BÀM BÀM
Tên khác: Ðậu dẹt.
Tên khoa học: Entada phaseoloides (L.) Merr.; thuộc họ Ðậu (Fabaceae).
Mô tả: Cây leo gỗ dài tới 30m. Lá 2 lần kép, ở đầu cuống chung của lá có tua cuốn chẻ hai; lá chét bậc ba 1-2 cặp, không lông, dai, dài 8-10cm, lá kèm 5mm. Bông dài đến 25cm; cánh hoa 3mm, bầu không lông. Quả rất to, dài đến 1-2m, rộng đến 15cm, thắt lại giữa các hạt; vỏ quả trong mỏng. Hạt tròn dẹp to 6x5cm, vỏ nâu đậm.
Bộ phận dùng: Dây và hạt (Caulis et Semen Entadae).
Phân bố sinh thái: Loài này phân bố từ Nam Trung Quốc các nước Ðông Dương đến Niu Ghinê, Ôxtrâylia. Ở nước ta cây mọc phổ biến ở ven rừng, ven suối và thường hay gặp trong các rừng thứ sinh thường xanh và rụng lá.
Thu hái: Dây thu hái quanh năm, rửa sạch, thái lát, đồ rồi phơi khô dùng; hạt thu hái vào mùa đông, mùa xuân, lột bỏ vỏ, hấp hoặc rang lên, phơi khô hoặc tán bột.
Thành phần hoá học: Thân dây chứa saponin. Hạt chứa một lượng saponin nhiều hon và cũn có một loại glucosid độc. Thân cây đập dập ngâm nước cho một chất lỏng màu hung có tính chất của xà phòng.
Tính vị, tác dụng: Dây có vị hơi đắng và chát, tính bình; có tác dụng trừ thấp, hoạt huyết. Hạt có vị ngọt và chát, tính bình, có độc, có tác dụng chống co giật, giảm đau, lợi tiểu.
Công dụng:
– Công dụng của dây: 1. Thấp khớp, tạng khớp, đau chân tay; 2. Ðau lưng, đòn ngã tổn thương.
– Công dụng của hạt: 1. Ðau dạ dày, đau thoát vị, trĩ; 2. Hoàng đản, phù thũng.
– Dân gian có khi dùng lá chữa nóng sốt, sài giật trẻ em. Dùng 50-100g lá tươi Bàm bàm phối hợp với lá Răng ngựa, lá Găng trâu, lá Chanh giã nhỏ xát khắp người như kiểu đánh gió.
Cách dùng, liều lượng: Dùng dây 10-30g, dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu uống; đun sôi lấy nước tắm rửa. Dùng hạt dạng bột 1-3g, hoà với nước
rồi uống.
Ghi chú: Hạt độc, thường dùng để duốc cá. Ðể làm thuốc, cần hấp, rang cẩn thận và tránh dùng nhiều, nếu bị ngộ độc thường có dấu hiệu choáng váng, buồn nôn, cao huyết áp, chậm nhịp tim và thậm chí có thể chết người.