Định nghĩa

Bệnh do virus, rất lây và lành tính; có ban khác tuổi cùng có mặt ở da.

Căn nguyên

Virus gây bệnh là virus thuỷ đậu và virus zona có tên là Varicella-Zoster hay Varicella- Zona Virus (VZV) hay Herpes virus varicellae. Thuỷ đậu là sơ nhiễm còn zona là virus tiềm tàng được tái hoạt. Sau khi khỏi thuỷ đậu về lâm sàng, virus di chuyển dọc theo các sợi dây thần kinh cảm giác và nằm yên lặng trong các hạch thần kinh. Tại đó, chúng có thể được hoạt hoá trở lại sau nhiều năm và gây zona.

Virus tấn công lớp gai của da, gây thoái hoá hốíc các tế bào và tạo thành các thể vùi trong nhân.

Dịch tễ học

Bệnh thuỷ đậu rất lây và phần lớn người trưởng thành đã từng bị mắc. Một nửa số trường hợp được thấy ở trẻ từ 5 đến 9 tuổi. Các vụ dịch xảy ra vào mùa đông và mùa xuân. Miễn dịch bền vững. Nguồn chứa virus là người. Bệnh lây trực tiếp do hít phải các giọt nước mũi, nước bọt người bị nhiễm. Người mang virus lây từ 24 giờ trước khi mọc mụn nước cho đến khi các mụn cuối cùng đóng vẩy.

Đôi khi virus được truyền từ người mắc bệnh zona.

Thuỷ đậu nặng ở người bị suy giảm miễn dịch, nhất là ở người dùng corticoid dài ngày hoặc dùng hoá trị liệu chống ung thư, ở người bị leucemi hay bị AIDS.

Triệu chứng

Ủ BỆNH: 14-21 ngày

XÂM LẤN: các tiền triệu thường thấy là sốt vừa phải, nhức đầu, mệt mỏi, viêm mũi.

NGOẠI BAN: 24-36 giờ sau, ở da nổi mẩn. Thoạt tiên là ban sần rồi 24- 48 giờ sau thành các mụn nước điển hình trên nền đỏ. Thể nhẹ có ban nổi ở thân mình. Ban có thể toàn thân và có ở các niêm mạc (nội ban). Các mụn nước chứa dịch vàng nhạt, đục dần. Các mụn nước khô đi sau 2-3 ngày, vẩy bong vào ngày thứ 5, không để lại sẹo trừ trường hợp gãi. Do ban nổi từng đợt kế tiếp nhau nên ở da có các ban tuổi khác nhau (dấu hiệu điển hình). Ban hết sau 6-8 ngày.

THUỶ ĐẬU BẨM SINH (rất hiếm): là hậu quả của việc người mẹ bị mắc thuỷ đậu trong 6 tháng đầu của thai kỳ. Trẻ có những tổn thương ở da, các chi bị thiểu sản, viêm hắc- võng mạc và bị đục nhân mắt.

THUỶ ĐẬU Ở NGUỜI LỚN: tiền triệu rất rõ. ít có khả năng xảy ra viêm phổi và viêm não ở người có khả năng miễn dịch. Nếu có thai thì nguy cơ bị viêm phổi tăng (5-10% số trường hợp).

NGƯỜI BỊ SUY GIẢM MIỄN DỊCH: khi miễn dịch tế bào không có hiệu quả thì sự nhân lên của virus sẽ diễn ra không gián đoạn và gây ra sơ nhiễm lan toả nặng, có tổn thương xuất huyết và nguy cơ bị các biến chứng.

Xét nghiệm cận lâm sàng

Chẩn đoán thuỷ đậu chủ yếu dựa vào lâm sàng. Quan sát dưới kính hiển vi tiêu bản nhuộm Giemsa các tế bào biểu mô lấy ở chỗ tổn thương thấy có các thể vùi trong nhân. Có thể nuôi cấy virus trong nguyên bào tạo sợi (fibroblast) từ dịch lấy từ mụn nước. Chẩn đoán được xác định bởi sự có mặt các kháng nguyên đặc hiệu IgM kể từ ngày thứ 7 sau khi nổi ban. Các kháng thể IgM và IgG tồn tại 3 năm sau khi phát ban.

Chẩn đoán

  1. Chưa bị mắc thuỷ đậu trước đó.
  2. Có khả năng bị lây 2-3 ngày trước.
  3. Triệu chứng toàn thân kín đáo xuất hiện ngay trước hay đồng thời với ban.
  4. Có ban khác tuổi song song tồn tại.
  5. Giảm bạch cầu.

Biến chứng (hiếm gặp):

  1. Các mụn nước bị bội nhiễm (do gãi) tụ cầu khuẩn (mưng mủ da) hay liên cầu khuẩn (chốc lỏ, mụn nhọt).
  2. Viêm cầu thận cấp (liên cầu).
  3. Viêm phổi, viêm não, viêm gan, viêm tuỵ và đông máu nội mạch rải rác ở người bị suy giảm miễn dịch.
  4. Ban xuất huyết giảm tiểu cầu.
  5. Nhiễm khuẩn huyết do liên cầu hay do tụ cầu.
  6. Bệnh thuỷ đậu nặng ở trẻ con dùng thuốc ức chế miễn dịch hay dùng corticoid dài ngày.
  7. Viêm não sau nhiễm khuẩn (rất hiếm).

Tiên lượng

Bệnh thuỷ đậu thường nhẹ ở trẻ con nhưng cũng có thể nặng trong trường hợp có biến chứng và ở bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch cũng như ở người lớn.

Điều trị

Thể chung (người có miễn dịch): nghỉ ngơi tại giường trong thời kỳ có sốt. Rắc phấn lên chỗ tổn thương, tránh gãi vì có thể để lại sẹo vĩnh viễn (cắt móng tay, đeo găng tay). Kháng sinh nếu có bội nhiễm vi khuẩn. Với trẻ dưới 5 tuổi, dùng aciclovir liều 20 mg/kg. 6 giờ một lần theo đường uống trong 5-7 ngày. Tránh dùng acid acetylsalicylic ở trẻ con do nguy cơ bị hội chứng Reye.

Thể nặng (người bị suy giảm miễn dịch): aciclovir theo đường tĩnh mạch liều 10-12,5 mg/kg, 8 giờ một lần trong 1 tuần (điều chỉnh liều nếu bị suy thận). Điều chỉnh rối loạn nước và điện giải.

Phòng bệnh

  1. Các globulin miễn dịch đặc hiệu kháng thuỷ đậu-zona (VZIG) được sử dụng trong:
  2. Phòng ngừa thuỷ đậu ở người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai chưa có miễn dịch, trẻ sơ  sinh có nguy cơ bị mắc.
  3. Điều trị thuỷ đậu nặng hay có biến chứng, ở người bị suy giảm miễn dịch hay đang dùng corticoid, phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh.
  4. Người bị suy giảm miễn dịch cần phải tránh mắc bệnh. Chỉ được dùng vaccin thuỷ đậu sống để phòng bệnh cho trẻ có nguy cơ, nhất là trường hợp bị mắc bệnh máu ác tính hay bị khối u rắn.
  5. Phải nghỉ học.
0/50 ratings
Bình luận đóng