Đại Lăng

Tên Huyệt:

Huyệt ở Vị Trí huyệt nhô cao (đại) ở cổ tay, có hình dáng giống gò mả (lăng), vì vậy gọi là Đại Lăng (Trung Y Cương Mục).

Tên Khác:

Quỷ Tâm, Tâm Chủ.

Xuất Xứ:

Thiên ‘Bản Du’ (Linh khu.2).

Đặc Tính:

Huyệt thứ 7 của kinh Tâm Bào.

Huyệt Du, huyệt Nguyên, thuộc hành Thổ, huyệt Tả.

Một trong ‘Thập Tam Quỷ Huyệt’ (Quỷ Tâm) dùng để trị bệnh tâm thần.

Vị Trí huyệt:

Ở ngay trên lằn nếp cổ tay, khe giữa gân cơ gan tay lớn và bé, hoặc gấp các ngón tay vào lòng bàn tay, đầu ngón tay giữa chạm vào lằn chỉ (văn) tay ở đâu, đó là huyệt.

Giải Phẫu:

Dưới da là khe giữa gân cơ gan tay lớn và gân cơ gan tay bé, ở sâu là khe giữa gân cơ gấp dài ngón tay cái và cơ gấp chung ngón tay nông và sâu, khe khớp cổ tay.

Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh giữa và dây thần kinh trụ.

Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C7 hoặc C8.

Tác Dụng:

Thanh Tâm, định thần, lương huyết.

Chủ trị: Trị cổ tay đau, khớp cổ tay viêm, hồi hộp, động kinh, mất ngủ.

Phối Huyệt:

1. Phối Thiên Lịch (Đại trường.6) trị họng tê, mồ hôi trộm (Thiên Kim Phương).

2. Phối Thiếu Phủ (Tm.8) trị ho suyễn (Tư Sinh Kinh)

3. Phối Khích Môn (Tâm bào.4) trị nôn ra máu (Tư Sinh Kinh).

4. Phối Thượng Quản (Nh.13) trị tim đau (Tư Sinh .Kinh).

5. Phối Dũng Tuyền (Th.1) + Hợp Cốc (Đại trường.4) + Nội Quan (Tâm bào.6) + Thập Tuyên + Tứ Hoa trị ngũ tâm phiền nhiệt (Châm Cứu Đại Thành).

6. Phối Xích Trạch (Phế 5) trị hụt hơi, hơi thở ngắn (Châm Cứu Đại Thành).

7. Phối Đản Trung (Nh.17) + Trung Quản (Nh.12) trị ho nghịch lên, ợ hơi (Châm Cứu Đại Thành).

8. Phối Quan Nguyên (Nh.4) trị tiểu đỏ (Châm Cứu Đại Thành).

9. Phối Khúc Trạch (Tâm bào.3) + Nội Quan (Tâm bào.6) trị vùng tim ngực đau nhức (ChâmCứu Đại Thành).

10. Phối A Thị Huyệt + Du Phủ (Th.27) + Đản Trung (Nh.17) + Thiếu Trạch (Tr.1) + Ủy Trung (Bàng quang.40) trị nhũ ung (Châm Cứu Đại Thành).

11. Phối Bách Lao + Thủy Phân (Nh.9) + Ủy Trung (Bàng quang.40) trị trúng nắng (Châm Cứu Đại Thành).

12. Phối Chi Câu (Tam tiêu.6) + Ngoại Quan (Tam tiêu.5) trị bụng đau do bí kết (Ngọc Long Ca).

13. Phối Cự Khuyết (Nh.14) + Đản Trung (Nh.17) + Hạ Quản (Nh.10) + Tâm Du (Bàng quang.15) + Thượng Quản (Nh.13) + Trung Khôi + Trung Quản (Nh.12) + Túc Tam Lý (Vị 36) + Tỳ Du (Bàng quang.20) + Vị Du (Bàng quang.21) trị ngũ ế, ngũ cách (Y Học Cương Mục).

14. Phối Tam Âm Giao (Tỳ 6) + Trung Quản (Nh.12) trị bỉ khối đau tức (Thần Cứu Kinh Luân).

15. Phối Ngoại Quan (Tâm bào.5) + Phế Du (Bàng quang.13) + Thận Du (Bàng quang.23) + Thượng Quản (Nh.13) + Tỳ Du (Bàng quang.20) trị hư lao thổ huyết (Thần Cứu Kinh Luân).

16. Phối Lao Cung (Tâm bào.8) + Khúc Trì (Đại trường.11) + Kiên Trinh (Tiểu trường.9) + Phong Môn (Bàng quang.12) trị phong chẩn lở loét (Châm Cứu Đại Thành).

17. Phối Nội Quan (Tâm bào.6) + Thiếu Phủ (Tm.8) trị mất ngủ, thấp tim (Châm Cứu Đại Thành).

18. Phối Ấn Đường + Bá Hội (Đc.20) + Thái Khê (Th.3) trị mất ngủ (Châm Cứu Đại Thành).

Cách châm Cứu:

Châm thẳng 0, 3 – 0, 5 thốn. Trị khớp xương cổ tay thì châm xiên. Cứu 1-3 tráng – Ôn cứu 3-5 phút.

Tham Khảo:

“Nếu khí loạn ở Tâm, (sinh ra tâm phiền, thích yên tĩnh), thủ huyệt Du của Tâm [Thần Môn) và Tâm Bào [Đại Lăng](Linh khu. 34, 16).

0/50 ratings
Bình luận đóng