Bệnh Zona, dân gian gọi là Giời leo, do Varicella Zoster Virus gây ra. Thương tổn liên quan đến hạch, rễ thần kinh và da. Đây cũng là tác nhân gây bệnh Thủy đậu. Virus này có khả năng nằm trong hạch cảm giác của người sau khi bị mắc bệnh Thủy đậu và sau đó được tái hoạt để gây bệnh Zona. Nguyên nhân của sự tái hoạt này chưa được biết rõ.

SINH BỆNH HỌC

Khi người bệnh (thường là trẻ em) bị nhiễm Varicella Zoster Virus từ bên ngoài, gọi là nhiễm nguyên phát, đa số sẽ mắc bệnh Thủy đậu sau khi nhiễm Varicella Zoster Virus, hệ thống miễn dịch (dịch thể và trung gian tế bào) của cơ thể người bệnh được hoạt hóa để kháng lại Varicella Zoster Virus, bệnh Thủy đậu thường sẽ thoái lui. Sau đó Varicella Zoster Virus theo dây thần kinh cảm giác đến định cư tại hạch thần kinh cảm giác cạnh cột sống mà không gây bệnh lý gì.

Bệnh Zona là bệnh nhiễm thứ phát do tái hoạt của Varicella Zoster Virus từ hạch thần kinh cảm giác. Cơ chế của sự tái hoạt chưa rõ. ớ người già, miễn dịch đối với Varicella Zoster Virus giảm dần, đến khi không đủ để ức chế siêu vi. Varicella Zoster Virus sẽ tự hoạt hóa, nhân lên gây tổn thương hạch, dây thần kinh và các vùng da do dây thần kinh đó chi phối. Ớ người suy giảm miễn dịch (bệnh ác tính, dùng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh AIDS…) thì Varicella Zoster Virus càng dễ tái hoạt và gây bệnh trầm trọng, lan tỏa nhiều cơ quan.

TRIỆU CHỨNG BỆNH ZONA

Thời kỳ ủ bệnh từ 7-12 ngày.

Bắt đầu bằng cảm giác rát bỏng và đau ở vùng da sẽ nổi mụn nước, có thể sốt, đau đầu, ớn lạnh. Sau đó xuất hiện những mụn nước nổi thành chùm trên nền hồng ban. Mụn nước lúc đầu trong sau đó đục rất nhanh, có lõm ở trung tâm. Có khi các mụn nước gom lại thành bóng nước, bóng mủ và vỡ ra đóng mài. Có thể có xuất huyết, hoại tử, loét nơi có mụn, bóng nước, vết loét này lành sau vài tuần, để lại sẹo tăng sắc tố.

Tình trạng bóng nước xuất huyết, hoại tử thường gặp ở người già suy dinh dưỡng.

Khi thương tổn xuất hiện thì triệu chứng đau và các triệu chứng khác như nóng sốt giảm dần. Niêm mạc cũng có thể bị như bên trong miệng và âm hộ. Thương tổn thường ở một bên cơ thể không vượt qua đường giữa. Trường hợp hiếm, bệnh có thể ở 2 bên do các nhánh nôi thần kinh.

Hình ảnh bệnh zona
Hình ảnh bệnh zona

Hạch lân cận thường to và đau.

Vị trí: Gặp nhiều nhất ở ngực (theo dây thần kinh Liên sườn) sau đó là cổ, mặt (theo dây thần kinh sọ số V), vùng lưng thiêng (theo dây thần kinh Tọa).

THỂ LÂM SÀNG

Theo vị trí

Zona trán.

Zona mắt: Đây là bệnh nặng vì mọc mụn nước ở giác mạc, có thể đưa đến loét giác mạc gây mù.

Zona ngực: Dọc theo các khoảng liên sườn.

Zona cổ.

Zona thắt lưng: Ở bụng, sinh dục, đùi, hay dọc theo thần kinh Tọa.

Zona xương cùng: ở mông, hội âm hay cơ quan sinh dục ngoài.

Zona miệng-hầu: ở thành sau lưỡi, amygdale, cột trụ hay thành sau bên của hầu, gây khó nuốt.

Theo hình thái học

Zona xuất huyết.

Zona hoại thư.

Zona lan tỏa: Thường gặp ở người suy giảm miễn dịch, thương tổn gần giống bệnh Thủy đậu và có xuất huyết hoại tử. Nội tạng có thể bị ảnh hưởng, nhất là phổi đôi khi gây tử vong.

DI CHỨNG VÀ BIẾN CHỨNG

Đau nhức dữ dội thường xảy ra ở người già, đau từng cơn hay liên tục và rất dai dẳng, khó điều trị.

Mắt: Trong trường hợp Zona mặt, vùng phân bố của dây thần kinh sinh ba có mí mắt sưng, kết mạc sung huyết, giác mạc thường chỉ bị kích thích nhẹ. Trong trường hợp nặng có thể loét giác mạc đưa đến sẹo giác mạc về sau. Nguy hiểm hơn là khi có tổn thương nội nhãn cầu có thể mù mắt.

CHẨN ĐOÁN

Chẩn đoán (+) dễ, dựa vào lâm sàng là chính.

Chẩn đoán phân biệt:

Herpes: Chùm mụn nước nhỏ, thường ở quanh lỗ thiên nhiên, ít đau hơn và hay tái phát.

Chốc: Bóng nước vỡ nhanh, đóng mài mật ong, rải rác ở đầu, mặt, cổ.

Đau do bệnh lý ở tim: Zona liên sườn trái ở người lớn tuổi, nhất là giai đoạn đầu chưa nổi thương tổn da, cần phân biệt với cơn đau do bệnh lý mạch vành.

ĐIỀU TRỊ BỆNH ZONA

Tại chỗ: Rửa bằng thuốc tím pha loãng 1/10.000 hay nước muối, bôi dung dịch màu (Eosin 2%, Milian).

Giảm đau: Thuốc giảm đau Acetaminophen, kháng viêm không steroid, thuốc giảm đau ngoại biên kết hợp giảm đau trung ương.

Thuốc kháng siêu vi:

+ Người lớn: Acyclovir 800mg X 5 lần/ngày X 7 ngày, uống.

+ Trẻ em: Acyclovir 20mg/kg X 4 lần/ngày X 7 ngày, uống.

Điều trị biến chứng:

+ Bội nhiễm: Chăm sóc tại chỗ kết hợp với kháng sinh uống phổ rộng hoặc theo kháng sinh đồ.

+ Đau sau Zona:

. Gabapentin: 300mg-900mg/ngày . Carbamazepin: Dễ gây nhiễm độc da do thuốc.

. Thuốc giảm đau khác: Idarac, Diantalvic.

+ Thương tổn mắt: Nên khám chuyên khoa mắt ở bệnh nhân Zona thần kinh Sinh ba (V) để phát hiện tổn thương mắt để xử trí kịp thời.

Phòng ngừa những cơn đau nhức:

+ Acyclovir ngay từ những giờ đầu.

+ Dùng corticoid sớm và ngắn hạn, đặc biệt ở người lớn tuổi. Chống chỉ định: Nhiễm khuẩn cấp hay bán cấp, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh về máu.

5/51 rating
Bình luận đóng