ĐẠI CƯƠNG
Can thiệp mạch thần kinh là một loạt các kỹ thuật được tiến hành để xử trí các bệnh lý mạch máu não qua hệ thống các ống thông trên máy chụp mạch số hóa xóa nền (digital subtraction angiography – DSA), mà không cần phẫu thuật mở sọ. Với sự phát triển mạnh mẽ về kỹ thuật, các trang thiết bị phục vụ cho quá trình can thiệp mạch máu não, cùng với các tiến bộ về máy móc cho chẩn đoán hình ảnh. Hiện nay thế giới đã và đang thực hiện được những kỹ thuật trên hệ mạch máu não được đánh giá như những tiến bộ y học.
Nhằm thông tin đến bạn đọc về các kỹ thuật đang được tiến hành trên Thế giới và Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu khái quát về hệ thống trung tâm can thiệp thần kinh, trang thiết bị phục vụ chẩn đoán, can thiệp và một số kỹ thuật chẩn đoán điều trị các bệnh lý mạch máu não. Một trong các kỹ thuật then chốt mang tính chất nền tảng quyết định cho các kỹ thuật can thiệp là chụp động mạch não số hóa xóa nền (digital subtraction angiography – DSA). Chụp DSA là kỹ thuật chụp mạch máu não bằng tia X, với 1 ống thông (catheter) được đưa vào từ động mạch đùi sau đó luồn lên động mạch não, có sử dụng thuốc cản quang tan trong nước. Với hệ thống vi xử lý hình ảnh có thể xóa bỏ các tổ chức xương và não chỉ để lại hệ mạch máu não, dùng để chẩn đoán chính xác các bệnh lý mạch máu não, với độ chính xác cao chụp DSA được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán các bệnh lý mạch máu não.
Kỹ thuật này được Égaz Moniz tên thật là António Caetano de Abreu Freire (Bồ Đào Nha), sinh năm 1874 thực hiện đầu tiên vào năm 1927 tại Viên (Áo).
Các kỹ thuật can thiệp điều trị trong các bệnh lý mạch máu não hiện nay đang được sử dụng gồm: nút phình động mạch não bằng vòng xoắn kim loại (coiling), kỹ thuật đảo chiều dòng chảy bằng stent điều trị phình mạch não khổng lồ, nút dị dạng động – tĩnh mạch (AVM) bằng keo (glue), nút thông động – tĩnh mạch bằng “bóng, vòng xoắn kim loại hoặc keo”, nong và đặt stent điều trị hẹp động mạch não, lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học, nút mạch chọn lọc cho u não có tăng sinh mạch trước phẫu thuật.
Giải phẫu hệ động mạch não và ứng dụng
Sơ lược giải phẫu hệ động mạch não
Động mạch cảnh trong phải có nguyên ủy từ quai động mạch chủ thành động mạch thân cánh tay đầu phải, chia ra động mạch cảnh chung, động mạch cảnh ngoài và động mạch cảnh trong. Động mạch cảnh trong sau khi đi qua đoạn xoang hang phân ra các nhánh chính theo thứ tự: động mạch mắt, động mạch thông sau, động mạch mạch mạc trước, động mạch não trước và động mạch não giữa.
Động mạch cảnh trong trái có cấu tạo tương tự nhưng động mạch cảnh chung xuất phát ngay từ quai động mạch chủ.
Hai động mạch đốt sống đều tách ra từ động mạch dưới đòn của mỗi bên, chui vào lỗ mỏm ngang đốt sống cổ C6 đến C1, vòng ra sau quanh mỏm khớp trên đốt sống cổ C1, sau đó đi lên trên ra phía trước và vào trong chui qua màng đội – chẩm, qua lỗ chẩm lớn vào hộp sọ hợp VỚI động mạch đốt sống bên đối diện tạo thành động mạch nền (động mạch thân nền).
