Bệnh Loét sâu quảng (Tropical Phagedena) còn gọi là bệnh Loét chân nhiệt đới hay Loét sâu quảng nhiệt đới. Đó là bệnh Loét chân ở bệnh nhân không có tiền căn hệ động tĩnh mạch, có đặc điểm diễn tiến theo 2 thời kỳ:

Cấp tính: Loét chân lan rộng rất nhanh chóng.

Mạn tính: Nếu không chữa trị kịp thời bệnh sẽ kéo dài năm này sang năm khác, trong lúc đó sự lở loét không bao giờ thuyên giảm, có thể trở thành ác tính.

NGUYÊN NHÂN

Có nhiều yếu tố:

Môi trường

Vùng nhiệt đới, vùng khí hậu nóng, ẩm ướt. Loét chân thường gặp ở vùng phù sa, ít gặp ở vùng rừng núi và thường xảy ra vào mùa mưa nhất là những người làm việc suốt ngày ngâm chân dưới đất bùn.

Điều kiện vệ sinh

Loét chân thường xảy ra ở người đi chân không, quần ngắn trên đầu gối và thiếu vệ sinh thân thể hàng ngày.

Ngõ vào của vi khuẩn

Vi khuẩn xâm nhập do trầy sướt, chấn thương hoặc viêm da mủ. 95% trường hợp loét đều ở cẳng chân, nơi mà mọi chấn thương có thể xảy ra. Loét sâu quảng thường là biến chứng của các vết thương dập (contusion), và vết thương do vật bén như dao cắt thì ít bị.

Yếu tố dinh dưỡng

Thiếu chất đạm: Do ăn uống thiếu thốn, thức ăn chỉ chứa bột, đường.

Thiếu sinh tố C và A.

Chức năng vi khuẩn

Có thể thấy hỗn hợp vi khuẩn hình thoi Bacteroides fusiformis với xoắn khuẩn Borrella cộng thêm vi khuẩn sinh mủ và vi khuẩn kỵ khí.

TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG

Giai đoạn cấp

Khởi đầu vết loét trầy, lở da do chấn thương hay côn trùng đốt, phần lớn vết thương nằm ở 1/3 dưới cẳng chân hoặc bàn chân, số lượng thương tổn thường là một tuy không hiếm trường hợp có nhiều thương tổn. Ban đầu nổi lên một số sẩn viêm, dần dần biến thành mụn nước hoặc mụn mủ, chung quanh có một vùng đỏ. Mụn mủ dập và hoại tử các mô. Từ đó xuất hiện nhanh chóng một sự lở loét ăn rộng và sâu, bề mặt có thể đóng mài dày, hoặc có màng giả. Trong trường hợp điển hình, vết loét có hình tròn giới hạn bởi một bờ, có viền cứng và thường tróc (underminde), chung quanh chỗ loét là vùng phù cục bộ, có thể có chất nước nhờn màu hơi đỏ.

Sau nhiều cơn bộc phát, Loét sâu quảng có thể làm hoại tử các tế bào để lộ ra các gân và có mùi hôi thối.

Giai đoạn mạn tính

Theo thời gian, loét sẽ ăn rộng ra, bờ rõ, rất cứng, chung quanh da có màu nâu sậm và cứng giống như trong bệnh Cứng da. Đáy sạch và nổi lên nhiều u nhú giả như ung thư. Hy vọng lành bệnh rất ít.

DIỄN TIẾN

Bệnh không có khuynh hướng lành một cách tự nhiên. Giai đoạn mạn tính bệnh tiến triển chậm, lan rộng từ từ, ở giữa chỗ loét có nhiều u nhú rất dễ chảy máu, vì thế một sự va chạm hay chấn thương nhẹ cũng có thể làm cho loét thêm.

BIẾN CHỨNG

Thương tổn xương khớp

Nhìn thấy trên phim X-quang sau nhiều năm tiến triển.

Viêm vỏ xương: X-quang cho thấy hình dạng răng cưa nằm ở gần chỗ loét. Sau nhiều năm xương sẽ bị biến dạng, thân xương to, bờ mờ có nhiều u.

Viêm khớp xương: Khớp cổ chân bị cứng, ít đau và không bao giờ hồi phục được. Cuối cùng bệnh nhân đi chân vẹo.

