Rất nhiều nguyên nhân, từ cấp tính, cấp cứu đe doạ tính mạng đến các bệnh và rối loạn chức năng mạn tính của nhiều hệ cơ quan, có thể gây nên đau bụng. Đánh giá cơn đau bụng cấp cần đánh giá nhanh các nguyên nhân khả dĩ và bắt đầu điều trị sớm. Một cách tiếp cận chi tiết và cần nhiều thời gian để chẩn đoán được dùng trong những trường hợp ít cấp tính. Bảng 43-1 liệt kê những nguyên nhân thường gặp của đau bụng

BẢNG 43-1 CÁC NGUYÊN NHÂN THƯỜNG GẶP GÂY ĐAU BỤNG

Viêm cơ hoặc niêm mạc trong tạng rỗng: Bệnh tiêu hoá  (loét, trợt, viêm), viêm dạ dày xuất huyết, trào ngược dạ dày-thực quản, viêm ruột thừa, viêm túi thừa đại tràng, viêm túi mật, viêm đường mật, các bệnh viêm ruột (bệnh Crohn, viêm loét đại tràng), viêm dạ dày-ruột nhiễm trùng, viêm hạch bạch huyết mạc treo, viêm đại tràng, viêm bàng quang hoặc viêm đài bể thận

Co thắt hoặc căng giãn các tạng: Tắc ruột (dính, u, lồng ruột), tắc ruột thừa do viêm, thoát vị nghẹt, hộichứng ruột kích thích (phì đại và co thắt cơ), tắc mật cấp, tắc ống tuỵ (viêm tuỵ mạn, sỏi), tắc niệu quản (sỏi thận, huyết khối), vòi trứng (thai trong vòi trứng)

Bệnh lý mạch máu: Huyết khối mạch mạc treo (động mạch hoặc tĩnh mạch), bóc tách hoặc vỡ động mạch (vd., phình động mạch chủ), tắc nghẽn do lực tác dụng từ bên ngoài hoặc xoắn (vd, xoắn đại tràng, u, dính, lồng ruột), bệnh hemoglobin (đặc biệt là bệnh hồng cầu liềm)

Căng giãn hoặc viêm ở bề mặt các tạng: Bao gan (viêm gan, xuất huyết, u, hội chứng Budd-Chiari, hộichứng Fitz-Hugh-Curtis), bao thận (u, nhiễm trùng, nhồi máu, tắc tĩnh mạch), bao lách (xuất huyết, abcès, nhồi máu), tuỵ (viêm tuỵ, giả nang, abcè s, u), buồng trứng (xuất huyết trong nang, thai ngoài tử cung, abcès)

Viêm phúc mạc: Nhiễm vi khuẩn (thủng tạng, viêm vùng chậu, nhiễm trùng dịch báng), nhồi máu ruột, hoá chất kích thích, viêm tuỵ, thủng tạng (đặc biệt là dạ dày và tá tràng), viêm phản ứng (abcès lân cận, gồm viêm túi thừa đại tràng, nhiễmtrùng hoặc viêm phổi-màng phổi), viêm thanh mạc (các bệnh collagen-mạch máu, sốt Địa Trung Hải có tính chất gia đình), rụng trứng (Hội chứng mittelschmerz).

Bệnh ở thành bụng: Chấn thương, thoát vị, viêm hoặc nhiễm trùng cơ, tụ máu (chấn thương, dùng thuốc kháng đông), co kéo mạc treo (vd, dính)

Độc chất: Nhiễm độc chì, nọc độc của nhện goá phụ đen cắn

Rối loạn chuyển hoá: Tăng ure máu, nhiễm toan tăng ceton (đái tháo đường, nghiện rượu), suy thượng thận cấp, porphyria, phù mạch (thiếu men C1 esterase), ngưng dùng ma tuý

Bệnh thần kinh: Herpes zoster, bệnh tabes tuỷ sống, hoả thống, chèn ép hoặc viêm rễ tuỷ sống (vd, viêm khớp, thoát vị đĩa đệm u, abcès), nguyên nhân tâm lý

Đau quy chiếu: Từ tim, phổi, thực quản, cơ quan sinh dục (vd, thiếumáu cơtim,viêmphổi, tràn khí màng phổi, thuyên tắc phổi, viêm thực quản, co thắt thực quản, vỡ thực quản)

TIẾP CẬN BỆNH NHÂN Đau bụng

Bệnh sử: Bệnh sử là công cụ chẩn đoán then chốt. Khám lâm sàng có thể không phát hiện hoặc có nhầm lẫn; xét nghiệm cận lâm sàng và chụp X quang có thể bị trì hoãn hoặc không có ích.

