Hiện nay, nhiều dược liệu quý hiếm ở các tỉnh miền núi phía Bắc đang bị khai thác kiểu tận diệt, gây thất thoát lãng phí. Nhiều loại dược liệu quý hiếm đã bị bán ra nước ngoài với số lượng lớn; tình trạng phá rừng bừa bãi cũng đã dẫn đến nguồn dược liệu
Đông y quý hiếm bị hủy diệt.
“Chảy máu” dược liệu
Theo những người bản địa, từ những năm 1970 về trước, cây thuốc hoang dã của Cao Bằng được khai thác bán về các tỉnh miền xuôi. Nhưng từ năm 1980 đến nay, cây thuốc quý được bán sang Trung Quốc một cách tràn lan. Không chỉ có huyện Thạch An xảy ra tình trạng này mà nhiều huyện khác như Phục Hòa, Hà Quảng cũng có tình trạng tương tự.
Trung bình mỗi huyện có từ 5 – 10 điểm thu mua quy mô lớn và nhiều điểm thu mua nhỏ lẻ đi đến các làng bản. Tại một số điểm thu mua ở xã Bế Triều (huyện Hòa An), dượu liệu được thu mua với số lượng lên đến hàng trăm tấn/điểm/năm. Tại đây cây thuốc được phơi bạt ngàn trên sân, chất hàng đống như núi, sau đó lần lượt được xe tải vận chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ.
Dược liệu đang được cho lên xe để chở qua biên giới. Ảnh: H.Lan |
Hầu như các cây, con làm thuốc đều bị thu mua. Giai đoạn đầu diễn ra với quy mô nhỏ để mua các loại dược liệu: Sa nhân, bảy lá một hoa, ô dầu phụ tử, kim anh,
tam thất,… Sau đó, thu mua ồ ạt các loại cây với khối lượng lớn. Theo cách lý giải của các lương y ở đây, đa số các cây thuốc được xuất sang Trung Quốc đều có nhiều công dụng đặc biệt cho các loại bệnh như sỏi thận, đường ruột, sốt rét, giảm đau, bổ huyết… Thậm chí, có loại còn điều trị các bệnh nan y như cây kê huyết đằng… Nhiều loại dược liệu quý bán qua biên giới với giá rất rẻ nhưng khi chúng ta lại phải nhập khẩu dược liệu trở lại với giá “cắt cổ”, thậm chí cơ quan chức năng đã phát hiện có không ít loại đã bị chiết xuất, hút hết hàm lượng thuốc, nguyên liệu chỉ còn là củi rác.
Không chỉ Cao Bằng đứng trước tình trạng “chảy máu” dược liệu quý, nhiều tỉnh khác như Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Kạn… cũng rơi vào cảnh tương tự. Ngay tại thị trấn Sa Pa (Lào Cai), la liệt các cửa hàng, quầy hàng dược liệu ở khắp nơi trong thị trấn. Hầu hết các chủ cửa hàng đều cho biết, thuốc ở đây mua lại của bà con lấy từ rừng Hoàng Liên Sơn.
Đến nay, ở nước ta có những loại dược liệu bị khai thác đến cạn kiệt, có khả năng tuyệt chủng như: Hoàng đàn, dây trầm, kim ngân (huyện Yên Định và Hữu Lũng của tỉnh Lạng Sơn); củ ba kích (Đô Lương, Nghệ An); đỗ trọng nam (Lương Sơn, Hòa Bình). Ngay đến củ bình vôi, từ năm 2000 trở lại đây đã bị khai thác đến cạn kiệt với hàng ngàn tấn xuất qua biên giới mỗi năm. Nguy cơ “thần dược” bị tận diệt đang hiện hữu.
Giá trị chưa được hiểu rõ
Theo kết quả điều tra cơ bản về cây thuốc ở Cao Bằng, từ năm 1969 – 1973 có trên 617 cây thuốc thuộc 211 họ thực vật đã được phát hiện và đưa vào sử dụng. Trong đó có nhiều loại cây thuốc quý đạt tiêu chuẩn về hàm lượng, công dụng y học và có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, thay vì được sử dụng để chữa bệnh cho người dân, rất nhiều loại cây thuốc quý đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng bởi tình trạng khai thác tràn lan, rồi xuất khẩu qua biên giới. |
Theo một người có thâm niên trong nghề thì trước đây cũng không biết cây gì là thuốc và loại nào là quý. Nhân một lần sang Trung Quốc chơi, bất ngờ thấy họ đưa ra mấy loại cây mẫu rồi ứng tiền cho về thu gom. Không ngờ về có thật, mà nhiều nữa là đằng khác. Trung bình mỗi năm, riêng đầu mối thu gom này cũng “xuất khẩu” trên 10 tấn dược liệu quý tự nhiên, như: Kê huyết đằng, na rừng, chè rừng, giảo cổ lam, thổ phục linh… với mức giá chỉ vài nghìn đồng/kg.
Mỗi kg d
ược liệu quý thu gom được, người dân sẽ được trả một tờ 500 đồng tiền Trung Quốc, và sau khi các đầu lậu đánh hàng giao tận tay lái buôn người Trung Quốc, mỗi kg dược liệu sẽ có giá là 5.000 đồng. Tuy nhiên, cả người dân và thương lái đều không biết các loại cây này sang bên kia biên giới để dùng vào việc gì. Họ chỉ biết khai thác đến đâu là bán hết ngay đến đấy, kể cả gốc rễ cây dược liệu. Nhiều loại dược liệu rễ còn đắt hơn cây. Với nguồn lợi khổng lồ, ngày càng có nhiều người lao vào “rút ruột” rừng, tận thu nguồn dược liệu quý hiếm.
Nguồn dược liệu quý đang bị tận diệt. Ảnh:DV |
Tận thu, tận diệt
Hiện nay, nhu cầu sử dụng cây dược liệu chế xuất thuốc trong nước và trên thế giới rất lớn và ngày càng tăng. Riêng trong nước, hằng năm cần đến trên 50.000 tấn cây dược liệu để chế xuất thuốc. Tuy nhiên, tại Cao Bằng, gần 20 năm qua, người dân khai thác cây dược liệu tươi và khô với tốc độ thần tốc khoảng gần 10 triệu tấn bán sang Trung Quốc qua các cửa khẩu, ước tính khoảng 300.000 – 500.000 tấn/năm. Nhiều loại cây thuốc quý đứng trước nguy cơ khai thác tận diệt như thất diệp nhất chi hoa, hoàng đằng, ba kích, bình vôi, thanh thiên quỳ… Hiện nay, số lượng dược liệu xuất qua biên giới giảm đi. Điều này cũng đồng nghĩa với cảnh báo những cây thuốc của tỉnh đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Để bảo tồn và giữ gìn nguồn
dược liệu quý, Cao Bằng cần có chiến lược bảo tồn, quy hoạch phát triển cây dược liệu thành hàng hoá để người dân có thể trồng dược liệu để phát triển kinh tế. Các địa phương có nguồn dược liệu phong phú và quý hiếm cần phải phối hợp với nhiều ban ngành cùng với người dân bảo tồn và thu hái theo đúng quy trình. Đây cũng là bài học cho các địa phương trên cả nước trong việc khai thác dược liệu.