Là tình trạng viêm ruột non hoại tử cấp tính ở trẻ lớn do Clostridium perfringens gây ra.

CHẨN ĐOÁN

Lâm sàng

Tuổi hay gặp: 6-8 tuổi

  • Tiền sử có yếu tố nguy cơ cao: một bữa ăn đặc biệt như khoai lang sống hoặc quá nhiều đạm sau một chế độ ăn thiếu đạm kéo dài.
  • Đau bụng đột ngột.
  • Sốt cao 39-40°C.
  • Nôn: lúc đầu ra thức ăn sau ra dịch xanh hoặc vàng.
  • Phân lỏng có lẫn máu thối khẳn.
  • Bụng chướng.
  • Giai đoạn muộn có biểu hiện viêm phúc mạc: gỡ đục vùng thấp, có cảm ứng phúc mạc, chọc dò màng bụng có nhiều dịch vàng đục.
  • Có thể có biểu hiện sốc: nổi vân tím, mach nhanh, huyết áp hạ, thiểu niệu.

Xét nghiệm

  • Xquang: nhiều mức nước hơi, các quai ruột non giãn với hình đèn xếp khoảng cách giữa các quai ruột dày.
  • Điện giải đồ: natri thấp.
  • Các xét nghiệm cần làm: công thức máu, máu chảy máu đông, Hb, hematocrit điện giải đồ, protid máu.

ĐIỀU TRỊ

Điều trị nội khoa.

Chỉ định cho các trường hợp chưa có viêm phúc mạc.

  • Cho bệnh nhân nhịn ăn, đặt sonde dạ dày lưu.
  • Truyền dịch và bồi phụ nước điện giải theo nhu cầu và theo kết quả xét nghiệm.
  • Kháng sinh: chống vi khuẩn Gram âm và vi khuẩn yếm khí (cephalosporin thế hệ thứ 3 + metronidazol).
  • Theo dõi diễn biến toàn thân và tình trạng bụng để tiếp tục điều trị nội hoặc chỉ định phẫu thuật nếu có viêm phúc mạc.
  • Nếu có sốc phải điều trị chống sốc:

+ Trong giờ đầu truyền dung dịch natri clorua 9%0 với tốc độ 60ml/1kg cân nặng.

+ Trong các giờ tiếp theo cần truyền dung dịch với số lượng 15ml ± 4,5ml/1kg cân nặng bao gồm 1/3 là dung dịch NaCl 9%0, 1/3 là dung dịch glucose 5% và 1/3 là plasma tươi (20ml/1kg cân nặng) hoặc dextran 70 (10-15ml/1kg cân nặng). Tốc độ truyền dịch và số lượng dịch truyền điều chỉnh theo áp lực tĩnh mạch trung tâm.

Cho dopamin nếu đã bồi phụ đủ dịch và điện giải nhưng bệnh nhân vẫn không thoát sốc.

Điều trị ngoại khoa

Chỉ định mổ

Viêm phúc mạc.

Chuẩn bị trước mổ

Chống sốc cho đến khi các chỉ số huyết động ổn định, bài niệu tốt nếu có sốc. Nếu không có sốc cần bồi phụ nước và điện giải trong khoảng 4 giờ.

Kỹ thuật mổ

Mở bụng đường giữa trên rốn. Đưa ruột ra ngoài ổ bụng kiểm tra đánh giá tình trạng tổn thương. Làm xẹp ruột, mổ thông dạ dày, nếu ruột non viêm nhưng chưa hoại tử, cắt đoạn hoại tử đưa hai đầu ruột ra ngọài nếu ruột đã hoại tử. Rửa ổ bụng bằng nước muối sinh lý, dẫn lưu Douglas.

Chăm sóc và theo dõi sau mổ

  • Kháng sinh: chống kỵ khí và Gram âm.
  • Kiểm tra điện giải đồ, hematocrit, Hb.
  • Tiếp tục chống sốc nếu có.
  • Nuôi dưỡng tĩnh mạch và truyền dịch:

+ Lượng dịch: 154ml/1kg cân nặng /24 giờ.

+ Lượng muối: 1 gam/1kg cân nặng /24 giờ:

+ Lượng kali: 3mEq/kg/24 giờ.

+ Lượng glucose: 12 gam/kg/1kg cân nặng /24 giờ.

+ Truyền thêm dung dịch đạm và mỡ để có thể đạt được khoảng 80-100Kcal/lkg cân nặng trong 24 giờ.

  • Đóng dẫn lưu ruột sau 8 ngày nếu dẫn lưu gần góc Treitz, sau 3 tháng nếu dẫn lưu cách xa góc Treitz.

Biến chứng và cách giải quyết

  • Suy kiệt: nuôi dưỡng tĩnh mạch tăng cường, đóng sớm dẫn lưu ruột.
  • Ruột tiếp tục hoạt tử: mổ lại.
0/50 ratings
Bình luận đóng