Hai hệ động mạch cảnh trong và đốt sống – thân nền hai bên có sự nối thông tạo nên vòng Willis (đa giác Willis) qua động mạch thông trước và động mạch thông sau.
Quai động mạch chủ sau khi xuất phát từ tim thứ tự chia ra: động mạch thân cánh tay đầu phải, động mạch cảnh chung trái rồi đến động mạch dưới đoàn trái (hình 8.40A).
Ứng dụng
- Chụp hệ động mạch não gồm: chụp hai động mạch cảnh trong và hai động mạch đốt sống, đôi khi cần tiến hành chụp hai động mạch cảnh ngoài. Vị trí đặt catheter để chụp 2 động mạch cảnh trong thường qua chỗ phân chia cảnh trong và cảnh ngoài 1 – 2cm, tránh đặt quá sâu gây co thắt mạch, cũng không đặt quá nông thuốc đi ngược lại động mạch cảnh ngoài gây nhiễu.
+ Thông thường động mạch cảnh chung bên phải ngắn hơn không đáng kể so với bên trái. Sự phân chia của động mạch cảnh chung thường ngang mức đốt sống C3 – C4 nhưng cũng có thể xuất phát từ ngang C2. Thực tế, góc hàm dưới là một điểm mốc hữu ích khi điều khiển catheter trong động mạch cảnh. Hơn 75% bệnh nhân có động mạch cảnh trong nằm ở sau và ra ngoài so với động mạch cảnh ngoài. Điều này có nghĩa là, điều chỉnh góc chụp ra trước và nghiêng sang cùng bên có thể xác định rõ nhất sự phân chia của động mạch cảnh chung.
+ Chụp động mạch đốt sống: catheter đặt tại gốc động mạch, nhiều trường hợp khó khăn do động mạch hẹp hoặc xoắn có thể đặt catheter ở ngay dưới gốc động mạch để chụp, tuy nhiên, hình ảnh không được rõ nét như thông thường. Động mạch đốt sống thường là nhánh đầu tiên của động mạch dưới đòn (hình 8.40). Khoảng 95% số bệnh nhân có động mạch đốt sống trái đi qua lỗ mỏm ngang đốt sống cổ C6. Trong trường hợp động mạch đốt sống bên trái tách ra trực tiếp từ quai động mạch chủ thì động mạch đốt sống lúc này đi vào lỗ mỏm ngang đốt sống C4.
- Việc chụp mạch máu não thông thường có thể được tiến hành mà không cầu kiểm soát quai động mạch chủ. Tuy nhiên, đối với các trường hợp hẹp động mạch hoặc xoắn hoặc các biến đổi giải phẫu (hình 8.40A-P) thì việc chụp quai động mạch chủ rất cần thiết. Một lần chụp quai động mạch chủ thông thường sử dụng 30 đến 50ml thuốc cản quang với một catheter Pigtail, tư thế ghi hình tốt nhất là nghiêng 30 – 40 độ về bên trái và ra trước.
+ Có rất nhiều kiểu bất thường ở quai động mạch chủ được sắp xếp theo thứ tự thường gặp giảm dần từ A đến p (hình 8.40). Những bất thường hay gặp nhất như quai động mạch cảnh dạng sừng bò (bovine arch) (hình 8.40B, C), động mạch đốt sống bên trái tách ra từ quai động mạch chủ (hình 8.40H), động mạch dưới đòn phải tách ra từ quai động mạch chủ (hình 8.40K). Một số thể hiếm gặp quai động mạch chủ có động mạch đối xứng kiểu soi gương với động mạch cảnh chung và động mạch dưới đòn (hình 8.40D)..
+ Các bất thường của động mạch đốt sống phải được mô tả trong (hình 8.45).
Phương tiện và dụng cụ
Phương tiện
Trang bị cho chẩn đoán mạch máu não: máy chụp CT, CTA nhất là chụp cắt lớp đa dãy (MSCT), chụp cộng hưởng từ mạch, máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA), nhất là máy tiên tiến có phần mềm 3D xoay. Thế hệ máy tiến bộ nhất hiện nay là hệ thống máy có phần mềm 3D xoay kết hợp VỚI CT.Scan.
