MỘT SỐ DƯỢC LIỆU VỚI CÁC THÀNH PHẦN KHÁC
Tỏi Allium sativum L., họ Hành – Alliaceae.
            Tỏi có nguồn gốc từ Trung Á, hiện nay được trồng khắp thế giới để làm gia vị. Tỏi cũng là 1 dược liệu được biết dùng từ lâu, hiện nay trong y học hiện đại đang khai thác để sử dụng.
            Thành phần hóa học: Củ tỏi khô còn chứa 50 – 60% nước, 2% chất vô cơ. Lượng glucid khá nhiều: 10 – 15% đường khử và saccharose, chủ yếu là polysaccharid loại fructosan (chứa đến 75% tính theo khô). Trong tỏi còn có 1 lượng nhỏ các vitamin (A, B1, B2, B3 và C).
            + Thành phần quan trọng về mặt tác dụng sinh học là các chất S – alkyl cystein sulfoxid
gốc alkyl R có thể là methyl, ethyl, allyl, butyl, trong đó chất chính là S- allyl cystein sulfoxid hay là alliin (R = CH2 =CH–CH2 –). Bản thân alliin không có tác dụng kháng khuẩn nhưng dưới tác dụng của enzym alliinase có sẵn trong tỏi thì giải phóng ra allicin là một alkyl thiosulfinat có tác dụng. Sự  chuyển hóa này xảy ra rất nhanh: 50% trong 2 phút. Muốn có alliin thì phải làm mất hoạt tính của enzym trước khi chiết xuất.
            Alliin là chất kết tinh không màu, tan trong nước và hầu như không có mùi, còn allicin là 1 chất lỏng không màu d = 1,112, n20D 1,561, có mùi tỏi mạnh. Allicin có độ tan trong nước khoảng 2,5% ở 10°C, dễ tan trong benzen, ether. Dung dịch trong nước có pH 6,5 và dần dần có chất dầu lắng xuống, độ acid hơi tăng lên do tạo thành sulfurdioxyd và hoạt tính kháng khuẩn giảm xuống. Khi cho tác dụng với kiềm thì allicin tạo thành allyl disulfit kết tủa.
            Allicin khi kết hợp với cystein thì mất hoạt tính sinh vật.
            Khi tác dụng với thiamin, allicin tạo thành allyl thiamin.
            Người ta cho rằng cơ chế tác dụng kháng khuẩn là do allicin khóa nhóm SH của vi khuẩn. Độ độc của allicin: LD50 trên chuột thí nghiệm là 60 mg/kg khi tiêm tĩnh mạch và 120mg/kg khi tiêm dưới da.
            Tác dụng kháng khuẩn của allicin: ở nồng độ 1:125.000 ức chế các vi khuẩn: Bacillus subtilis, Proteus morgani, Salmonella enteritidis, S.paratyphi, S. schottmuelleri, S. typhi, S. typhimurium, Shigella dysenteriae, S. paradysenteriae,  Staph. aureus, Streptococcus viridans, Vibrio cholerae. Ở nồng độ 1:85.000 ức chế Streptococcus haemolyticus. Ở nồng độ 1:48.000 ức chế Aerobacter aerogenes,  E. coli, Mycobacterium phlei, M. tuberculosis hominis, Salmonella hirschfeldii. Ở nồng độ 1:25.000 ức chế Penicillium cyclopium, Aspergillus fumigatus; 1:10.000 ức chế Streptomyces griseus.
            Để chiết allicin có thể dựa vào quy trình tóm tắt sau: Nghiền tỏi với ethanol 95%, dịch lọc đem cất ở áp suất giảm (15 – 20mmHg) cho đến khi loại hết cồn. Tiếp tục cất ở áp suất thấp hơn (10mmHg), trong qúa trình cất cần thêm nước để giữ thể tích nước trong bình không đổi. Dịch cất thu được đem lắc với ether, bốc hơi ether, ta có alllicin, Allicin thu được cần bảo quản trong tủ lạnh.
            Vì allicin rất dễ bị hỏng và có mùi mạnh nên hiện nay trên thị trường người ta bào chế 1 số chế phẩm dạng viên nang chứa alliin. Muốn chiết xuất alliin thì cần phải làm mất hoạt tính của enzym.
            + Trong tỏi có các dẫn chất S – alkyl cystein
            là những chất tiền sinh ra các chất S – alkyl cystein sulfoxid.
            + Virtanen và cộng sự (1959) phân lập chất cyclo – alliin.
