Nguyên nhân gây loét dạ dày, tá tràng cho đến nay còn chưa được nghiên cứu làm rõ, những nhận định chung cho rằng bệnh có liên quan đến tình trạng gia tăng dịch acid trong dạ dày, khả năng đề kháng của niêm mạc dạ dày, tá tràng bị giảm sút và tình trạng căng thẳng thần kinh hoặc ưu phiền quá mức. Triệu chứng bệnh chủ yếu là đau hoặc khó chịu ở phần bụng trên (vùng thượng vị). Tính chất đau cũng đa dạng, có thể đau cồn cào, đau từng cơn, đau kèm theo đầy chướng, đau âm ỉ hoặc dữ dội, chỗ đau thường rộng bằng bàn tay. Người bị đau sau khi ăn thường là do loét dạ dày; người đau lúc đói thường là loét hành tá tràng. Ngoài triệu chứng đau bụng, người bệnh còn có thể thấy hơi thở nóng, Ợ chua, buồn nôn hoặc nôn oẹ, mất ngủ, gầy yếu. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, việc áp dụng một chế độ ăn cho người bệnh là cực kỳ quan trọng.
Người bệnh nên ăn uống như thế nào ?
Nguyên tắc chung được áp dụng là ăn các món giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hoá, lại không có tính kích thích. Vì vậy, bệnh nhân cần chọn những thực phẩm như sữa bò, nước cháo, sữa đậu nành, canh trứng, bột ngó sen, bánh bao có bột nở lên men, cơm, đậu phụ, bí xanh, khoai tây, rau chân vịt, ngân nhĩ, đại táo, thịt nạc, cá V.V.. Phương pháp chế biến chủ yếu là hấp, luộc, ninh nhừ. Nên thái nhỏ thực phẩm, nấu kỹ cho mềm. Như vậy bảo đảm đủ năng lượng và các chất protein, vitamin phong phú, giúp hồi phục các tổ chức tế bào bị tổn hại và làm mau lành vết loét, vừa tránh được sự kích thích cơ học và hoá học của thức ăn đối với niêm mạc dạ dày và ruột. Người bệnh bị nôn ra máu hoặc đại tiện ra phân đen (đen nhánh như hắc ín, mùi khẳn), cần ngừng ngay ăn cứng, sau khi ngừng chảy máu 24 giờ mới ăn một ít sữa bò nguội, bệnh ổn định dần mới ăn các món thông thường khác. Chế độ ăn uống của bệnh nhân cần căn cứ theo tình hình cụ thể để thay đổi các món kể trên, tránh ăn đơn điệu trùng lặp.
Người bệnh không nên ăn lương thực thô (bột cao lương, bột ngô), rau cần, rau hẹ, cải bắp, hành tây, ngó sen, giá đậu và các món rán, hun khói, ướp… Những loại thực phẩm này hoặc do có nhiều chất xơ, hoặc thô cứng, khó tiêu hoá, dễ kích thích cơ học đối với niêm mạc dạ dày, làm tình trạng viêm loét nặng thêm. Nước hầm thịt đặc, trà đặc, cà phê, rượu, hạt tiêu, mì chính và những món ăn quá chua, hoặc quá ngọt, quá mặn, quá cay dễ gây kích thích hoá học đối với đường ruột, làm dịch toan dạ dày tiết ra nhiều, bệnh sẽ trầm trọng thêm.
Ngoài ra, những thực phẩm sinh đầy hơi như hành sống, tỏi sống, nước giải khát có ga; những thức ăn uống quá lạnh hoặc quá nóng cũng không nên dùng. Bởi vì những món ăn sinh hơi làm trướng bụng, gây đau có hại cho dạ dày, ruột. Những thức ăn quá lạnh hoặc quá nóng có ảnh hưởng xấu đến mạch máu trên mặt niêm mạc dạ dày, kích thích vết loét, gây đau đớn.