Dụng cụ
Dụng cụ mở vào động mạch (sheath hay introduce), chụp mạch dùng ống thông các loại (catheter) thường chọn loại 5F, 6F. Can thiệp các ống thông dùng chuyên chở ống thông siêu nhỏ hay dụng cụ khác được gọi là guiding catheter hay guide, ống thông siêu nhỏ (microcatheter), dây dẫn đường (guidewire hay wire), dây dẫn đường siêu nhỏ (microguidewire) (hình 8.46).
Dụng cụ nút tắc như vòng xoắn kim loại (coil), keo (glue hoặc histoacryl), bóng (balloon). Có rất nhiều kích cỡ và tên gọi, chủng loại khác nhau tùy theo từng hãng sản xuất và cho từng bệnh lý chuyên biệt. Hỗ trợ kỹ thuật can thiệp đặt coil: stent, bóng không tách rời, lưới lọc động mạch (spider, filter)
Dụng cụ lấy huyết khối: stent solitaire, hệ thống MERCI, Penumbra.
Kỹ thuật chụp động mạch não
Chuẩn bị
Chuẩn bị bệnh nhân
Khám xét toàn diện, đánh giá chính xác tổn thương, giải thích thật rõ cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Thường ít khi xảy ra tai biến trong quá trình chụp mạch. Tuy nhiên, cần giải thích kỹ lợi ích và nguy cơ khi chụp mạch não.
Đánh giá các chức năng của mạch máu ngoại vi, quan sát kỹ tổn thương trên siêu âm Doppler ở động mạch đùi, động mạch chậu có thể sẽ giúp tránh được gây tổn thương các động mạch này khi tiến hành kỹ thuật.
Làm đầy đủ các xét nghiệm: công thức máu, sinh hỏa máu, đông máu toàn bộ, điện tim, X quang phổi trước khi tiến hành kỹ thuật.
Gỡ bỏ toàn bộ đồ trang sức, răng giả trước khi tiến hành kỹ thuật, đặt dịch truyền ở bên tay trái, đặt sonde niệu đạo, vệ sinh vùng tầng sinh môn.
Chuẩn bị dụng cụ, thuốc cản quang
Sử dụng loại catheter mà bạn có nhiều kinh nghiệm và thuận tiện nhất. Kiểm tra tính tương thích của các dụng cụ trước khi đưa vào cơ thể bệnh nhân.
Lựa chọn catheter (ống thông) phù hợp với dụng cụ mở vào động mạch đùi (sheath hoặc introducer), cỡ 4F hoặc 5F thường được sử dụng. Tùy thuộc vào giải phẫu và những bất thường tại gốc các động mạch não, lựa chọn ống thông có định dạng ở đầu ống khác nhau miễn làm sao thuận lợi và an toàn nhất để đưa được ống thông vào động mạch cần chụp. Catheter thường sử dụng nhất là loại ống thông đầu có dạng Mani hoặc Vert (hình 8.47).
– Các thuốc cản quang được đặt tên dựa trên nồng độ iod hữu cơ có chứa trong đó, ví dụ omnipaque 300 chứa 647mg iohexol trong 1ml tương đương với 300mg iod hữu cơ. Người ta chia làm 4 loại thuốc cản quang tiêm tĩnh mạch chính là thuốc đơn phân tử ion hóa, trùng hợp ion hóa, đơn phân tử không ion hóa và các thuốc trùng hợp không ion hóa (bảng 8.6). Các thuốc đơn phân tử ion hóa có tỷ lệ giữa các nguyên tử iod và các phân tử trong dung dịch là 1,5 nên các thuốc này có độ nhiễm độc thẩm thấu rất cao, nhiễm độc hóa chất cũng rất cao; các thuốc trùng hợp ion hóa có tỷ lệ giữa các nguyên tử iod và các phần tử trong dung dịch là 3 nên độ nhiêm độc thẩm thấu thấp hơn loại đơn phân tử ion hóa, độ nhiễm độc hóa chất cũng ít hơn. Hiện nay có nhiều nước sản xuất và bán các loại thuốc khác, trên thị trường Việt Nam hiện nay thông dụng hay dùng các thuốc omipaque 300, xenitec 300, primaray 250 và 300.