CÁC TÍNH CHẤT ĐẶC TRƯNG CỦA ĐAU BỤNG

Thời gian và kiểu đau: cho biết bản chất và mức độ nghiêm trọng của đau, mặc dù đau bụng cấp có thể xuất hiện âm thầm hoặc trên nền đau bụng mạn tính.

Kiểu đau và vị trí cho biết bản chất của bệnh. Đau tạng (do căng giãn tạng rỗng)  thường khu trú ở đường giữa. Đau ở ruột thường là đau co thắt; thường bắt nguồn ở gần van hồi manh tràng, sau khu trú ở vùng trên và quanh rốn. Đau có nguồn gốc từ đại tràng thường ở hạ vị và phần tư dưới bụng. Đau do tắc mật hoặc tắc niệu quản thường khiến bệnh nhân đau quằn quại. Đau thân thể (do viêm phúc mạc) thường đau nhói và khu trú ngay đúng ở vùng bệnh lý (vd, viêm ruột thừa cấp; căng giãn bao gan, thận hoặc lách), đau tăng khi cử động, khiến Bệnh nhân phải giữ yên người. Hướng lan có thể có ích: vai phải (nguồn gốc gan-mật), vai trái (lách), giữa lưng (tuỵ), sườn (đường tiểu dưới), bẹn (đường tiểu trên hoặc cơ quan sinh dục).

Yếu tố tăng/giảm đau: Hỏi về mối liên quan giữa đau và ăn uống (vd, đường tiêu hoá trên, mật, tuỵ, bệnh thiếu máu ruột), đi cầu (đạitrực tràng), đi tiểu (niệu dục hoặc đại-trực tràng), hô hấp (phổimàng phổi, gan mật), vị trí (tuỵ, trào ngược dạ dày-thực quản, cơ xương), chu kì kinh nguyệt (vòi-buồng trứng, nội mạc, bao gồm lạc nội mạc tử cung), gắng sức (thiếu máu mạch vành/ruột, cơ xương), thuốc hoặc các loại thức ăn đặc biệt (rối loạn nhu động, không dung nạp thức ăn, trào ngược dạ dày-thực quản, porphyria, suy thượng thận, nhiễm toan ceton, độc chất), và stress (rối loạn nhu động, khó tiêu không loét, hội chứng ruột kích thích).

Các triệu chứng liên quan: Sốt/lạnh run (nhiễm trùng, bệnh lý viêm, nhồi máu), sụt cân (u, bệnh lý viêm, suy dinh dưỡng, thiếu máu nuôi), buồn nôn/nôn ói (tắc nghẽn, nhiễm trùng, bệnh lý viêm, bệnh lý chuyển hoá), khó nuốt/nuốt đau (thực quản), khó tiêu (dạ dày), nôn ra máu (thực quản, dạ dày, tá tràng), táo bón (đại-trực tràng, quanh hậu môn, hệ niệu dục), vàng da (gan mật, tán huyết), tiêu chảy (bệnh lý viêm, nhiễm trùng, kém thấp thu, u tiết, thiếu máu, hệ niệu dục), tiểu khó/ tiểu máu/ tiết dịch âm đạo/dương vật bất thường (hệ niệu dục), đi cầu ra máu (đại-trực tràng, hoặc hiếm hơn, hệ niệu), các bệnh lý về da/ khớp/mắt (bệnh lý viêm, nhiễm vi khuẩn hoặc virus).

Các yếu tố thúc đẩy: Hỏi tiền căn gia đình (bệnh lý viêm, u, viêm tuỵ), tăng huyết áp và bệnh hẹp động mạch (thiếu máu nuôi), đái tháo đường (rối loạn nhu động, nhiễm toan ceton), bệnh mô liên kết (rối loạn nhu động, viêm thanh mạc), suy nhược (rối loạn nhu động, u), hút thuốc (thiếu máu nuôi), ngừng hút thuốc gần đây (bệnh lý viêm), uống rượu (rối loạn nhu động, bệnh gan mật, tuỵ, viêm dạ dày, loét tiêu hoá).

