Dù là một căn phòng hoặc một góc phòng dành riêng cho Bé, cũng đều cần phải chuẩn bị. Nếu bạn có ý định quét sơn tường hoặc trang hoàng phòng, nên làm trước để có thời gian khô, vì hơi sơn cũng là một hóa chất độc đối với sức khỏe của Bé.
Tuy còn đang ở thời kỳ bế ẩm, nhưng tới một ngày rất gần đây, Bé sẽ đến lúc tập bò, tập đi. Do đó, những đồ đạc trong phòng không nên có nhiều góc cạnh. Tường, màn che cửa phải chắc chắn, sạch. Sau đây là một vài điều gợi ý :
Tường
Những kiểu tường có dán giấy, nên dán cao trên lm. Vì các cháu sẽ phát hiện rất nhanh là tường có thể bóc hoặc vẽ lên được.
MẦU – Tường nên có mầu sắc dịu, không nên trang trí nhiều tranh sặc sỡ làm mỏi mắt các cháu bé. Những mầu nổi có thể dùng cho những màn che cửa.
MÀN CHE CỬA – Nên dùng vải màn dày để che bớt được ánh sáng khi các cháu bé đang ngủ.
ĐỒ ĐẠC – Trong phòng trẻ thường có một tủ có ngăn kéo để đựng quần áo; một cái bàn. Nên chú ý, khi bạn thay tã lót cho trẻ em trên mặt bàn, không bao giờ được rời tay khỏi Bé, để tránh tai nạn Bé rơi từ trên bàn xuống đất.
Góc phòng cho Bé
Bạn có thể dành cho Bé một góc phòng tĩnh mịch, có cái ngăn, che chắn chỗ Bé ngủ với phần còn lại của căn phòng. Như vậy Bé sẽ được ngủ yên với giấc ngủ ngon lành hơn.
GIƯỜNG CỦA BÉ – Nếu bạn phải chọn lựa hoặc mua một cái nôi hoặc mua một cái giường nhỏ cho Bé thì nên mua giường. Cái nôi thường dài – rộng 90 cm X 40 cm, Bé chỉ nằm vừa trong vài tháng. Còn cái giường nhỏ dài khoảng 1,20 m hay 1,40 m, rộng 60 – 70 cm bằng gỗ hay bằng mây có thể dùng cho tới khi Bé 2 tuổi.
Tuy vậy, nếu có người trong họ hàng hay bạn bè cho mượn nôi, bạn không nên từ chối vì cái nôi cũng có đặc điểm là có thể đu đưa để ru Bé ngủ, và trẻ em nào cũng dễ ngủ theo nhịp đu đưa.
Ngoài nôi và giường gỗ bạn có thể mua loại giường vải căng trên khung kim loại. Tuy không được bền, nhưng dễ tháo, lau chùi và giặt. Dù là loại giường nào, cũng nên chọn theo những tiêu chuẩn sau đây :
- Dễ lau chùi nếu bằng gỗ và dễ tháo để giặt, nếu có những bộ phận bằng vải.
- Chắc chắn, các chân giường phải cân đối để không bị đổ nhào. Nếu là một giường gỗ, nên có thành vịn và chấn song để Bé nằm, ngồi hay đứng ở bên trong cũng nhìn thấy mọi vật quanh giường.
ĐỒ ĐẠC TRONG GIƯỜNG
- Đệm – Nếu muốn cho Bé nằm đệm, tiện nhất là mua một đệm bằng mút, bọc một lớp vải không thấm nước rồi trải khăn giường bằng vải bông lên trên.
- Gối – Nếu bạn cho Bé nằm sấp, hoặc Bé có thói quen hay xu hướng nằm sấp, thì không nên cho Bé nằm gối. Gối dày và mềm rất nguy hiểm vì trẻ em nằm sấp, úp mặt vào gối có thể bị ngạt thở trong khi đang ngủ mà người lớn không hề hay biết.
- Chăn, mền – Mùa đông, nên đắp chăn len cho cháu bé. Một chiếc chăn len tốt, nhẹ cũng đủ ấm. Không nên đắp nhiều chăn cho Bé quá, vừa nặng vừa làm các cháu khó thở. Không nên dùng các loại chai chườm nước nóng cho các cháu nhỏ. Kinh nghiệm cho biết, nhiều trẻ em bị bỏng vì cách chườm này.
