Ngày 30/5, tại Bình Dương, Bộ Y tế tổ chức hội nghị phát triển dược liệu và sản phẩm thuốc quốc gia. Dự và chủ trì hội nghị có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, cả nước có khoảng 3.948 loại thực vật và nấm lớn có công dụng làm thuốc, trong đó có hàng chục loại có giá trị chữa bệnh cao. Cả nước có 300 cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu, mười cơ sở sản xuất đông dược đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GMP – WHO).
Hiện có 1.086 số đăng ký thuốc từ dược liệu còn hiệu lực. Đồng thời có một số cơ sở trồng trọt đạt tiêu chuẩn VietGAP, nhiều đơn vị đang triển khai áp dụng nguyên tắc Thực hành tốt trồng trọt, thu hái cây thuốc; nhiều cơ sở chế biến dược liệu lo đầu ra cho các hộ trồng trọt kết hợp các hoạt động tập huấn quy trình kỹ thuật, cung cấp cây giống cho nhà nông, hình thành vùng dược liệu trọng điểm. Bộ Y tế đã bình chọn và đề xuất ba sản phẩm thuốc quốc gia có nguồn gốc từ dược liệu. Tuy nhiên, đến nay vùng phân bố tự nhiên của cây thuốc bị suy giảm nghiêm trọng do khai thác một cách cạn kiệt; việc nuôi trồng, thu hoạch còn manh mún, tự phát. Chính sách bảo tồn nguồn gien, nhất là các cây quý còn ít. Phần lớn các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất dạng bào chế thông thường. Còn thiếu chính sách vĩ mô về phát triển dược liệu…
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những kết quả việc phát triển, ứng dụng dược liệu trong sản xuất thuốc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhưng những kết quả đó chưa tương xứng với tiềm năng, đồng thời tình trạng dược liệu trong nước đang có xu hướng suy giảm, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của bốn nhà: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông. Cần tổ chức điều tra tổng thể về tình hình dược liệu trong nước để đánh giá tính khoa học, hiệu quả và tiềm năng của từng loại; tổ chức bảo quản và phát triển gien cũng như giống loại dược liệu quý. Tăng cường sự phối hợp doanh nghiệp và nhà khoa học để ngày càng có nhiều sản phẩm thuốc quốc gia từ dược liệu. Việc phát triển dược liệu luôn gắn với dược phẩm thời mới có kết quả mang tính bền vững. Các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức rà soát văn bản liên quan để bổ sung thực tiễn, tạo điều kiện để dược liệu trong nước phát triển.