Thiếu máu là tình trạng giảm lượng hemoglobin (Hb) chứa trong một đơn vị thể tích máu, với trẻ dưới 6 tuổi khi Hb dưới 110g/l, với trẻ trên 6 tuổi khi Hb dưới 120g/l. Thiếu máu cấp tính là thiếu máu xảy ra nhanh trong vài giờ đến vài ngày.

CHẨN ĐOÁN VÀ XỬ TRÍ BƯỚC ĐẦU

Đánh giá tình trạng thiếu máu cấp

Biểu hiện lâm sàng của thiếu máu phụ thuộc vào mức độ và tiến triển của thiếu máu. Nếu thiếu máu xảy ra nhanh, mức độ nặng, trẻ có biểu hiện da xanh tái, niêm mạc nhợt nhạt, tim đập nhanh, vã mồ hôi, lạnh đầu chi, hạ huyết áp, sốc. Nếu thiếu máu xảy ra chậm hơn, trong vài ngày, trẻ có biểu hiện da xanh, niêm mạc nhợt, mệt lả, chán ăn, tiến triển có biểu hiện suy tim.

Có thể đánh giá nhanh mức độ thiếu máu, nhất là thiếu máu do mất máu cấp bằng lâm sàng. Trường hợp thiếu máu mà chưa ảnh hưởng nhiều đến tuần hoàn, số lượng máu mất khoảng 10% khối lượng tuần hoàn; nếu có triệu chứng hạ huyết áp, số lượng máu mất khoảng 20% khối lưng tuần hoàn; nếu có biểu hiện sốc, khối lượng máu mất tới 30 – 40% khối lượng tuần hoàn.

Nếu xét nghiệm được nhanh lượng hemoglobin:

Hemoglobin dưới 60g/l: thiếu máu nặng.

Hemoglobin từ 60 – 90g/l: thiếu máu trung bình.

Hemoglobin từ 90 – 110g/l: thiếu máu nhẹ.

Điều trị bước đầu

– Đặt bệnh nhân yên tĩnh, ủ ấm, thoáng khí, cho nằm đầu thấp để đề phòng thiếu oxy não.

  • Nếu thiếu máu cấp do chảy máu nhiều phải thực hành nhanh:

+ Cầm máu tại chỗ.

+ Chống và phòng sốc (xem bài Chảy máu nặng).

  • Nếu thiếu máu cấp không có biểu hiện sốc, hay sau khi thực hành chống sốc, bệnh nhân thoát sốc, nên chuyển bệnh nhân đến tuyến có khả năng truyền máu để tìm nguyên nhân và xử trí tiếp theo.

CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ TIẾP THEO

Chẩn đoán nguyên nhân

Nguyên nhân thiếu máu cấp phần lớn là do chảy máu cấp và tan máu cấp

  • Các nguyên nhân chảy máu cấp thường do:

+ Chấn thương, tai nạn, vỡ lách, vỡ khung chậu.

+ Tai biến mạch máu, vỡ phình mạch, vỡ giãn mạch máu thực quản.

+ Rối loạn cầm máu, giảm tiểu cầu, hemophilia, giảm prothrombin, gây xuất huyết tiêu hoá, xuất huyết trong sọ.

  • Các nguyên nhân tan máu cấp thường gặp:

+ Tan máu tự miễn.

+ Tan máu do thiếu hụt gluco-6-phosphatdehydrogenase (G6PD).

+ Nhiễm độc thuốc, nọc độc rắn.

+ Sốt rét.

+ Hội chứng tan máu – urê huyết cao.

Có thể hướng tới nguyên nhân thiếu máu cấp bằng cách dựa vào lâm sàng

  • Nếu có kèm theo triệu chứng chảy máu dễ thấy, hay nghi có triệu chứng chảy máu ở sâu thì thiếu máu cấp do mất máu.
  • Nếu có kèm theo triệu chứng vàng da, nước tiểu sẫm màu nghi do hemoglobin niệu, có hoặc không có lách to thì nghi thiếu máu cấp do tan máu cấp.
  • Trường hợp thiếu máu cấp mà không thấy có biểu hiện chảy máu cũng nên nghi ngờ là có tan máu.
  • Trường hợp thiếu máu xảy ra tương đối nhanh, có kèm theo triệu chứng bầm máu ở da, đau xương, nên nghi là thiếu máu do nguyên nhân tại tuỷ xương, nhưng có thâm nhiễm tuỷ xương.

Xét nghiệm chẩn đoán

  • Công thức máu, hồng cầu lưới là xét nghiệm đầu tiên, trong vòng 30 phút cho kết quả, giúp đánh giá mức độ thiếu máu và hướng chẩn đoán nguyên nhân:

+ Hemoglobin dưới 60gA là thiếu máu nặng, từ 60 – 90g/l là thiếu máu vừa, từ 90 -110g/l là thiếu máu nhẹ.

+ Nếu hemoglobin giảm, bạch cầu bình thường, hồng cầu lưới tăng nhiều thường do thiếu máu tan máu, nếu lâm sàng không có chảy máu.

+ Nếu hemoglobin, bạch cầu, tiểu cầu, hồng cầu lưới cùng giảm, có thể nghi thiếu máu do kém sản sinh tại tuỷ.

  • Xét nghiệm nhóm máu để xử trí truyền máu kịp thời nếu cần.
  • Bilirubin tự do, tăng khi có tan máu.
  • Nghiệm pháp Coombs trực tiếp, gián tiếp để xác định tan máu do miễn dịch.
  • Urê, điện giải đồ, giúp ích cho chẩn đoán nguyên nhân và xử trí.
  • Xét nghiệm nước tiểu tìm hemoglobin và phân tìm chứng cứ chảy máu.

Điều trị tiếp theo

  • Truyền máu sớm, trừ trường hợp chảy máu nặng, truyền khối hồng cầu 10 – 15ml/kg cân nặng. Một số trường hợp thiếu máu cấp do tan máu tự miễn, phản ứng chéo đôi khi dương tính với mọi nhóm máu, hoặc có hiện tượng tự ngưng kết, rất khó xác định nhóm máu, nên truyền khối hồng cầu rửa nhóm o và tham khảo thêm ý kiến của một trung tâm truyền máu.
  • Điều trị theo nguyên nhân gây thiếu máu cấp:

+ Thiếu máu cấp do chảy máu (xem bài Chảy máu nặng).

+ Thiếu máu cấp do tan máu tự miễn:

Methylprednison liều cao 5-20mg/kg/ngày tiêm tĩnh mạch, chia 3 lần hay prednison 2-10mg/kg/ngày uống, trong 2-3 ngày, sau đó dùng liều bình thường 2mg/kg/ngày, uống đến khị hết biểu hiện tan máu, nước tiểu trong bình thường, không thiếu máu thêm.

+ Các trường hợp do thiếu G6PD, ngộ độc thuốc, phải loại bỏ ngay các thuốc nghi ngờ gây ngộ độc, hướng dẫn cho bố mẹ của trẻ không nên dùng một số thuốc dễ gây thiếu máu cho bệnh nhân thiếu G6PD, có bệnh hemoglobin không ổn định.

+ Điều trị sốt rét nếu thiếu máu do sốt rét.

+ Bổ sung acid folic 5mg/ngày, uống cho các trường hợp thiếu máu do tan máu.

+ Trường hợp tan máu cấp ở trẻ sơ sinh, cần phải điều trị tăng bilirubin tự do để phòng vàng da nhân (xem bài Điều trị vàng da do tăng bilirubin tự do ở sơ sinh).

0/50 ratings
Bình luận đóng