Bảng 8.6. Các thuốc cản quang
Cấu trúc | Tên hoạt chất | Dung dịch 300mg iod/ml | |
Độ nhớt (370°C) | Áp suất thẩm thấu | ||
Monome ion hóa | lothalamat | 3 | 1500- 1600 |
Metrizoar Amidotrizoat loxithalamt | 5 | ||
Dime ion hóa | loxaglat | 6 | 600 |
Monome không ion hóa | lohexol lopamidol lopromid Loversol | 6 | 500 – 700 |
Dime không ion hóa | lodixanol lotrolan | 10 | 300 |
+ Liều lượng tùy thuộc vào từng loại thuốc và chức năng thận. Ngưỡng liều tối đa cho phép ở một người uống đủ nước được đa số chấp nhận với loại thuốc cản quang không ion hóa loại 300 (tolerable of 300 nonionic contrast), được tính theo công thức sau
Thể tích thuốc cản quang = {Cân nặng (kg) X k}/creatmin máu (mg/dl)
k = 5 (người lớn), 4 (trẻ em)
Đơn vị quy đổi: pmol/l X 0,011 = mg/dl = mg%.
+ Tổng lượng thuốc cản quang có thể dùng cao hơn nếu thời gian kéo dài trong nhiều giờ, ví dụ như trong một quy trình can thiệp các thuốc cản quang có thể dùng tới 800ml mà không có bất thường, vì các thuốc cản quang được thanh thải ngay sau khi tiêm và có thời gian bán hủy ngắn khoảng 30 phút. Với một bệnh nhân có chức năng thận bình thường, uống đủ nước sau 2 giờ tiêm thuốc cản quang, khoảng một nửa lượng thuốc được dùng sẽ bị đào thải và bán hủy, cho phép bổ sung liều tương đương nửa liều dung nạp tối đa.
+ Về tác dụng không mong muốn, ở thể nhẹ (thấy trong khoảng 3 – 4% các ca tiêm thuốc cản quang tĩnh mạch) bệnh nhân có buồn nôn, ngứa, nổi mẩn nhẹ… có thể tự hết sau một thời gian ngắn. Các tác dụng phụ do các thành phần của thuốc cản quang gây nên: áp lực thẩm thấu, nồng độ iod, chất phụ gia. Thuốc có áp lực thẩm thấu cao, hàm lượng lớn kèm theo tuổi cao và chức năng thận kém càng có nhiều tác dụng phụ. Áp lực thẩm thấu huyết tương ở người bình thường là 282 – 295m0sm/kg nước.
Kỹ thuật chụp mạch máu não
Bước 1: mở đường vào động mạch
Vị trí chọc động mạch đùi phía trên dây chằng bẹn, trên đường giao nhau của đường nối gai chậu trước trên và động mạch đùi (hình 8.48).
Thuận lợi nhất nên chọc động mạch đùi chung bên phải.
– Rạch da tại vị trí chọc động mạch, chọc vào động mạch, luồn Guidewire qua kim, đưa dụng cụ mở động mạch vào lòng mạch theo thứ tự (hình 8.50, 8.51).
Bước 2: điều khiển catheter tới quai động mạch chủ
Bước này thường đơn giản: tay trái đẩy catheter sát introducer, tay phải vừa đẩy vừa điều khiển wire, vừa đi vừa xoay.
