầy gian khổ chông gai, và người làm khoa học phải thật bình tĩnh, thận trọng, kiên trì, có khi phải mất hàng chục năm nghiên cứu trên động vật. Việc “áp dụng đầu tiên trên người” chỉ có thể quyết định khi lương tâm của người thầy thuốc đã khẳng định rằng đó là một việc bất đắc dĩ, ngoài biện pháp này không còn cách nào khác để cứu sống bệnh nhân. Cũng như trường hợp của nhà bác học Louis Pasteur, khi ông chưa kịp kiểm tra hiệu lực và độc tố của vacxin ngừa dại do ông nghiên cứu thì ông đã phải dùng cho một em bé 9 tuổi là Joseph bị chó dại cắn, và em bé đã được cứu sông.
Việc ghép tim không đơn giản như các cuộc mổ thông thường khác, nó không chỉ thuần túy khoa học mà còn liên quan đến xã hội, tình cảm và đạo đức của con người nữa.
Khi chúng ta ghép một cơ quan có đôi như thận, nếu cuộc mổ thành công thì cả người cho và người nhận thận đều sống. Nhưng ghép tim thì khác hẳn, khi tim là cơ quan độc nhất, do đó người cho tim chắc chắn phải là người chết hoặc sẽ chết, dù thành công thì cũng chỉ người nhận tim được sông mà thôi!
Đứng trước hai bệnh nhân ở trong tình trạng nặng gần ngang nhau – một người mắc bệnh tim nặng và một người vừa bị một tai nạn gây chấn thương nặng – cả hai đang bị thần chết đe dọa. Đối với lương tâm người thầy thuốc, chỉ có một mong muốn là phải cứu sống cả hai bệnh nhân. Trong thực tế, có hàng trăm người bệnh đã hồi sinh sau một cái chết lâm sàng (tức là mới chết 5-6 phút, tim ngừng đập, phổi ngừng thở nhưng tế bào não vẫn sống, có khả năng phục hồi lại nếu được hồi sức tích cực). Nhà vật lý học nổi tiếng của Liên Xô Landao, sau khi bị tai nạn ô tô rất nặng, ngày 8 tháng giêng năm 1982: xương sọ và xương chẩm bị vỡ, não bị chấn thương nặng, lồng ngực bị ép, gãy bảy xương sườn, phổi bị chấn thương, xương chậu vỡ, bị choáng nặng, chẳng đã được cứu sống sau ba lần chết lâm sàng đó sao!
Tại Liên Xô, kinh nghiệm ghép tim trên thực nghiệm của Giáo sư V. V. Kovanov và V. J. Burakoyski đã cho ta thấy kết quả tốt nhất là trường hợp ghép một trái tim đang còn sống, được lấy ra trong điều kiện hạ thể nhiệt nhân tạo trung bình (28°C). Chumvay cũng cho biết càng lấy tim chậm bao nhiêu thì khả năng ghép được càng ít đi bấy nhiêu: lấy tim một giờ sau khi chết thì khả năng ghép được là 80%, lấy tim sau khi chết một giờ rưỡi thì khả năng ghép được chỉ còn 70%…
Với tiêu chuẩn đó, một vấn đề được đặt ra là lấy tim ở đâu và của ai để ghép? Nếu chỉ đứng riêng về mặt y học mà nói thì tốt nhất là lấy tim của người chấn thương sọ não nặng đã hết khả năng sống. Nhưng việc chứng minh rằng các tế bào não đã chết hẳn mà ta thường gọi là “chết não” rất khó khăn và phức tạp, thậm chí có trường hợp đã mê sâu, trên băng ghi điện não gần như đã kẻ một đường thẳng, hầu như nạn nhân đã hết hy vọng sông. Trong thực tế chúng tôi đã gặp lại những nạn nhân bị hôn mê sâu sau chấn thương sọ não nặng, nhưng đã hồi tỉnh lại, vận động, đi lại được sau 2-3 tháng tích cực hồi sinh. Giáo sư – Viện sĩ Viện Hàn lâm (Liên Xô) A. A. Vishnhevski dự kiến sẽ tiến hành một cuộc phẫu thuật ghép tim cho một bệnh nhân bị bệnh tim nặng, lấy tim từ một người đã bị chết não do khoa chẩn đoán chức năng của Viện ông thông háo là trên băng ghi điện não của người này đã ghi một dòng thẳng. Trong khi xe cáng đưa người cho tim lên phòng mổ, anh ta đột nhiên ngồi nhỏm dậy và xin nước uống. Mọi người đang sửng sốt thì nghe từ phòng đo điện não thông báo lại là máy đo điện não bị hư nên đã kẻ một đường thẳng. Người dự kiến cho tim là một người say rượu mê sâu!
