Chân danh hoa thưa

Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc ở vùng núi cao các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Đắc Lắc, Lâm Đồng. Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Trung Quốc, dùng trong trị lưng gối đau mỏi và dùng ngoài trị đòn ngã, dao chém.

Chân danh hoa thưa – Euonymus laxiflorus Champ., thuộc họ Dây gối – Celastraceae.

Mô tả: Cây nhỡ hay cây gỗ nhỏ; nhánh có mụt. Lá có phiến bầu dục, dài 7-10 cm, rộng 2-3cm, đầu nhọn dài; gân phụ 4-5 cặp, rất mảnh, mép có răng thấp hay nguyên; cuống 1cm. Xim tam phân thưa; hoa mẫu 5, với 6 nhị và bầu 5 ô, mỗi ô chứa 2 noãn. Quả nang có 5 cạnh màu nâu, bóng.

Bộ phận dùng: Vỏ thân, vỏ rễ – Cortex et Cortex Radicis Euonymi Laxiflori.

Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc ở vùng núi cao các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Đắc Lắc, Lâm Đồng.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Trung Quốc, dùng trong trị lưng gối đau mỏi và dùng ngoài trị đòn ngã, dao chém.

Chân danh nam

Chân danh nam -Euonymus cochinchinensis Pierre, thuộc họ Dây gối – Celastraceae. Mô tả: Cây gỗ nhỡ, cao 8-10 m, phân nhánh nhiều, tán thưa. Vỏ thân màu xám nhạt, có nhiều rãnh dọc. cành non nhẵn, màu xanh nâu. Lá mọc đối, hình bầu dục, dài 9-10cm, rộng 3-4cm, nhẵn bóng, mép nguyên. Cụm hoa hình chùm xim phân nhánh 3 lần, ở nách lá; từng đôi cụm hoa cũng mọc đối. Hoa có cuống, có 5 lá đài, 5 cánh hoa, 5 nhị và bầu 5 ô, mỗi ô chứa 2 noãn. Quả có 5 múi, nhẵn, màu xanh tím.

Hoa tháng 12-7, quả tháng 5-9.

Bộ phận dùng: Vỏ – Cortex Euonymi Cochinchinensis.

Nơi sống và thu hái: Cây của miền Đông Dương, mọc hoang từ Quảng Nam – Đà Nẵng, Ninh Thuận tới Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Kiên Giang, trong các rừng thứ sinh.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Vỏ cây được dùng trong phạm vi dân gian làm thuốc kiên vị, giúp tiêu hoá. Ở Campuchia, người ta ngâm vỏ trong rượu làm thuốc khai vị, bổ dạ dày.

Chân danh Tà lơn

Chân danh Tà lơn – Eunoymus javanicus Blume var. talungensis Pierre, thuộc họ Dây gối – Celastraceae.

Mô tả: Cây gỗ cao 12m, thân to 30cm; nhánh tròn, lông dài, không lông. Lá có phiến bầu dục thon, dài 8-18cm, mỏng, không lông; gân phụ 6-7 cặp. Hoa 1-3 ở nách lá; cuống 1cm; cánh hoa 5-6mm, màu hồng hồng; nhị 5 trên đĩa mật cao. Quả nang cao 2cm, có 5 cạnh, vàng vàng trên cuống 2cm; hạt có áo hạt. Ra hoa, kết quả tháng 5-6.

Bộ phận dùng: Vỏ – Cortex Eunoymi Javanici.

Nơi sống và thu hái: Loài của Ấn Độ, Mianma, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia, Philippin và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc ở Quảng Trị, Kontum cho tới Kiên Giang (Phú Quốc).

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Vỏ thân sắc uống bổ gan thận, an thần, giảm đau mỏi (Viện Dược liệu).

Chân danh Trung Quốc

Chân danh Trung Quốc, Đỗ Trọng tía – Eunonymus chinensis Lindl, thuộc họ Dây gối – Celastraceae.

Mô tả: Cây gỗ cao 8m, thân to 2cm; nhánh không lông, xám nâu, vuông lúc non. Lá có phiến bầu dục thon, dài 6-9cm, rộng 2,5-3cm, đầu có mũi nhọn dài, gốc tù, gân phụ mảnh 8-10 cặp; cuống 5-7mm. Xim lưỡng phân ở nách lá; cánh hoa 4, cao 3mm, trắng, nguyên, tròn, nhị 4, trên đĩa mật. Quả nang có 4 cạnh, đầu như cắt ngang. Hoa tháng 6.

Bộ phận dùng: Vỏ cây – Cortex Eunonymi Chinensis

Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Trung Quốc, Lào và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc ở Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Khánh Hoà. Thu hái vỏ quanh năm. Vỏ và lá khi bẻ ra đều có tơ dính như Đỗ trọng.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Vỏ cũng thường được dùng thay vị Đỗ trọng dây hay Đỗ trọng nam.

0/50 ratings
Bình luận đóng