Ở nước ta cũng như nhiều nước châu Á, tai biến mạch máu não xảy ra gấp nhiều lần hơn so với tai biến mạch vành. Tai biến mạch máu não bao gồm nhiều thể, hay gặp là chảy máu não và nhồi máu não. Chảy máu não xảy ra do vỡ một động mạch não hay vỡ một túi phồng động mạch sẵn có. Nhồi máu não (hay nhũn não) là hoại tử một vùng ở bán cầu não xảy ra do có
cục đông máu bất thường làm tắc một động mạch não thường ở vị trí mảng vữa xơ đã làm hẹp lòng mạch. Bệnh tăng huyết áp là nguyên nhân trực tiếp gây chảy máu não nhưng bệnh này cũng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình vữa xơ động mạch não và làm hình thành nhồi máu não.
Ở các nước Âu Mỹ thì nhồi máu não gặp là chủ yếu. ở nước ta, trước đây chảy máu não gặp rất nhiều (thống kê của Bệnh viện Bạch Mai trong thời kỳ 1965-1970 cho thấy 81,25% số tai biến mạch máu não là chảy máu não) nhưng trong những thập kỷ gần đây tình hình này đã thay đổi, tỷ lệ chảy máu não đã giảm, tỷ lệ nhồi máu não ngày càng tăng do sự phát triển của bệnh vữa xơ động mạch.
Lứa tuổi bị tai biến mạch máu não thường vào khoảng 50-70, tuổi của chảy máu não tương đối trẻ hơn so với tuổi của nhồi máu não.
Tai biến chảy máu não thường xảy ra đột ngột, không có triệu chứng báo trước cũng có thể có một vài tiền triệu như đau đầu một bên, chóng mặt, Stress căng thẳng thần kinh, thay đổi thời tiết như gió mùa đông bắc, bão… đều thấy có ảnh hưởng nhiều đến sự xuất hiện tai biến.
Về lâm sàng, chảy máu não có thể xảy ra riêng rẽ hoặc phối hợp với chảy máu màng não:
Chảy máu não
Bệnh nhân đang sinh hoạt bình thường đột nhiên thấy bị bại hoặc liệt nửa người, rơi đũa hoặc đồ vật đang cầm, đứng không vững, méo một bên mặt, có thể có rối loạn ngôn ngữ, nói ngọng. Kiểm tra thấy huyết áp tăng cao hơn mọi ngày, nhiều khi tăng rất cao, cả huyết áp tâm thu lẫn huyết áp tâm trương đều tăng. Khó có thể xác định được ở mức huyết áp như thế nào thì mạch máu bị vỡ vì thông thường ta chỉ đo huyết áp sau khi có tai biến mạch máu não, mức huyết áp này có thể đã thấp xuống sau khi chảy máu nhưng kinh nghiệm cho thấy mức này phụ thuộc vào từng bệnh nhân, có người phải tới 240-250/130-140 mmHg, có người chỉ 170/110 mmHg thì đã thấy có tai biến. Gần đây có một số ý kiến khác về vấn đề này, một số-tác giả thấy sau tai biến mạch máu não, dù là chảy máu não hay nhồi máu não đều có phản ứng của cơ thể gây tăng huyết áp, các trị số huyết áp đều tăng cao hơn trước (có khi huyết áp tâm thu rất cao >240 mmHg mà ta cần đưa xuống <200mmHg), phản ứng đó giúp cho tuần hoàn não tự điều chỉnh để đảm bảo cung lượng máu trong não khi bị tai biến tránh bị thêm thiếu máu não do cung lượng máu thấp; trong các trường hợp này, huyết áp sẽ trở lại bình thường trong vòng 7 ngày với nhồi máu não, chậm hơn với chảy máu não.
Chảy máu trong não sẽ gây nên ổ tụ máu, ổ này làm cho các tổ chức xung quanh bị phù nề và bị chèn ép dẫn đến các dấu hiệu lâm sàng khác nhau. Đa số các trường hợp xảy ra là chảy máu ở vùng bao trong (capsule interne) liên quan đến khu vực vận động và ảnh hưởng đến một số dây thần kinh sọ não một bên người, nên tuỳ theo mức độ tổn thương nhỏ hay lớn, có trường hợp chỉ bị bại nhẹ, có trường hợp liệt ngay từ đầu, có trường hợp bại lúc đầu rồi tiến triển thành liệt hoàn toàn, giảm trương lực các cơ, giảm hay mất các phản xạ gân xương bên bị liệt.