Bước 3: điều khiến catheter đến động mạch cần chụp
Sau khi đưa catheter vượt qua quai động mạch chủ, xoay catheter hướng vào các gốc động mạch lớn (gồm: động mạch cánh tay đầu phải, động mạch cảnh chung trái, động mạch dưới đòn trái). Từ đây tiếp tục điều khiển cathater vào các động mạch cần chụp dưới dẫn đường của wire đi trước.
Chú ý: luôn luôn có wire dẫn đường, đi nhẹ nhàng tránh thô bạo, vừa đi vừa xoay. Với bất kỳ sự cản trở nào đều phải dừng lại và chụp kiểm tra tuyệt đối không được cô đẩy gây tai biến.
Bước 4: tiến hành chụp mạch
Chụp từng động mạch một ở các tư thế thẳng, nghiêng, chếch; với mỗi file chụp cần lấy hết 3 thì động mạch, mao mạch, tĩnh mạch.
Bước 5: kết thúc kỹ thuật
Rút catheter, băng ép động mạch đùi, bất động tư thế chân thẳng 8 giờ.
Tai biến, phòng ngừa, xử trí
Đâm xuyên động mạch đùi: dự phòng bằng cách thao tác đúng kỹ thuật, kiểm tra bằng siêu âm Doppler động mạch đùi trước khi chụp.
Thủng mạch trong quá trình luồn catheter: dự phòng bằng cách đi catheter nhẹ nhàng, vừa đi vừa xoay
Xoắn ống thông nguy cơ gây đứt: xử trí đưa wire nhẹ nhàng qua chỗ xoắn.
Máu tụ tại vết chọc động mạch đùi: phải băng ép đủ chặt, bất động chân bên chọc tư thế thẳng 8 giờ, kiểm tra thường xuyên nếu có hiện tượng máu tụ cần băng ép bổ sung.
Một số kỹ thuật can thiệp điều trị
Nút phình động mạch não bằng vòng xoắn kim loại (coiling)
Nguyên lý kỹ thuật: làm đông máu trong lòng phình mạch, giữ nguyên sự lưu thông của động mạch mang túi phình.
Chỉ định
Phình động mạch não vỡ gây chảy máu dưới nhện hoặc chảy máu não.
Phình động mạch não chưa vỡ nhưng có nguy cơ vỡ cao.
Phương pháp tiến hành
Đưa guide catheter qua introduce vào gốc động mạch mang túi phình.
Luồn microcatheter vào lòng phình mạch.
Đặt coil
Nút kín phình mạch trong lòng coil khung, kiểm tra kỹ bằng chụp mạch trước khi cắt coil (hình 8.52).
Dùng các thuốc chống đông và ngăn ngưng kết tiểu cầu sau khi nút kín phình mạch.
Điều trị phẫu thuật kết hợp nếu có tắc lưu thông dịch não tủy hoặc máu tụ chèn ép não.
Kiểm tra định kỳ 3, 6, 12, 36 tháng sau can thiệp đề phòng tái thông.
Tai biến
Vỡ tái phát ngay trước hoặc trong can thiệp.
Tắc mạch.
Thò coil, trôi coil vào động mạch mẹ.
Chảy máu hoặc tụ máu tại nơi chọc động mạch đùi.
Kỹ thuật đảo chiều dòng chảy bằng stent điều trị phình mạch não khổng lồ
Nguyên lý: đặt một stent có mắt lưới kích thước rất nhỏ ngang qua cổ phình mạch làm thay đổi dòng chảy trong lòng phình mạch. Thực chất là làm cho dòng chảy trong phình mạch chậm lại, sau một thời gian hình thành các cục máu đông (emboli), lấp đầy phình mạch.
Chỉ định
Kỹ thuật được chỉ định cho phình động mạch não khổng lồ hoặc phình động mạch não cổ rộng, mà không thể nút vòng xoắn kim loại hay phẫu thuật.
Phương pháp tiến hành
Luồn ống thông siêu nhỏ qua guide catheter, đặt chính xác qua cổ phình mạch, sau đó đặt một stent chuyên dụng ngang qua cổ phình mạch, không cần đặt vòng xoắn kim loại vào lòng phình mạch, sau 3 tháng phình mạch tự đông máu.
