HỒNG HOA
Flos Carthami
Bộ phận dùng là hoa của cây hồng hoa – Carthamus tinctorius L., họ Cúc – Asteraceae.
Đặc điểm thực vật.
Cây thuộc thảo, cao 0,6-1m, mọc 2 năm. Thân có vạch dọc. Lá mọc so le, không có cuống, mép lá có răng cưa thành gai. Cụm hoa hình đầu họp thành ngù. Hoa màu đỏ, hoặc da cam, tràng hình ống, phần trên xẻ 5, 5 nhị màu vàng dính liền thành ống. Lá bắc có gai. Quả đóng có 5 cạnh lồi nhỏ. Cây trồng ở Trung quốc ở các tỉnh Hà nam, Hà bắc, Triết giang, Tứ xuyên, Vân nam. Ta đã nhập trồng thí nghiệm ở Sapa, cây mọc được.
Thu hái chế biến.
Đầu mùa hạ khi hoa đang nở, cánh hoa chuyển từ vàng sang đỏ thì hái về để nơi thoáng gió trong giâm hoặc hơi có ánh nắng cho khô. Không nên phơi trực tiếp giữa nắng to để khỏi mất màu.
Dược liệu mềm, mùi thơm vị hơi đắng. Đem ngâm nước, nước nhuộm màu vàng. Hoa màu đỏ tươi, mềm mại là tốt.
Thành phần hóa học.
Hai sắc tố chính của hồng hoa là carthamin và carthamon. Công thức của carthamin được sửa đổi nhiều lần. Theo Takahashi Y. và cộng sự (Tetrahedron Lett. 1982, 23, 5163) thì cấu trúc của carthamin là một dẫn chất bis-chalcon. Carthamin kết tinh màu đỏ trong pyridin, điểm chảy 228-230oC.
Carthamon (=glucodisoxy-6′-dihydroxy 4,4′-quino 2′,5-chalcon) cũng kết tinh màu đỏ.
Lá hồng hoa chứa flavonoid khác: 7-glucosid của luteolin là chất hay gặp trong cây họ cúc.
Quả chứa protein (15%) và lipid (30%). Dầu chứa hơn 90% acylglycerol của các acid chưa no: oleic (13-15%), linoleic (75-79%) và một lượng nhỏ các acyl glycerol của các acid no: palmiticvà stearic. Ngoài ra trong quả còn chứa trachelosid và 1 glycosid steroid khi thuỷ phân cho phần đường là glucose, phần aglycon là dẫn chất 15a, 20b-dihydroxy D4-pregnen 3-on.
Tác dụng và công dụng.
– Dịch chiết nước hồng hoa đã được thí nghiệm trên tử cung tách tiêng của chó, mèo thấy rằng dù là tử cung của con vật có thai hay không đều có tác dụng làm tăng sự co bóp và cuối cùng thì không co vào duỗi ra được nữa, nhưng nếu rửa thuốc đi thì tử cung trở lại bình thường.
– Dịch chiết nước hồng hoa làm hạ huyết áp của chó và mèo, làm tăng sự co bóp của tim, co nhỏ mạch máu của thận và co cơ trơn phế quản của chuột thí nghiệm.
– Dịch chiết nước hồng hoa có tác dụng kéo dài thời gian đông máu và ức chế sự ngưng tụ tiểu cầu.
– Liều độc của carthamon đối với thỏ là 20-75mg cho 1 kg cơ thể và 80-85mg đối với mèo.
Trong y học cổ truyền hồng hoa hay được dùng làm thuốc điều kinh, chữa bế kinh, kinh nguyệt xấu. Chú ý phụ nữ có thai không được dùng.
Hồng hoa giúp cho tuần hoàn máu được lưu thông tốt, được dùng để trị chứng huyết khối. Ngoài ra còn dùng điều trị chứng co thắt mạch vành, đau thắt ngực.
Ở Trung quốc người ta đã nghiên cứu chế thuốc dưới dạng tiêm pha loãng với dịch truyền glucose 10% và dạng thuốc chích bắp thịt.
Hồng hoa được dùng để nhuộm thực phẩm.
Dầu ép từ
hạt được dùng làm thuốc tẩy xổ liều 8-16g.
https://hoibacsy.vn
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.