Bệnh trĩ lúc mới xuất hiện thường biểu hiện không rõ ràng. Chỉ khi nào xuất hiện các rối loạn không thể tự điều chỉnh được ảnh hưởng tới cuộc sống, khả năng lao động và sinh hoạt thì bệnh nhân mới đi khám bệnh. Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào các dấu hiệu lâm sàng và soi ống hậu môn.

Chẩn đoán

Biểu hiện lâm sàng: 5 triệu chứng hay gặp nhất là

Đại tiện ra máu tươi: Là triệu chứng sớm và hay gặp nhất. Thường biểu hiện ở các mức độ khác nhau như thành tia, nhỏ giọt hoặc dính vào giấy vệ sinh. Mất máu kéo dài gây tình trạng thiếu máu mạn tính.

Sa trĩ: Có sa từng búi hoặc cả vòng trĩ; búi trĩ sa nặng nhẹ tuỳ theo mức độ có thể tự co lên hoặc phải dùng tay đẩy vào, có khi toàn bộ sa tụt hẳn ra ngoài lỗ hậu môn. Sa trĩ ảnh hưởng tới lao động và sinh hoạt làm bệnh nhân rất khó chịu, đau rát hậu môn, rỉ dịch gây ẩm ướt, viêm loét hậu môn.

Đau: Trĩ bình thường không gây đau trừ khi có biến chứng tụ máu, huyết khối, viêm hoặc kèm theo các bệnh khác (nứt kẽ hậu môn).

Ngứa: Thường gặp, gây trầy xước và chảy máu (sang thương bờ hậu môn chiếm 50% trường hợp).

Chảy dịch: Trong bệnh trĩ chất tiết là kết quả của quá trình viêm gồm chất lỏng hoặc nhầy có thể bệnh nhân chỉ cảm thấy ẩm ướt ở bờ hậu môn hoặc chất tiết làm bẩn quần lót. Chất tiết có thể gây ngứa và làm chảy máu do gãi.

Thăm và soi hậu môn:

Thăm khám: Nhìn có thể thấy trĩ ngoại (da thừa), sa búi trĩ – niêm mạc hậu môn.

Thăm trực tràng là động tác bắt buộc đối với bệnh nhân trĩ. Thăm trực tràng bằng ngón tay chỏ để kiểm tra khả năng co thắt của cơ thắt vòng hậu môn, xác định tổn thương của búi trĩ xem có hiện tượng tắc mạch không. Xác định tổn thương đi cùng với bệnh trĩ như áp xe, rò hậu môn, nứt kẽ hậu môn, ung thư hậu môn trực tràng…

Soi trực tràng thường sử dụng ống soi của Bensaud (1967). Hiện nay có cải tiến ống soi dùng ánh sáng lạnh gắn trực tiếp vào cho phép quan sát đánh giá tổn thương rõ ràng hơn, đó là ống soi theo tiêu chuẩn của bệnh viện St Marks (London). Đưa ống soi vào hết tầm, rút nòng ống soi, thấm lau sạch dịch, phân trong trực tràng. Rút từ từ ống soi ra ngoài và quan sát hình thể trong bóng của trực tràng và ống hậu môn. Ngoài việc quan sát đánh giá tổn thương của bệnh trĩ thì qua soi hậu môn trực tràng cho phép đánh giá các tổn thương khác như nứt kẽ, polip hậu môn, viêm loét trực tràng và đặc biệt là phát hiện ra ung thư trực tràng về đại thể. Những tổn thương viêm loét, ung thư trực tràng nhiều khi dễ nhầm với bệnh trĩ do chúng cũng có biểu hiện ỉa ra máu [ 22, 32, 39, 52]

Phân độ trĩ

Tổn thương về lâm sàng và giải phẫu bênh trĩ được nhiều tác giả phân độ theo tiêu chuẩn của bệnh viện St.Marks (London). Phân độ trĩ có ý nghĩa trong việc đánh giá tổn thương và nghiên cứu chỉ định điều trị. Phân độ trĩ chia theo mức độ tổn thương lâm sàng và giải phẫu (chỉ áp dụng cho trĩ nội) [13, 73, 74].

  • Độ 1: Đại tiện ra máu tươi chiếm 80- 90%, chỉ đôi khi có hiện tượng ngứa khó chịu, không thoải mái. Khám qua nội soi: Các búi trĩ nhô lên thấy cương tụ máu nhưng không bị sa tụt khi dặn ỉa.
  • Độ 2: Triệu chứng chính là ỉa ra máu tươi, búi trĩ sa ra ngoài khi đại tiện đi xong tự co lên (dây chằng giữ niêm mạc còn tốt do đó thấy rõ ranh giới búi trĩ nội và ngoại). Soi hậu môn: Búi trĩ lấp ló ở hậu môn, có thể kèm theo tiết dịch gây ẩm ướt hậu môn.
  • Độ 3: Xuất hiên các búi trĩ nội khá lớn đôi khi không còn rõ ranh giới giữa búi trĩ nội và ngoại như vậy trở thành một búi trĩ hỗn hợp nội ngoại. Khi đại tiện trĩ lòi ra ngoài hậu môn không tự co lên, bệnh nhân phải dùng tay đẩy búi trĩ lên.
  • Độ 4: Các búi trĩ không tự co lên được chỉ một gắng sức nhẹ cũng làm cho búi trĩ sa lồi ra, búi trĩ thường xuyên nằm ngoài hậu môn, gây ẩm ướt, đau rát, chảy máu, tiết dịch mất vệ sinh rất khó chịu; sự cọ sát với quần lót gây sướt trợt niêm mạc, đồng thời nếu có phù nề thắt nghẽn mạch làm đau đớn cho bệnh nhân.
0/50 ratings
Bình luận đóng