Định nghĩa
Chảy máu ở mũi.
Căn nguyên
Chảy máu cam phía trước thường từ các mạch máu ở niêm mạc vách mũi (vùng Kiesselbach). Máu cũng có thể chảy từ hốc mũi sau và có đờm lẫn máu đi kèm. Nếu máu bị nuốt thì không thấy chảy máu cam.
– Nguyên nhân tại chỗ: nhiễm khuẩn ở mũi (nguyên nhân hay gặp ở trẻ em), trầy xước hoặc loét vách mũi, chấn thương vùng mặt và mũi, viêm xoang, giãn tĩnh mạch vùng Kiesselbach, hiếm khi do u mạch hoặc do khối u.
U xơ vòm mũi – họng là u lành tính, hiếm gặp ở thiếu niên nam, đôi khi còn được gọi là “u mạch gây chảy máu ở con trai dậy thì”. Khối u có xu hướng bị chảy máu nặng và gây chảy máu cam tái phát.
– Nguyên nhân toàn thân:
+ Huyết áp cao, xơ vữa động mạch, nghiện rượu, xơ gan.
+ Điều trị bằng thuốc chống đông, giảm tiểu cầu hoặc bệnh máu ác tính.
+ Bệnh nhiễm khuẩn: tinh hồng nhiệt, sốt rét, thương hàn.
+ Bệnh Rendu – Osier (giãn mao mạch di truyền gây xuất huyết).
Điều trị
Bệnh nhân phải ngồi, đầu cúi ra trước để tránh nuốt hoặc hít máu.
CHẤY MÁU MŨI TRƯỚC: với thể nhẹ chỉ cần kẹp mũi trong 5 – 10 phút để cầm máu. Với thể nặng hơn, cần dùng gạc tẩm chất gây co mạch (adrenalin), một thuốc gây tê tại chỗ để chèn; đốt điện sau khi lấy miếng gạc ra. cần theo dõi huyết áp và kiểm tra cầm máu.
CHẢY MÁU MŨI SAU: cần dùng gạc để chèn phía sau nếu máu chảy máu nhiều: duồn vào lỗ mũi sau một miếng bông to bằng cái nút chai được buộc vào một sợi chỉ. Dùng thông đẩy sợi chỉ qua lỗ mũi chảy máu và kéo sợi chỉ qua miệng. Nên để bác sĩ chuyên khoa làm thủ thuật này. cần theo dõi liên tục vì hay gặp biến chứng. Có thể dùng ampicillin để phòng viêm tai và viêm xoang. Một số bệnh nhân bị khó thở và cần cho thở oxy.
BỆNH NHÂN XƠ GAN BỊ CHẢY MÁU CAM NHIỀU VÀ NUỐT MÁU: cho thuốc nhuận tràng và thụt tháo để phòng bệnh não do nối cửa – chủ. Truyền máu tuỳ theo tình trạng huyết áp và hematocrit. Không được để nút chèn quá 2 – 3 ngày.
CHẢY MÁU CAM TÁI PHÁT: phải chèn lại, đôi khi phải gây mê toàn thân để làm. Nếu chảy máu quá nhiều thì phải phẫu thuật (thắt mạch bướm – màn hầu).