Nhược điểm
Giá thành rất cao 10.000USD cho một stent, tỷ lệ thành công thấp.
Kỹ thuật can thiệp nút dị dạng động – tĩnh mạch (AVM) bằng keo
Nguyên lý kỹ thuật: keo sinh học (glue), với loại keo đông cứng chậm, khi bơm keo vào trong ổ dị dạng (nidus), keo tràn khắp các ngóc ngách (shunt) trong ổ dị dạng (nơi đây chính là các đường thông giữa động mạch và tĩnh mạch), sau khi đông cứng gây ngăn cách động mạch và tĩnh mạch xóa bỏ ổ dị dạng. Trường hợp sử dụng keo đông cứng nhanh thì ngay sau khi bơm ra khỏi ống thông keo đông cứng ngay lập tức làm tắc động mạch nuôi ổ dị dạng, không cho dòng máu đi sang tĩnh mạch qua các shunt.
Chỉ định
Dị dạng động tĩnh – mạch vỡ gây chảy máu não hoặc chảy máu dưới nhện.
Dị dạng động – tĩnh mạch chưa vỡ nhưng có nguy cơ vỡ cao.
Phương pháp tiến hành
Với loại keo đông cứng chậm thường sử dụng có tên ONYX. Đựa microcatheter qua guiding cahteter vào trung tâm ổ dị dạng, bơm tráng đầy vi ống thông bằng dung dịch đi kèm (DMSO) sau đó bơm từ từ ONYX đã được lắc kỹ qua ống thông làm đầy ổ dị dạng. Chú ý tốc độ bơm chậm 0,3ml/phút, thời gian dừng bơm để kiểm tra không quá 2 phút.
Với loại keo đông cứng nhanh hystoacryl (chỉ sử dụng cho AVM nhỏ và chỉ có 1 động mạch nuôi): các bước tiến hành như trên nhưng microcatheter thường đặt ở tiểu động mạch, tiến hành bơm hystoacryl trộn lẫn với lipiodon theo tỷ lệ (thường hay dùng tỷ lệ trộn 50/50). Ngay sau khi bơm rút thật nhanh microcatheter ra ngoài.
Tai biến, xử trí
Chảy máu não: dự phòng bằng cách không nút tắc tĩnh mạch dẫn lưu. Nếu chảy máu nút kín ổ dị dạng càng nhanh càng tốt, phẫu thuật nếu cần thiết.
Dính đầu ống thông với khối keo: dự phòng bằng cách không để keo trào ngược, rút nhanh ống thông sau khi kết thúc, dùng các ống thông có thể đứt đoạn ở phần đầu khi bị dính.
Kỹ thuật can thiệp nút thông động tĩnh – mạch bằng bóng, coils, keo
Nguyên lý kỹ thuật: dùng bóng, vòng xoắn kim loại hoặc keo tạo nên vật tắc để ngăn chặn dòng máu từ động mạch đổ sang tĩnh mạch trong não.
Chỉ định
Bất kỳ một thông động – tĩnh mạch nào đều được chỉ định đóng luồng thông
Phương pháp tiến hành
Chụp DSA, cần bộc lộ nguồn nuôi, xoang thông, tĩnh mạch dẫn lưu.
Tùy vào tính chất tổn thương mà lựa chọn vật liệu tắc bằng bóng, coils hay keo.
Bóng thường được sử dụng để đóng lỗ thông trong thông động mạch cảnh xoang hang: bóng tách rời được gắn với một ống thông đưa qua lỗ thông, sau đó bơm căng bóng bằng dung dịch natriclorua 0,9% vô trùng có pha thuốc cản quang theo tỷ lệ (thường 50/50). Khi chắc chắn luồng thông được bịt kín thì rút ống thông, để lại bóng, có thể đưa nhiều quả bóng cho 1 bệnh nhân.