Trong thực hành phẫu thuật đôi khi cũng có thể xảy ra tình huống nghiêm trọng như thế đấy!
Khi ghép thận, ta còn có thận nhân tạo để tạm thời thay thế quả thận được ghép có thời gian thích ứng với hoàn cảnh mới, chống lại các phản ứng thải quả thận được ghép đi. Thời gian đó có thể kéo dài từ một ngày tới một tuần lễ. Nhưng khi ghép tim, chúng ta lại chưa có được một trái tim nhân tạo để tạm thời thay thế một phần nào chức năng của trái tim mới được ghép trong thời gian đầu. Chính vì thế mà trái tim được ghép phải hoạt động ngay từ phút đầu tiên kể từ sau khi phẫu thuật ghép tim hoàn thành.
Khó khăn chính trong lĩnh vực ghép tim hiện nay không phải là vấn đề kỹ thuật, vì kỹ thuật mổ xẻ ghép tim đã được nghiên cứư tương đối hoàn chỉnh trong thực nghiệm và đã áp dụng trên lâm sàng có kết quả khả quan, mà là một loạt các vấn đề có liên quan đến tâm lý xã hội, việc lựa chọn người cho tim để ghép, ai là người đứng ra bảo đảm rằng người cho tim là một người thực sự đã chết, và ai là người có quyền quyết định cho trái tim đó để ghép cho một bệnh nhân bị bệnh tim nặng, các vấn đề liên quan đến biện pháp ức chế miễn dịch để trái tim được ghép không bị loại bỏ ra khỏi cơ thể người nhận.
Mặc dầu trong lĩnh vực ghép tim đã có nhiều tiến bộ, một số tim ghép đã kéo dài cuộc sông của bệnh nhân thêm nhiều năm, nhưng thực tế lâm sàng như cái chết của Blaide sau hơn một năm được ghép tim và của những bệnh nhân khác với thời gian được ghép tim ngắn hay dài hơn Blaide, đã chứng minh rằng tuy người ta đã áp dụng kỹ thuật mổ xẻ cao, đã dùng nhiều biện pháp ức chế miễn dịch… nhưng cuối cùng, trái tim ghép vẫn không thích hợp được với tình cảm, xúc động của người bệnh và không được sự điều khiển, chỉ huy trực tiếp của hệ thần kinh trung ương.
Nhiệm vụ của các nhà khoa học y học hiện nay là cố gắng tìm các biện pháp tích cực để đề phòng không cho bệnh tim xảy ra như tích cực đề phòng và điều trị các bệnh thấp, đề phòng bệnh xơ mỡ động mạch sớm bằng luyện tập, chế độ lao động, nghỉ ngơi, chế độ ăn uống, sinh hoạt… và tìm tòi nghiên cứu điều trị các bệnh tim có hiệu lực hơn, cả về nội khoa, ngoại khoa và các ngành y học chuyên khoa khác có liên quan. Phương pháp dưỡng sinh của Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Viện trưởng Viện Y Dược học Dân tộc, đã đóng góp một phần lớn vào việc bảo vệ sức khỏe cho người lớn tuổi, đề phòng tích cực các bệnh tim ở người lớn tuổi như bệnh thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim… là những bệnh được xếp hàng đầu trong những bệnh tim cần phải ghép tim.
