Đăng tâm thảo ( Cỏ bấc đèn, Bấc)
Đăng tâm thảo ( Cỏ bấc đèn, Bấc)

Tên khoa học:

Juncus effusus L., họ Bấc (Juncaceae).

Tên khác: Cỏ bấc đèn, Bấc, Hổ tu thảo, Bích ngọc thảo, Tịch thảo, Xích tu, Cổ ất tâm, Đăng thị, Thần đăng nhị.

Mô tả:

Cây: Cây thảo, cao 0,5 – 1m, có thân rễ nằm ngang hay nghiêng, tròn cứng, mọc thành cụm dầy, không có lá, có ruột xốp từ gốc tới ngọn. Lá giảm thành những bẹ ở gốc thân. Hoa đều, lưỡng tính, mọc thành vòng, màu lục nhạt, có lá bắc. Bao hoa khô xác không phân hoá. Nhị 3, ít khi 4 hoặc 6. Bao phấn hình chỉ. Bầu có vòi rất ngắn, đầu nhụy to. Quả nang, hạt nhỏ. Cây ra hoa và đầu mùa hạ.

Dược liệu: Ruột thân hình trụ tròn nhỏ, đường kính 0,1 – 0,3 cm, dài khoảng 90 cm, màu trắng hoặc vàng nhạt, có vân dọc nhỏ. Thể nhẹ, thả vào nước không chìm. Chất mềm, hơi có tính đàn hồi, dễ đứt, mặt đứt màu trắng. Soi kímh hiển vi thấy cấu tạo bởi những tế bào hình sao, để hở những khuyết lớn. Không mùi vị.

Bộ phận dùng:

Vị thuốc là ruột phơi khô của thân cây Bấc đèn (Juncus effusus).

Phân bố:

Cây mọc hoang và được trồng ở những nơi ẩm ướt trong nước ta. Dược liệu phải nhập một phần từ Trung Quốc.

Thu hái:

Tháng 9-10 cắt toàn cây về, rạch dọc thân để lấy lõi riêng ra, bó thành từng bó, phơi hay sấy khô tới độ ẩm dưới 11%.

Thành phần hoá học:

Carbohydrat

Khí vị:

Vị ngọt nhạt, tính hàn, không độc, thăng lên được, giáng xuống được, là thuốc âm trong dương dược, vào 3 kinh Tâm, Phế và Tiểu trường.

Chủ dụng:

Giáng Tâm hỏa, thanh Phế nhiệt, thông Tâm khiếu, lợi tiểu tiện, trừ chứng lung bế thành bệnh lâm, tiêu chứng sưng vì thủy thấp, nghĩa là khinh thanh thì trừ được thấp nhiệt cho nên chữa được bệnh hoàng đản và phù nhiệt ở thượng tiêu (dùng rễ nó nấu uống công dụng càng tốt, chiếu rách bện bằng cỏ Bấc lấy nấu nước thì hiệu quả càng hay)

ĐƠN THUỐC: dùng độc vị Đăng tâm, sắc uống trị trẻ con khóc đêm, và trị chứng đau họng.

Nhận xét:

Đăng tâm chất nhẹ mà không trong suốt, làm cho nhiệt trong Tâm theo đường tiểu tiện mà bài xuất, là thuốc thánh để trừ phục nhiệt ở Thượng tiêu và 5 chứng lâm. Riêng bệnh tiểu tiện không cầm được thuộc hư thì phải kiêng dùng.

GIỚI THIỆU THAM KHẢO

“Ngân hải tinh vi”

Bài Đạo xích tán

Mộc thông 12g, Cam thảo 6g, Trúc diệp 12g, Hoàng bá 6- 12g, Sinh địa 20g, Chi tử 8g, Tri mẫu 6-8g, Đăng tâm 6g.

Sắc, chia uống vài lần trong ngày. Có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, an thần.

Chữa Tâm kinh thực nhiệt, khát, mặt đỏ, người nóng, miệng lưỡi lở loét, tiêu ít, tiếu buốt, ngủ ừ, mạch hồng sác.

Ấu ấu tập thành” Bài Gia vị đạo xích tán

Đài Gia vị đạo xích tán

Đăng tâm 6g, Mộc thông 12g, Sinh địa 20g, Hoàng cầm 6g, Sài hồ 6g, Trạch tả 6g, Xa tiên 6g, Trúc diệp 12g, Cam thảo 6g.

Công dụng như bài trên, nhưng nhiệt nhẹ hơn và tiểu tiện sẻn hơn.

“Y tông kim giám”

Bài Tả tâm đạo xích tán

Mộc thông 16g, Sinh địa 40g, Cam thảo 8g, Hoàng liên 6g, Đăng tâm 6g.

Chữa trẻ em Tâm kinh có nhiệt dẫn đến chứng lưỡi lè ra, mặt đỏ, phiền khát, tiếu tiện đỏ ít.

“Thẩm thị giao hàm”

Bài Lương cách thanh tỳ ẩm

Kinh giới 8g, Thạch cao 12g, Phòng phong 8g, Xích thược 10g, Sinh địa 12g, Hoàng cầm 12g, Liên kiều 8g, Chi tử 8g,

Bạc hà 6g, Cam thảo 4g, Đăng tâm 4g. Có tác dụng thanh Tỳ, Vị, mát Tâm hỏa, trừ phong nhiệt.

Chữa Tỳ kinh có nhiệt nung nấu, mí mắt nổi nốt như sởi, thậm chí sụp mí, chảy nước mắt, thị lực kém.

“Tâm đắc thần phương”-Hải Thượng Lãn Ổng

Bài Dưỡng vinh quy tỳ thang

Thục địa 8đ, Bạch truật 3đ, Táo nhân 1đ, Bạch thược 1,2đ, Bạch lính 1,5đ, Ngũ vị tử 0,6đ, Ngưu tất 2đ, Nhục quế 0,8đ, Mạch môn 2đ, Liên tử 2đ, Đăng tâm 0,6đ.

Sắc, chia uống vài lần trong ngày.

Có tác dụng bổ âm huyết của Tâm, Tỳ, Phế. Bài này không dùng Nhân sâm, Hoàng kỳ là sợ làm mạnh cho Hỏa.

Chữa tất cả các chứng ngủ lao, thất thương, phát sốt, ho, thổ huyết, hâm hấp sốt, biếng ăn, mỏi mệt, mạch Thốn hom, Xích nhươc.

0/50 ratings
Bình luận đóng