Định nghĩa

Là tiểu tiện hoàn toàn ngoài ý muốn, thường về ban đêm, hay gặp ở trẻ nhỏ.

Căn nguyên

Bàng quang trẻ con: quá 5 tuổi nhưng bàng quang vẫn chỉ hoạt động tự động theo phản xạ tủy sống như ở trẻ nhỏ. Trẻ chống lại co bóp của cơ mu bàng quang bằng cách co mạnh cơ thắt vân để không cho nước tiểu ra; làm cho áp suất trong bàng quang tăng cao và có khi gây trào ngược nước tiểu lên niệu quản.

Các bệnh kèm theo: nhiễm khuẩn đường tiết niệu, tiểu đường hay đái tháo nhạt.

Dị tật bẩm sinh: lỗ niệu quản lạc chỗ.

Rối loạn thần kinh bàng quang (xem bệnh này).

Tổn thương trung ương: tổn thương thoái hoá ở thuỳ trán (do xơ vữa động mạch, bệnh Alzheimer, xơ cứng rải rác) hay khối u, động kinh ban đêm.

Tổn thương tủy sống: tủy sống chẻ đôi, tổn thương tủy sống do chấn thương hay thoái hoá.

Chẩn đoán

Hay gặp đái dầm ở trẻ cho đến 10 tuổi. Thăm khám cần loại trừ nguyên nhân thực thể.

Ở người lớn, cần phân biệt đái dầm với đái rắt, tiểu tiện không tự chủ do ứ đọng nước tiểu mạn tính hay do nhược cơ thắt ở phụ nữ có tuổi bị tiểu tiện không tự chủ vào ban ngày hay khi gắng sức.

Điều trị

Với trẻ nhỏ: giảm uống vào buổi tốì, đánh thức vào một giờ nhất định trong đêm, thỉnh thoảng dùng thuốc kháng cholinergic (ví dụ, oxybutynin trong trường hợp bàng quang trẻ con) hay desmopressin hoặc imipramin. Điều trị nguyên nhân ở người lớn.

0/50 ratings
Bình luận đóng