Viêm dây chằng liên xương

Hóa ác

Tất cả những Loét chân lâu năm đều có thể hóa ác, thường là một Ung thư biểu mô tế bào gai. Nghi hóa ác trong trường hợp sau:

Khi thấy trên chỗ loét mọc lên nhiều mảng thịt cứng, dễ chảy máu.

Bờ vết loét to dần, cứng, dễ chảy máu.

Trên phim X-quang thấy vỏ xương bị gãy.

Có hạch phụ cận. Di căn vào nội tạng rất hiếm. Sự hóa ác có thể xảy ra trên một bệnh nhân trẻ 30-45 tuổi. Nếu nghi hóa ác, phải sinh thiết và chữatrị bằng phẫu thuật.

CHẨN ĐOÁN

Chẩn đoán xác định dựa trên

Loét chân sau một chấn thương hoặc côn trùng đốt ở người suy dinh dưỡng, điều kiện vệ sinh kém.

Loét lan rộng một cách nhanh chóng.

Loét sâu, bờ tróc, đáy nhiều dịch tiết vàng hơi đỏ (Serosanguinous contents) và mùi hôi thối (Foul-smelling ulcer).

Chẩn đoán phân biệt

Loét chân nhiễm khuẩn

  • Nhiễm khuẩn cấp tính:

Các vết loét thường bị bội nhiễm sưng đau và có mủ nhưng lành bệnh mau khi điều trị chống vi khuẩn.

  • Nhiễm khuẩn mạn tính:

Loét do ghẻ cóc: Do xoắn khuẩn Treponema pertenue, thường gặp ở miền Trung nước ta, loét u nhú và xương quyển cong như lưỡi gươm. Phản ứng huyết thanh Giang mai thường dương tính.

Loét do Giang mai: Là thương tổn gôm dẫn đến loét, thuộc thời kỳ thứ ba. Không có hạch. Phản ứng huyết thanh thường dương tính.

Loét lao: Một vết loét có viền bờ đỏ tím, bờ tróc, nhiều lỗ dò. Phản ứng lao tố dương tính.

Loét chân do bệnh Phong (lỗ đáo) ở các điểm tựa của bàn chân, ngón cái và gót. Bệnh nhân mất cảm giác bàn chân và dây thần kinh to.

Loét do mạch máu

Thường là do dãn tĩnh mạch, khởi sự từ một chấn thương làm đứt mạch nông.vết loét có bờ hình đa cung, do nhiều vết loét nhỏ gộp lại, đáy đỏ sạch láng.

Loét chân do động mạch ít gặp. Những triệu chứng của viêm tắc nghẽn động mạch là bắt mạch không nhảy. Đầu chi lạnh và xanh.

Loét nhân tạo

Do đắp lá cây, đắp thuốc hoặc do những người cố ý tạo vết thương bằng những dụng cụ sắc bén để đòi tiền bảo hiểm xã hội hay trốn nghĩa vụ quân sự. Loét sạch có bờ sắc cạnh hay đường thẳng.

ĐIỀU TRỊ

Phải nghỉ ngơi trên giường, bớt đi lại.

Điều Trị Bằng Thuốc

  • Tại chỗ

Nhỏ giọt liên tục lên vết thương bằng nước Dakin, nước muối hay các dung dịch sát khuẩn, có thể ngâm chân ngày 2 lần trong thuốc tím pha loãng 1/10.000.

  • Tổng quát

Chế độ ăn nhiều chất đạm, cho nhiều sinh tố. Cho kháng sinh theo kháng sinh đồ.

Phẫu thuật

Trong phương pháp phẫu thuật, nếu làm điện đông chỗ loét, phải đốt cho thật sạch và để hở, từ từ mô hạt mọc lên và sẽ làm vết thương đầy trở lại. Có thể phải ghép da trong một số trường hợp.

Các trường hợp đã hóa ung thư, nếu phẫu thuật sớm cũng có kết quả tốt.

PHÒNG BỆNH

Phòng bệnh quan trọng hơn hết, vệ sinh thân thể hàng ngày, sát khuẩn tất cả những vết thương dù nhỏ đến đâu, là những điều rất quan trọng.

Cần thiết nâng đỡ cơ thể, đặc biệt là tăng cường chất đạm và sinh tố để tăng cường sức đề kháng chống nhiễm khuẩn.

0/50 ratings
Bình luận đóng