CỎ GẤU BIỂN
Tên khác: Cỏ cú biển, Cú chồi, Cói củ, Hương phụ biển, Hải dương phụ.
Tên khoa học: Cyperus stoloniferus Retz.; thuộc họ Cói (Cyperaceae).
Tên đồng nghĩa: Cyperus litoralis R. Br.; Cyperus bulbosus sensu E. Camus p.p., non Vahl; Cyperus stoloniferus sensu Phamh. non Vahl
Mô tả: Cỏ lưu niên, có thân rễ mảnh, có vẩy và phình lên ở gốc thành củ đen đen, thân cao 15-30cm, có 3 cạnh lá rộng 2-3mm. Cụm hoa có 2-3 lá bắc dài; tia ngắn; bông chét nâu, dài 6-12mm, vẩy dài 2-2,6mm, không mũi. Quả bế đen, hình trái xoan.
Bộ phận dùng:Thân rễ (củ) to hơn củ gấu, ít nếp nhăn dọc, mặt cắt ngang màu nâu hồng (Rhizoma Cyperi Stoloniferi).
Phân bố sinh thái:Loài của các nước châu Á, Australia, Châu Phi. Cây thường mọc tập trung trên các vùng cát ven biển hoặc bãi cát cửa sông dọc theo bờ biển nước ta từ Móng Cái đến Hà Tiên; có nhiều ở Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam-Ðà Nẵng, Bình định, Phú Yên và Bình Thuận. Có nơi chúng mọc thành các quần thể lớn gần như thuần loại. Người ta thu hái củ vào mùa xuân hay thu, vun củ lại thành đống để đốt cho cháy lá và rễ con rồi lấy củ đem phơi hay sấy khô. Trước khi sử dụng cần phải chế biến. Thường dùng loại tứ chế (tẩm muối, đồng tiện, giấm, rượu) khi dùng để riêng từng phần hoặc trộn lẫn 4 phần với nhau tùy theo cách chữa bệnh.
Thành phần hoá học:Có 0,37% tinh dầu, mà thành phần gồm 32% cyperen, β-selinen, 49% cyperol, cyperon, cyperolon, patchoulenon, cyperotundon. Còn có alkaloid.
Tính vị, tác dụng:Cũng như Cỏ gấu, Cỏ gấu biển cũng có vị cay, hơi đắng, tính bình, có tác dụng điều kinh, lý khí, thư can, chỉ thống. Ở Ấn Ðộ, nó được xem như lợi tiểu, kích thích tim. Người ta đã nghiên cứu tác dụng ức chế trực tiếp co bóp của
tử cung, đồng thời làm giảm trương lực của tử cung, tác dụng giảm đau (do hợp chất α-cyperen), tác dụng làm ra mồ hôi, lợi tiểu và làm se.
Công dụng: Việt Nam thường dùng phổ biến củ loài này để chữa các bệnh như vị Hương phụ, lại có tác dụng rõ rệt hơn.