Sự kiện nổi bật nhất trong 6 tháng này là : BÉ TẬP ĐI. Khả năng đi của Bé hình như mỗi lúc mỗi khá hơn. Thật ra, đó là kết quả của những cố gắng từ trước, kể từ lúc tập đứng, tập bám vào thành giường v.v… Có Bé bước đi lảo đảo, ngã, bò rồi lại đứng lên; có Bé bước đi hơi loạng choạng nhưng vứng chãi ngay từ đầu. Nhìn chung, trong 6 tháng đó, Bé chuyên chú vào việc tập đi nên có ít tiến bộ trong các mặt khác.
Khi tròn 1 tuổi, Bé bắt đầu nói vài từ, nhưng từ 12 – 18 tháng, hầu như Bé không có tiến bộ gì về nói nữa làm cho nhiều bố mẹ sốt ruột, nghĩ rằng Bé đã quên hết rồi.
Thời gian bắt đầu tập đi, Bé có thể ngủ khó hơn lúc trước. Hiện tượng này cũng bình thường. Cũng như hiện tượng chậm nói trong thời gian này của Bé, chúng ta nên nhớ rằng : cứ mỗi khi đứa trẻ đạt được tiến bộ về một mặt nào đó thì các mặt khác có thể chậm hoặc ngưng hẳn lại.
Từ lúc chập chững cho tới khi đi vứng vàng, Bé không chú ý tới việc nói. Từ 2 tuổi tới 2 tuổi rưỡi, Bé mới có nhiều tiến bộ về khả năng nói.
Biết đi là một điều rất quan trọng đối với một đứa trẻ vì bắt đầu từ lúc đó, Bé cảm thấy mình được tự do hành động hơn, ít phụ thuộc vào người lớn : Bé có thể đi lại gần mọi vệt để coi, tìm hiểu những điều mà trước đây chưa hiểu. Do vậy, Bé trở nên hoạt động hơn, lúc nào cũng bận, cũng có việc, cũng muốn khám phá, tìm hiểu. Không gian quanh Bé cũng trở nên rộng rãi hơn. Tùy theo tháng tuổi, để tập đi Bé có thể vịn vào thành giường để men theo giường, được người lớn sốc nách hoặc thích chơi trò đẩy xe, đẩy ghế.
Khi tập đi, Bé phải biết giữ người thăng bằng, tập tiến lên. Nếu Bé bị ngã, đừng vội đỡ Bé dậy. Để Bé chống tay, co đầu gối tìm cách tự đứng lên : những động tác ấy làm cho các cơ bắp của Bé được có dịp luyện tập cho thêm cứng cỏi. Trừ trường hợp Bé đập mạnh người vào vật gì, ngã từ trên cao xuống thì người lớn phải săn sóc ngay. Còn bình thường, chỉ cần khen ngợi, động viên để Bé phấn khởi khi Bé đứng được lên, là đủ. Dù Bé có bị hơi xước da, chảy máu cũng đừng xuýt xoa làm Bé sợ thêm.
Biết nói nhanh hay chậm
Một nhà thơ xưa đã viết :
“Có hiểu thì mới nói được. Hiểu càng rõ thì nói càng dễ”.
Trẻ em 15 tháng chỉ biết chừng 4-5 từ. Muốn nói được, Bé phải được nghe nhiều, nghe bố, mẹ nói với Bé, nghe những người lớn nói chuyện với nhau. Thoạt đầu Bé nghe những lời nói như những chuỗi âm, như nghe một bài hát. Dần dần Bà mới hiểu. Thí dụ mẹ bảo : “Bé lấy cho mẹ cái khăn màu đỏ”. Hoặc bố chỉ vào con mèo và nói : “Mèo của Bé đây”. Nhiều lần như vậy, Bé mới hiểu được đỏ khác vàng, khác xanh và đồ chơi nào là con mèo. Lại phải chờ một thời gian nữa để Bé nói được “con mèo”, khi Bé muốn mẹ đưa cho Bé đồ chơi ấy.
Tại sao Bé cắn ?
Bé cắn vì ngứa lợi, vì sắp mọc răng nhưng cũng có thể vì muốn xả hơi, đỡ căng thẳng thần kinh hoặc muốn phản đối. Đối với Bé, cắn cũng là để tự vệ. Vì sự phản ứng của Bé có thể chậm, không tức thời nên dễ nhầm đối tượng. Thí dụ : Bé đang chơi thì bị lấy đồ chơi rồi bắt buộc phải ra ngồi cùng với các bạn khác quanh chiếc bàn. Lúc bị lấy mất đồ chơi, Bé thấy tức giận và muốn phản đối, nhưng không phản ứng ngay. Khi ngồi ở bàn, bị bạn ở bên cạnh đụng vào người, Bé nắm ngay lấy cánh tay bạn đưa vào miệng, cắn để hả cái giận từ lúc này.
Không nên mắng dọa phạt đứa trẻ vừa cắn bạn mà nên tìm hiểu nguyên nhân và làm cho cháu vui vẻ, phấn khởi lên để cho những xúc cảm giận dữ trong người cháu tan đi.
Bé thích chơi gì ?
Từ 1-1 tuổi rưỡi, Bé đã chú ý tới các con vật nuôi trong nhà; Bé không còn sợ gà, chó, mèo, bò hay ngựa nữa.
Bé thích chơi cát, nghịch nước và chưa biết thế nào là bẩn hay sạch. Chúng ta có thể nhận thấy Bé rất thích nước. Hình như nước có tác đụng làm dịu thần kinh. Khi được tắm, Bé rất thích, không phải vì được lau rửa sạch sẽ mà là vì được ngâm nước và nghịch nước. Nếu trong chậu tắm, Bé có những chai lọ, đồ đựng có màu sắc để đong, múc, đổ nước thì Bé muốn tắm mãi.
Khi có các đồ chơi, Bé muốn luôn có sự thay đổi. Bởi vậy, xếp được các đồ chơi lên cao xong Bé lại làm đổ, cố tình phá đi để lại làm lại từ đầu. Xây rồi phá, xem rồi xé rách, là những hành động tự nhiên của trẻ em ở lứa tuổi này.