NGƯU HOÀNG

Tên khoa học: Calculus Bovis
Ngưu hoàng là sạn (sỏi) thấy trong túi mật của con bò có bệnh (Bos taurus var. domesticus Gmellin) hay con trâu có bệnh (Bubalus bubalisL), nhưng thường thấy ở con bò hơn.
Con trâu hoặc con bò bị bệnh này thường gầy, ngơ ngác, mắt đỏ, lông dựng đứng, hay uống nước, sợ người, khi đi đầu quay nghiêng, đứng nằm thở khò khè, có người nhận xét buổi sớm nó hay nhìn ngơ ngác về phía đông.
Khi mổ trâu, bò lấy túi mật ta chú ý nắn túi và ông mật hễ thấy có cục rắn cứng thì nên rạch sớm túi mật ra, lọc qua rây, lấy mật riêng và ngưu hoàng riêng. Nếu để lâu, dịch mật ngấm vào ngưu hoàng sẽ làm ngưu hoàng đen, phẩm chất kém.
Khi lấy được ngưu hoàng rồi, rửa qua rượu, bọc kín phơi râm cho đến khi khô. Có người rửa rượu rồi thì tẩm nước gừng loãng, rồi treo phơi râm cho khô. Gói vào giấy bóng kính đựng vào hộp kín, dưới có lót vôi sống để hút ẩm. Không được phơi nắng hay sấy lửa, không được phơi ở chỗ có gió mạnh và không để ra ánh sổng, nếu không ngưu hoàng bị nứt vỗ sẽ đen sậm lại.
Ngưu hoàng có khi to bằng quả trứng gà, bé thì bằng hạt sạn, sắc vàng, đắng, thơm, xốp nhẹ, không nứt vỡ, không đen sậm là tốt.
Hiện nay còn có ngưu hoàng tổng hợp bán ở thị trường quốc tế.
Thành phần hóa học: Có acid colic, cholesterol, ergosterol, acid béo, este phosphoric, bilirubin, vitamin D, muối calci, chất sắt, đồng, có loại còn có caro – tenoid và các acid amin.
Tính vị – quy kinh: Vị đắng, tính bình. Vào hai kinh tâm và can.
Tác dụng: Thanh tâm, giải độc, thông khiếu, tiêu đờm, định kinh.
Công dụng: Trị sốt cao phát cuồng, nói mê, trị kinh giản.
Liều dùng: Ngày dùng 0,3 – 0,6g.
Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai không nên dùng vì làm trụy thai.
Cách bào chế:
Dùng đến đâu tán nhỏ đến đó và nên dùng ngay.
Bảo quản: Rất dễ vỡ, vụn nát. Cần bọc bông, lụa để vào hộp sắt hoặc lọ kín, có lót chất hút ẩm (silicagel, vôi sống…); tránh ẩm, tránh va chạm, đè nén.

5/51 rating
Bình luận đóng