Cát đằng cánh
Loài của miền Đông Châu Phi, được gây trồng, nay trở thành cây mọc hoang trong các lùm bụi ở Huế, Đà Lạt và thành phố Hồ Chí Minh. Có nhiều giống trồng với hoa có màu sắc khác nhau.
Cát đằng cánh, Khiên ngưu núi lá có cánh – Thunbergia alata Boj ex Sims, thuộc họ Dây bòng xanh -Thunbergiaceae.
Mô tả: Dây leo nhỏ, sống lâu năm, dài 1-3m. Lá có phiến hình đầu tên, có ít lông, cuống lá có cánh. Hoa mọc đơn độc ở nách lá; đài có 12 răng nhọn; tràng màu vàng nghệ; nhị 4; Quả nang có mỏ to, có lông, hạt tròn.
Bộ phận dùng: Lá – Folium Thunbergiae Alatae.
Nơi sống và thu hái: Loài của miền Đông Châu Phi, được gây trồng, nay trở thành cây mọc hoang trong các lùm bụi ở Huế, Đà Lạt và thành phố Hồ Chí Minh. Có nhiều giống trồng với hoa có màu sắc khác nhau.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Ấn Độ, lá được giã ra dùng đắp trị đau đầu.
Cát đằng thơm
Cát đằng thơm, Uyên hoa thảo – Thunbergia fragrans Roxb, thuộc họ Dây bông xanh – Thunbergiaceae.
Mô tả: Dây leo quấn qua trái, cao 1-2m. Lá xoan, hình ngọn giáo hay thuôn, gốc có khi hình tim, mép nguyên, có răng hay có thuỳ, nhẵn hay có lông, mỏng hay dai, dài 3-10cm, rộng 1-4cm. Hoa trắng, thơm, ở nách lá, đơn độc hay từng đôi. Quả nang nhẵn, có mỏ cao, không lông; hạt tròn, hơi dẹp.
Bộ phận dùng: Rễ – Radix Thunbergiae Fragrantis.
Nơi sống và thu hái: Loài của Ấn Độ, Nam Trung Quốc, các nước Đông Dương, Malaixia, Philippin, Úc châu. Ởnước ta, thường gặp ở nhiều nơi vùng đồng bằng.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Trung Quốc, rễ cây được sử dụng làm thuốc. Có thể dùng như rễ loài Thunbergia lacei Gamble để trị tai điếc, không muốn ăn; dùng riêng bột mịn thổi vào tai trị khí hư tai điếc.
Cát đằng thon
Cát đằng thon – Thunbergia laurifolia Lindl, thuộc họ Dây bông xanh – Thunbergiaceae.
Mô tả: Dây leo cao. Lá không lông có phiến bầu dục thon, gốc tù có khi hơi hình tim, mép có răng thưa, cuống 2 -6cm. Chùm hoa thòng dài tới 40-50cm; hoa to 6-8cm, màu lam đậm với tâm trắng hay vàng, nhị 4. Quả nang cao 5-6cm, rộng 1,5cm.
Bộ phận dùng: Lá – Folium Thunbergiae Laurifoliae.
Nơi sống và thu hái: Loài của Á châu nhiệt đới, phân bố ở Ấn Độ, Việt Nam, Malaixia. Ở nước ta, cũng thường gặp ở rừng vùng thấp Cà Ná, Đà Lạt và Định Quán.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Ấn Độ, dịch lá được dùng khi bị rong kinh và cho vào tai chữa điếc tai, ở Malaixia, lá giã ra dùng đắp vết đứt và nhọt.