Vòng xoắn kim loại hoặc keo: thường được dùng trong can thiệp nút thông động tĩnh mạch các thể còn lại. Sau khi chụp mạch đưa microcatheter vào đáy xoang thông (có thể đi đường động mạch hoặc đường tĩnh mạch nếu thấy thuận lợi), nút một vòng xoắn kim loại làm khung rồi lấp đầy xoang thông bằng các vòng xoắn tiếp theo hoặc bơm keo lấp đầy tổn thương.
Tai biến chính chủ yếu là tắc mạch.
Can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học điều trị nhồi máu não
Nguyên lý kỹ thuật: các mạch máu lớn (động mạch cảnh trong, đoạn M1 của động mạch não giữa và động mạch thân nền) khi bị tắc việc dùng các thuốc tiêu huyết khối bằng đường tĩnh mạch thường không mang lại hiệu quả. Vì vậy, cần can thiệp để lấy cục máu đông bằng các dụng cụ khác nhau.
Chỉ định
Tắc mạch lớn gồm động mạch cảnh trong, đoạn M1 của động mạch não giữa, động mạch thân nền.
Thời gian từ khi khởi phát đến khi can thiệp < 6 giờ.
Tình trạng bệnh nhân cho phép can thiệp.
Nếu quá 6 giờ mà vùng thiếu máu (penumbra) vẫn còn lớn hơn vùng hoại tử thì phẫu thuật viên cân nhắc.
Phương pháp tiến hành
Lựa chọn hệ thống lấy huyết khối mà phẫu thuật viên thành thạọ nhất gồm: stent solitaire, hệ thống MERCI, hệ thống hút huyết khối Lấy huyết khối bằng stent solitaire được nhiều người ưa dùng do: dễ làm, hiệu quả cao.
Lấy huyết khối bằng stent solitaire: đưa microcatheter (loại 7F) qua guide có gắn bóng ở đầu vượt qua đoạn động mạch tắc, chụp kiểm tra, sau khi chắc chắn ống thông đã vượt qua đoạn tắc. Bước tiếp đưa solitaire lên đầu ống thông chuẩn bị triển khai, tiếp theo triển khai stent, chờ 5-10 phút cho cục máu liên kết với solitaire. Cuối cùng nong bóng ở guide sau đó từ từ rút toàn bộ ống thông và stent ra ngoài dùng bơm tiêm 20ml hút hết máu đọng và các mảnh vụn của cục máu đông bị vỡ ra ngoài qua guidecathater và kết thúc, có thể làm lặp lại nếu mạch máu chưa thông.
Can thiệp nong và đặt stent điều trị hẹp động mạch não
Nguyên lý kỹ thuật: dùng bóng nong rộng động mạch bị hẹp, sau đó dùng giá đỡ (stent) đặt vào vị trí hẹp để tránh cho động mạch hẹp trở lại. Hiện nay phương pháp này áp dụng chủ yêu cho hẹp động mạch não đoạn ngoài sọ.
Chỉ định
Hẹp trên 75% động mạch không kèm theo triệu chứng thần kinh.
Hẹp trên 50% kèm theo triệu chứng thần kinh.
Phương pháp tiến hành
Đặt lưới lọc động mạch bằng spider hay filter trên đoạn hẹp tối thiểu 3cm.
Đưa bóng vào trung tâm đoạn hẹp, dùng cán lưới lọc làm dây dẫn đường, nong động mạch bằng bóng với dung dịch natriclorua 0,9% vô trùng có pha thuốc cản quang theo tỷ lệ (thường 50/50).
Triển khai stent: đưa stent vào vị trí hẹp triển khai stent, yêu cầu stent phải vượt qua tối thiểu 3mm ờ mỗi đầu đoạn hẹp (thường là 5mm).
Thu lưới lọc, kết thúc kỹ thuật.
Tai biến
Tắc mạch, chảy máu, tụ máu động mạch đùi.