Tên khác: Dầu mè đỏ, San hô
Tên khoa học: Jatropha multifida l.
Họ:Thầu dầu – Euphorbiaceae.
1. Mô tả, phân bố
Bạch phụ tử là cây nhỡ rất nhẵn, cao tới 6m. Lá xẻ thuỳ chân vịt sâu, các thuỳ có nhiều răng hẹp, gốc phiến lá hình tròn, cuống dài bằng lá, lá kèm chia thành nhiều phiến hình chỉ. Cụm hoa hình xim dạng tán, có cuống dài mang hoa đơn tính màu đỏ. Hoa có 5 lá đài, 5 cánh hoa; ở hoa đực có 8 nhị; ở hoa cái có bầu nhẵn. Quả nang, hình trứng ngược, nhẵn, màu vàng nhạt, dài cỡ 3cm.
Cây nguyên sản ở miền nhiệt đới châu Mỹ, được đem vào trồng ở nước ta làm cây cảnh và làm hàng rào. Rễ phình thành củ, cũng ăn được như củ Sắn (sau khi nướng chín). Củ giống như Thảo ô dầu mà nhỏ hơn, dài hơn 4cm, lúc khô vỏ sần sùi có vân, tương tự như củ Phụ tử.
2. Bộ phận dùng, thu hái
Bộ phận dùng của bạch phụ tử là rễ củ – Radix -jatrophae. Hạt, mủ, lá cũng được dùng. Củ thu hoạch vào tháng 3, phơi khô hoặc lùi nướng để dùng làm thuốc. Lá mủ thu hái quanh năm. Quả thu vào mùa thu.
3. Thành phần hóa học
Lá, thân, rễ của dược liệu bạch phụ tử đều chứa acid cyanhydric. Hạt chứa 30% dầu, có thể dùng thắp được.
4. Công dụng, cách dùng
Thường dùng bạch phụ tử trị cảm gió lạnh mất tiếng, trúng phong co cứng bại liệt, đau tim do huyết ứ và các bệnh phong ở đầu, mặt.
Hạt cũng được dùng như hạt Dầu mè làm thuốc tẩy mạnh nhưng nguy hiểm, dễ gây ngộ độc. Có khi được dùng trị ho, làm ra mồ hôi.
Lá cũng gây xổ nhưng kém hơn lá Dầu mè. Mủ cây dùng cầm máu và đắp vết thương cho liền gân. Cũng dùng trị rắn cắn. Liều dùng 3-6g củ, phối hợp với các vị thuốc khác.
Ðơn thuốc:
1. Chữa trúng phong liệt nửa người: Bạch phụ tử, Tằm gió, Bò cạp (Toàn yết) với lượng bằng nhau, tán nhỏ, uống mỗi lần 6g với rượu, ngày uống 3 lần.
2. Chữa trẻ cấp kinh sốt cao co giật, co cứng: Bạch phụ tử, Nam tinh chế với Mật bò, Toàn yết. Tằm gió, Câu đằng, Phấn nứa, Bạch đàn, mỗi vị 4g sắc uống.
3. Chữa tim đau do máu ứ nguy cấp: Bạch phụ tử, Nhục quế, Đương quy đều 6g, sắc uống liên tục.