Trẻ đã lớn hay cởi áo lúc ngủ, nên mặc thêm một áo rộng cho cháu ra ngoài bộ quần áo ngủ hoặc may cho cháu một cái túi ngủ (1 loại bao lớn có thể lọt cả người vào trong), về mùa hè, nên chú ý cho các cháu ngủ trong màn.
Một căn phòng lành mạnh
Một căn phòng lành mạnh trước hết phải sạch sẽ. Sau đó, phải loại bỏ được các nguyên nhân có thể gây ra những bệnh tật cho trẻ em.
- Phòng bé ngủ có nên có động vật nuôi trong nhà không ? Chúng ta nên biết rằng chó có thể truyền bệnh giun, sán vì rất nhiều chó có giun sán. Ngoài ra còn có các loại bọ chó ở lông của chúng nữa. MÈO có thể gây bệnh do vết cào và phân mèo. Những loài chim, vẹt cũng có bọ. Những vết chích của ruồi, muỗi gây ngứa gãi, nhiễm trùng và sốt. Các loại lông động vật đều có thể làm trẻ em bị dị ứng, đặc biệt có một số các cháu rất dễ bị dị ứng.
Bởi vậy, nhất thiết không nên để các động vật nuôi trong nhà như chó, mèo, chim cảnh ở trong phòng trẻ em, nhất là đối với các cháu còn nằm nôi.
- Người. Người lớn và trẻ em bị ho, cúm hoặc bất kỳ một bệnh truyền nhiễm nào khác, nếu lại gần Bé, đều có thể truyền bệnh cho Bé. Xoang và những hốc mũi đều là những nơi trú ẩn của vi trùng. Bởi vậy, người đang bị ho khi tới gần Bé cần phải đeo một miếng gạc che mũi và miệng (khẩu trang) vì chỉ cần người bệnh nói, ho hoặc xì mũi là Bé đã có thể bị lây rồi.
- Đồ vật – Một cuốn sách cũ, một đồ chơi của anh hay chị đã bị ôm để gần Bé đều có hại vì Bé có thể quơ tay tới rồi sau đó, đưa các ngón tay vào miệng mà cuốn sách, và đồ chơi đó chắc chắn có rất nhiều bụi và vi trùng.
Dù cơ thể con người có hệ thống chống lại sự tấn công của các vi trùng, nhưng phải có thời gian để hệ thống này có thể hoạt động được một cách hữu hiệu. Trẻ càng nhỏ thì hệ thống này càng yếu. Trong số các vi trùng đáng ngại nhất đối với trẻ sơ sinh thì staphylocoque là loại đáng gờm nhất. Bởi vậy, người có mụn nhọt không được tới gần hoặc tiếp xúc với các cháu mới sinh.
MỘT CĂN PHÒNG LÀNH MẠNH còn cần phải :
- Yên tĩnh – Những tiếng động làm các cháu nhỏ khó chịu, nên cần vặn nhỏ âm thanh rađi ô và tivi.
- Thoáng khí – Nhiệt độ trong phòng vào khoảng 20°c là vừa. Nếu không khí khô quá, bạn có thể để một chậu nước ở trong phòng để có độ ẩm vừa phải.
- Không có khói thuốc – Người lớn không được hút thuốc trong phòng trẻ em. Chúng ta nên nhớ rằng hai lá phổi rất “mới” của các cháu còn yếu và rất nhạy cảm, dễ nhiễm độc vì các chất độc có trong khói thuốc lá. Nếu bạn cần hút, hãy hút ở một nơi kín không ảnh hưởng tới các cháu.
- Có cần phải mở cửa sổ ban đêm không ? – Mùa nóng nếu Bé nằm với nhiều các anh chị, nếu phòng hẹp, trần thấp thì nên mở cửa sổ, nhưng không nên để gió thổi trực tiếp vào các cháu. Giữa giường nằm và cửa sổ nên có màn che cửa sổ, cái ngăn gió. Cũng không cần mở rộng cửa sổ, mà chỉ mở hé, đủ để có chỗ cho không khí lưu thông.
– Không nên mở cửa sổ vào mùa đông, khi trời đang có sương mù, hoặc nếu phòng ở dưới cùng, sát mặt đường (tầng trệt, mặt tiền), vì phòng bị ảnh hưởng nhiều của khói xe cộ.