Bệnh nhân bị hạn chế hẳn mọi vận động nửa người bên đối diện với tổn thương, ăn uống dễ bị sặc, hay có rối loạn cơ vòng làm cho tiểu tiện và đại tiện không tự chủ. Nếu chảy máu ở tiểu não, bệnh nhân đau đầu vùng chẩm, buồn nôn và nôn nhiều, chóng mặt, nhìn đôi, có rung giật nhãn cầu khi khám, nói có thể khó, nuốt khó, dễ di vào hôn mê khi có phù nề chèn ép thân não.
Nếu chảy máu não rất lớn, máu trào vào các não thất (ta thường gọi là lụt não thất) thì các triệu chứng lâm sàng rất nặng: bệnh nhân mất ý thức nhanh, đi vào hôn mê, có thể có hôn mê sâu ngay nhưng cũng có thể có hôn mê nông ban đầu rồi nhanh chóng trở thành sâu, mất các phản xạ kể cả phản xạ giác mạc và phản xạ đồng tử với ánh sáng, nhiều rối loạn thần kinh thực vật như vã mồ hôi, mặt đỏ bừng, rối loạn hô hấp làm bệnh nhân thở như ngáy, tăng tiết đờm rãi đe doạ suy hô hấp, có thể có cơn co giật, co cứng toàn thân, sốt rất cao 39-40°C.
Kiểm tra dịch não tuỷ thấy có máu đỏ khi có lụt não thất nhưng nếu chảy máu nhẹ chỉ ở trong tổ chức não thôi, không vào các não thất thì không thấy máu hay hồng cầu trong dịch não tuỷ khi nhìn dưới kính hiển vi.
Tiên lượng của chảy máu não rất dè dặt, phụ thuộc vào mức độ tổn thương chảy máu: nếu là lụt não thất thì hôn mê ngày càng nặng, rối loạn nhịp thở, truy tim mạch sẽ xảy ra làm cho bệnh nhân tử vong rất nhanh chóng; nếu chảy máu không lớn thì các tổn thương sẽ hồi phục dần nhưng trong thời gian cấp tính vẫn dễ xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn đường hô hấp nhất là viêm phổi, nhiễm khuẩn đường tiết niệu do đặt ống thông bàng quang lấy nước tiểu, loét các điểm tì như ở mông, ở lưng, ở các gót chân… do nằm bất động dài ngày. Sau thời gian cấp tính, thầy thuốc sẽ hướng dẫn cách hồi phục chức năng, khi ra viện bệnh nhân dễ còn các di chứng thần kinh ảnh hưởng ít nhiều đến vận động nửa người bị liệt, di chứng về tâm thần như suy giảm trí tuệ, các di chứng này có thể trở lại gần bình thường với thời gian và với luyện tập tích cực tiếp tục.
Chảy máu màng não:
Tai biến cũng xảy ra đột ngột nhưng trước đó có thể có chóng mặt, thậm chí nhức đầu. Đột nhiên bệnh nhân lại thấy nhức đầu dữ dội hơn rồi xuất hiện các dấu hiệu màng não như nhức đầu, nôn vọt dễ dàng, nhất là khi thay đổi tư thế, khám thấy cứng gáy, dấu hiệu Kernig (+) tăng cảm giác đau khi bóp nhẹ cơ hoặc gãi da, tăng các phản xạ gân xương, sợ ánh sáng và tiếng động. Huyết áp tăng cao cả tâm thu lẫn tâm trương, bệnh nhân có rối loạn ý thức như tri giác u ám dần, ngủ gà, có thể xen kẽ trạng thái kích thích vật vã, đi vào hôn mê khi có chảy máu lớn, rối loạn vận mạch như toát mồ hôi, da đỏ bừng, rối loạn hô hấp, sốt cao…
Kiểm tra dịch não tuỷ thấy có màu đỏ hoặc hồng do có máu.
Tiên lượng bệnh thường nặng nếu chảy máu lớn, các dấu hiệu lâm sàng trở nên nặng nề hơn, bệnh nhân chết do suy hô hấp, truy tim mạch, sốt rất cao. Với những trường hợp nhẹ hơn, điều trị có kết quả nhưng có thể để lại di chứng như nhức đầu, rối loạn tâm thần.