Khám lâm sàng: Khám bụng tìm các chấn thương hoặc phẫu thuật gần đây, chấn thương hiện tại; chướng bụng, dịch hoặc khí; đau trực tiếp, phản ứng dội và đau quy chiếu; kích thước gan và lách; các khối u, âm thổi, thay đổi tiếng nhu động ruột, thoát vị, các khối phình động mạch. Khám trực tràng để đánh giá có đau, khối u, máu (lượng nhiều hoặc máu ẩn). Cần thiết khám khung chậu ở phụ nữ. Khám tổng quát: đánh giá có rối loạn huyết động, rối loạn toan-kiềm, suy dinh dưỡng, bệnh lý đông máu, bệnh tắc nghẽn động mạch, các triệu chứng của bệnh gan, suy chức năng của tim, bệnh hạch bạch huyết và các tổn thương ở da.

Xét nghiệm thường quy và hình ảnh học: Lựa chọn tuỳ thuộc vào lâm sàng (đặc biệt là độ nặng của đau, khởi phát nhanh) gồm công thức máu, ion đồ, chức năng đông máu, đường huyết, và các test sinh hoá chức năng gan, thận, tuỵ; chụp X quang để xác định sự hiện diện của các bệnh về tim, phổi, trung thất, và màng phổi; điện tâm đồ hữu ích trong việc loại trừ đau quy chiếu do các bệnh lý tim mạch; X quang bụng không sửa soạn để đánh giá sự dịch chuyển của ruột, căng giãn ruột, dịch và khí, hơi tự do trong phúc mạc, kích thước gan và các điểm vôi hoá trong ổ bụng (vd, sỏi mật, sỏi thận, viêm tuỵ mạn).

Xét nghiệm đặc biệt: Gồm siêu âm bụng (để quan sát đường mật, túi mật, gan, tuỵ và thận); CT để đánh giá các khối u, abcès và dấu hiệu của viêm (dày thành ruột, “xoắn” mạc treo, bệnh hạch bạch huyết), phình động mạch chủ; chụp X quang có cản quang barium (uống barium, đường tiêu hoá trên, xuyên suốt ruột non, thụt barium); nội soi tiêu hoá trên, nội soi trực tràng, hoặc nội soi đại tràng; chụp X quang đường mật (nội soi, xuyên qua da hoặc qua MRI), chụp mạch máu (trực tiếp hoặc qua CT hoặc MRI), và xạ hình. Trong những trường hợp đặc biệt, có thể cần sinh thiết qua da, nội soi ổ bụng và mổ thám sát ổ bụng.

ĐAU BỤNG CẤP DỮ DỘI

Đau bụng dữ dội và khởi phát cấp tính hoặc đau liên quan đến ngất, hạ huyết áp, hoặc vẻ ngoài nhiễm độc cần thiết phải đánh giá nhanh và theo thứ tự. Nghĩ đến tắc ruột, thủng hoặc vỡ tạng rỗng; bóc tách hoặc vỡ các mạch máu lớn (đặc biệt là phình động mạch chủ); loét; nhiễm trùng ổ bụng; nhiễm toan ceton và suy thượng thận cấp.

TÓM TẮT BỆNH SỬ VÀ KHÁM LÂM SÀNG

Các điểm quan trọng trong bệnh sử gồm tuổi; thời gian khởi phát đau; hoạt động của Bệnh nhân khi bắt đầu đau; vị trí và tính chất của đau; hướng lan đến những vị trí khác; có buồn nôn, nôn ói, chán ăn không; các thay đổi theo thời gian; các thay đổi trong thói quen ruột; và tiền căn kinh nguyệt. Khám lâm sàng nên chú ý vẻ ngoài toàn diện của Bệnh nhân [đau quằn quại (sỏi niệu quản), với đau nằm yên (viêm phúc mạc, thủng tạng)], vị trí (BN ngồi cúi người về phía trước có thể bị viêm tuỵ cấp hoặc thủng dạ dày vào túi mạc nối bé), có sốt hoặc hạ thân nhiệt, tăng thông khí, xanh tím, tiếng nhu động ruột, đau bụng trực tiếp hoặc phản ứng dội, khối u ở bụng đập theo mạch, các âm thổi ở bụng, báng bụng, máu trong trực tràng, đau trực tràng hoặc vùng chậu, và có bệnh lý đông máu. Các xét nghiệm hữu ích gồm hematocrit (có thể bình thường khi đang xuất huyết cấp hoặc cao khi mất nước), công thức bạch cầu, khí máu động mạch, ion đồ, BUN, creatinine, đường huyết, lipase hoặc amylase và tổng phân tích nước tiểu. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần xét nghiệm chẩn đoán có thai. Hình ảnh X quang gồm phim chụp bụng đứng và nằm (nằm nghiêng bên trái nếu không chụp được phim bụng đứng) để đánh giá đường kính ruột và và sự hiện diện của khí tự do trong phúc mạc, phim tư thế nghiêng để đánh giá đường kính động mạch chủ; chụp CT (nếu được) để phát hiện thủng ruột, viêm, nhồi máu tạng đặc, chảy máu sau phúc mạc, abcès, hoặc u. Chọc dò ổ bụng (hoặc rửa phúc mạc trong trường hợp chấn thương) có thể phát hiện chảy máu hoặc viêm phúc mạc. Siêu âm bụng (nếu có) thấy được abcès, viêm túi mật, tắc đường mật hoặc niệu quản, hoặc khối máu tụ và xác định đường kính động mạch chủ.

