Muốn chữa loét dạ dày cần xem thêm phần Dạ dày ung nhọt, Dạ dày sùi mụn, Dạ dày vỡ lở, Viêm dạ dày.
Loét dạ dày là đã qua quá trình viêm nặng lâu ngày mới dẫn tới loét. Trên lâm sàng chứng này tôi không được chữa nhiều nhưng qua phương sau đây chữa, cứ cho 3 thang một, rồi lại tùy theo chứng trạng hiện ra mà thêm bớt sử dụng. Tôi thấy trường hợp loét chưa thành hang ổ sâu vẫn có kết quả.
Tôi đặt tên phương chữa dạ dày loét là:
Thang Thanh vị gia gi (Hy Lãn phương)
Dược phẩm: | |||
Sinh địa: | 30g | Thạch cao | 30g |
Đương qui | 10g | Thăng ma | 12g |
Hoàng liên | 30g | Cam thảo | 10g |
Mẫu đơn bì | 16g | Tri mẫu | 16g |
Địa du | 16g | Hoài sơn | 16g |
Cát căn | 16g | Chỉ sác | 10g |
Liên kiều | 16g | Bạch thược | 12g |
Sơn chi tử | 16g | Đại hoàng | 12g |
Đông qua tử | 20g | Trần bì | 10g |
Bạch chỉ | 16g | Bán hạ | 16g |
Ý dĩ | 16g | Ô tặc cốt | 16g |
Ngưu bàng tử | 20g | Kim ngân hoa | 30g |
Hoàng đơn bì | 20g |
Ý nghĩa phương:
Thấp nhiệt ủng tắc ở dạ dày do ăn uống hậu vị thì người xưa hay dùng “Thanh vị tán”. Nguyên nhân do ăn uống này thế gian mắc nhiều, nên trong phương Thanh vị tán chủ yếu là làm mát dạ dày như tên đặt ra nó. Trong phương dùng Sinh địa ích âm mát máu làm quân. Đơn bì làm mát hỏa và sơ thông trệ đọng, Hoàng liên làm mát nóng ráo thấp làm thần, giúp thêm dùng Đương qui để vào máu mà theo kinh, Thăng ma cay mát dẫn tới bản kinh là kinh vị, đó là ý nghĩa phương của người xưa đã lập ra. Song mỗi tạng phủ đều có 2 phần khí và huyết, phần huyết nhiệt đã dùng Thanh vị tán. Phần khí nhiệt tụ ở dạ dày làm khô ráo tân dịch thì dùng thang Bạch hổ. Vì vậy có Thạch cao, Cam thảo, Tri mẫu để làm tác dụng mát phần khí dạ dày bị nóng.
Tôi dùng một đội quân làm mát nóng giải độc, có tính chất kháng sinh mạnh như Kim ngân hoa, Liên kiều, Sơn chi tử, Hoàng đơn bì, Ngưu bàng tử để trị loét trong đó Ngưu bàng tử có tác dụng cay bình, không độc, tả nhiệt, mát huyết, tan kết đọng, trừ phong, thông 12 kinh, thường dùng chữa ung thư lở loét. Sơn chi tử tả cái hỏa khuất khúc còn dẫn hỏa của vị xuống, Hoàng đơn bì vỏ một loại cây ít dùng ở Việt Nam, chưa thấy sách nào nói đến.
Qua kinh nghiệm lâm sàng của tôi, vị thuốc này tính kháng sinh rất mạnh tôi đã sử dụng chữa viêm có kết quả cao. Ngân hoa, Liên kiều mát máu giải độc, sách vở cổ kim đã nói đến nhiều ở đây không nói lại nữa.
Ngoài ra còn dùng: Đông qua tử (hạt bí đao) chất trơn tính lạnh, vừa thêm phần làm mát dạ dày vừa thúc mủ tiết đi.
Bạch chỉ cầm máu, nếu có hiện tượng ra máu nặng có thể thêm Địa du, tro Kinh giới thêm. Trong phương có Ý dĩ, Hoài sơn có mục đích bổ trung tiêu và tạo thêm chất nhày cho niêm mạc dạ dày. Vì có Ý dĩ rồi nên ở trên thang Bạch hổ (Thạch cao, Cam thảo, Tri mẫu, Ngạnh mễ) tôi bỏ bớt Ngạnh mễ là gạo tẻ lâu năm đi. Trần bì, Chỉ sác mục đích để thông hành khí trệ, phối hợp với Đan bì thì thông trệ đọng càng tăng.
Tỳ vị bị nóng gây viêm loét, nên dùng Cát căn, Bạch thược chính để trừ khí nhiệt của tỳ vị, Bạch thược thường tả hỏa của tỳ. Cát căn làm mát nóng ở vị mà.
Đại hoàng chủ yếu dùng trừ máu nóng ở tỳ vị, còn có tác dụng thông tích trệ ở đại tiểu tràng, trong đó có quan hệ mẹ con tương hỗ ảnh hưởng. ô tặc cốt hút bớt chất chua trong dạ dày để việc tạo nhầy hàn vết loét thuận lợi.