Vì khía cạnh phức tạp của vấn đề tâm lý xã hội và vì sự nghiên cứu chưa hoàn chỉnh các biện pháp ức chế miễn dịch trong lĩnh vực ghép các cơ quan bộ phận nói chung và ghép tim nói riêng, nên ở nước ta cũng như ở một số nước xã hội chủ nghĩa khác, trong đó có Liên Xô, rất thận trọng trong việc tiến hành ghép tim trên người. Cách đây 40 năm, trên báo Tổ Quốc, cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Việt Nam (báo Tổ Quốc số 2 – 1970 trang 41 – 44, Hà Nội), chúng tôi đã mạnh dạn nêu lên ý nghĩ của mình là nghiên cứu để chế tạo ra một “trái tim nhân tạo” có thể hoạt động lâu dài từ 4 đến 20 năm, bền bỉ và liên tục, song song với trái tim của người bệnh, sẽ là một giải pháp tương lai không xa để điều trị các bệnh tim nặng có chỉ định thay tim.
Một điều hợp lý, nhân đạo và phù hợp với lương tâm của người thầy thuốc là nếu không ghép tim mà chỉ dùng “trái tim nhân tạo” song song với trái tim của người bệnh thì cuộc sống của người bệnh sẽ được kéo dài hơn và ít nguy hiểm hơn. Khi “trái tim nhân tạo” bị hỏng ta có thể tháo nó ra và thay thế bằng một “trái tim nhân tạo” khác như lắp một chiếc máy tạo nhịp tim thông thường vậy.
Cuối năm 1982, bác sĩ William de Vries ở Bệnh viện Salt Lake City đã ghép thành công quả tim nhân tạo vào lồng ngực một nam bệnh nhân 61 tuổi bị bệnh cơ tim giai đoạn cuối. Quả tim nhân tạo này mang tên Jarvik – 7, là mô hình thứ 7 của môt loat mô hình do bác sĩ Robert Jarvik thực hiện. Cuộc mổ xẻ kéo dài hơn 6 giờ đã kết thúc tốt đẹp. Ông Barney Clark, người được ghép tim nhân tạo, đã tỉnh lại một giờ sau khi mổ và nói: “Tôi không dám tin đây là sự thật, tôi còn sống”.
Tại Viện Nghiên cứu Ghép Các cơ quan bộ phận và Chế tạo Các cơ quan bộ phận Nhân tạo của Liên Xô tại Matxcơva do Giáo sư – Viện sĩ Viện Hàn lâm V. J. Shumakov làm Viện trưởng cũng đã chế tạo được “trái tim nhân tạo” như thế và đã lắp thử cho súc vật (loài bê) để theo dõi, nghiên cứu, đánh giá tác dụng, các mặt ưu nhược điểm của máy, rút kinh nghiệm, tổng kết lại và chuẩn bị cho việc sử dụng các trái tim nhân tạo này hoạt động rất tốt song song với những trái tim của súc vật thí nghiệm, hỗ trợ đắc lực cho các tim thật hoạt động và chưa gây cản trở gì lớn cho các trái tim thật đó.
Chúng ta hy vọng rằng những người mắc bệnh tim nặng sẽ bằng lòng với việc ghép cho mình một trái tim nhân tạo hơn là cắt bỏ trái tim của mình đi và thay vào đó bằng một trái tim của người khác đã chết.
Về khía cạnh tâm lý mà nói thì sống bằng trái tim của chính bản thân mình dù có kèm theo một trái tim nhân tạo để hỗ trợ thêm cũng vẫn thoải mái, lý thú hơn và tình cảm hơn là phải sống bằng một trái tim của người khác mà trong lòng vẫn luôn luôn có một mối lo âu đe dọa là không biết bao giờ thì trái tim đó sẽ bong ra vì cơ thể của mình sẽ không còn tiếp nhận nó nữa.