CÁC CHIẾN LƯỢC CHẨN ĐOÁN

Điểm quyết định ban đầu dựa vào tình trạng cân bằng huyết động của BN. Nếu không, phải nghi ngờ một tai biến mạch máu như dò phình động mạch chủ bụng. Bệnh nhân cần được hồi sức cơ bản và chuyển ngay lập tức để mổ thám sát. Nếu huyết động của Bệnh nhân ổn định, bước tiếp theo là xác định bụng có gồng cứng không. Bụng gồng cứng đa số thường do thủng hoặc tắc. Chẩn đoán có thể dựa vào chụp X quang ngực và X quang bụng không sửa soạn.

Nếu bụng không gồng cứng, các nguyên nhân có thể hợp thành nhóm dựa vào việc vị trí đau có khu trú cụ thể hay không. Nếu khó xác định được vị trí đau khu trú, nên đánh giá có phình động mạch chủ không. Nếu có, chụp CT để xác định chẩn đoán; nếu không, các chẩn đoán phân biệt là viêm ruột thừa sớm, tắc ruột sớm, thiếu máu mạc treo, bệnh viêm ruột, viêm tuỵ và các rối loạn chuyểnh hoá.

Đau khú trú ở thượng vị có thể có nguồn gốc từ tim mạch hoặc do viêm hoặc thủng thực quản, đau quặn mật hoặc viêm túi mật, hoặc viêm tuỵ. Đau bụng khu trú ở một phần tư trên phải gồm các nguyên nhân tương tự, thêm viêm đài bể thận hoặc sỏi thận, abcès gan, abcès dưới hoành, thuyên tắc phổi, hoặc viêm phổi, hoặc có thể có nguồn gốc từ cơ xương. Xem xét thêm đau ở một phần tư trên trái là vỡ hoặc nhồi máu lách, lách to, và loét dạ dày. Đau ở một phần tư dưới phải có thể từ viêm ruột thừa, túi thừa Meckel, bệnh Crohn, viêm túi thừa, viêm hạch mạc treo, tụ máu bao cơ thẳng bụng, abcès cơ thắt lưng, xoắn hoặc abcès buồng trứng, thai ngoài tử cung, viêm vòi trứng, hội chứng sốt gia đình, sỏi niệu quản, hoặc herpes zoster. Đau ở một phần tư dưới trái có thể do viêm túi thừa, u tân sinh vỡ, hoặc các nguyên nhân đã đề cập ở trên.

ĐIỀU TRỊ Đau bụng cấp dữ dội

Truyền dịch, điều chỉnh các rối loạn toan kiềm đe doạ tính mạng, và đánh giá có cần thiết phẫu thuật không là ưu tiên hàng đầu; theo dõi cẩn thận và khám lại thường xuyên (nếu có thể thì nên cùng một người khám) là cần thiết. Giảm đau. Việc sử dụng thuốc giảm đau gây nghiện còn đang tranh cãi. Theo truyền thống, thuốc giảm đau gây nghiện không được sử dụng
trong khi đang thiết lập chẩn đoán và kế hoạch điều trị, vì các dấu hiệu chẩn đoán bị che lấp có thể trì hoãn các can thiệp cần thiết. Tuy nhiên, có ít bằng chứng về việc thuốc giảm đau gây nghiện có thể làm che lấp chẩn đoán.

0/50 ratings
Bình luận đóng