            + L.D. Lawson (1990) theo  dõi nghiên cứu thành phần tỏi tươi nghiền với nước đã phát hiện thêm 4 dialk(en)yl thiosulfinat mới [ R1- S – S(O)R2]. Bốn chất này đều có nhóm trans – 1 – propenyl, đó là 1 – propenyl allyl, allyl 1 – propenyl, methyl 1 – propenyl và 1 – propenyl methyl thiosulfinat. Tỏi mới thu hoạch thì hàm lượng 1 – propenyl thiosulfat rất thấp nhưng sau đó tăng dần lên. Sau 10 tuần bảo quản ở 4°C thì hàm lượng 1 – propenyl thiosulfat là 58%  so với allicin, trong lúc đó thì hàm lượng allicin không thay đổi sau 6 tháng. Bình thường tỏi chứa 3,7% allicin. 
            + Polysaccharid chứa trong tỏi là fructosan.
            Công dụng.
            Đã từ lâu đời, tỏi ngoài công dụng làm gia vị còn là dược liệu để chữa các bệnh tả, dịch hạch, giun sán và làm thuốc thông tiểu. Tỏi còn được coi là 1 vị thuốc trường sinh của một số dân tộc vùng Tây tạng. Ngày nay tỏi được dùng chủ yếu làm thuốc  chống xơ mỡ động mạch, làm hạ cholesterol và lipid máu, thuốc chống nhiễm trùng đường hô hấp và đường ruột, trĩ, đái tháo đường. Người ta dùng nước tỏi thụt để trị lỵ amib, lỵ trực trùng và trị giun. Chế bằng cách gỉa tỏi, ngâm 2 giờ với nước sôi để nguội, tỷ lệ 5 -10%, lọc. Nếu trị lỵ, mỗi ngày thụt 1 lần, thời gian điều trị 5 – 7 ngày. Nước tỏi còn dùng để chữa viêm mũi, viêm âm đạo.
            Dạng dùng trong: a) Cồn tỏi, chế theo dược điển Việt Nam
                                          b) Viên nang chứa alliin.
            Một số cây cùng chi Allium có những chất tương tự  như alliin, dưới tác dụng của enzym cũng chuyển thành những chất tương tự như alliin có công thức chung
            và cũng có tác dụng kháng khuẩn.
            Người ta đã tổng hợp được những chất tương tự có gốc R khác nhau và nhiều chất thấy có tác dụng. Dưới đây là một số chất.
Nồng độ tác dụng kháng khuẩn của các chất RSOSR
(milimol trong 10 lít) 
Vi khuẩn bị kháng
R
Me
Et
nPr
iPr
nBu
nAm
Allyl
Salmonella typhi
1,5
1,5
3
6
6
1,3
1
Shigella dysenteriae
1,5
0,6
2
6
4,5
0,3
Staph. aureus
3
1,5
2
3
0,5
0,1
0,6
            NghệCurcuma longa L., họ Gừng – Zingiberaceae.
            Thành phần có tác dụng kháng khuẩn: Chất curcumin, thực ra đây là một hỗn hợp gồm: Diferuloylmethan * hay là curcumin chính danh (Curcumin I) (60%).
·      Curcumin II hay monodesmethoxy – curcumin (24%).
·      Curcumin III hay didesmethoxy – curcumin (14%) 
(I)   R1 = OCH3, R2 = OCH3
(II)  R1 = OCH3, R2 = H
(III)R1 = H, R2 = H
            Tác dụng kháng khuẩn: Curcumin ức chế hoàn toàn sự phát triển của các vi khuẩn sau: Staph. aureus ở  nồng độ 1:20.000; Salmonella paratyphi ở 1:5.000 Mycobacterium tuberculosis Trichophyton gypseum ở 1:10.000*
            Công dụng.
            Nghệ dùng trong có tác dụng chữa viêm dạ dày, ruột, dùng ngoài để chữa mụn nhọt.
            Cũng như cynarin (xem bài actisô), các chất curcumin có 2 nhóm cinnamoyl trong phân tử nên cũng có tác dụng lợi mật.
Đào lộn hột (điều) Anacardium occidentale L. (Anacardiaceae).
            Thành phần có tác dụng kháng khuẩn: Acid anacardic. Natri anacardat ức chế Streptococcus pyogenes ở nồng độ 1:200.000 Bacillus anthracis, Mycobacterium tuberculosis, Neisseria gonorrhoeae và Staph. haemolyticus aureus ở 1:20.000.
Hypericum uliginosum. Hypericum uliginosum H.B.K. thuộc họ Cỏ ban – Hypericaceae. Cây này đã được nhân dân Mehico sử dụng từ lâu để chữa tiêu chảy. Thành phần có tác dụng kháng khuẩn khá mạnh lên các vi khuẩn gram dương là Uliginosin A và B. Công thức hai chất trên đã được xác lập năm 1968 và sau đó đã tổng hợp được. Phân tử có cấu trúc phloroglucinol và acid filicinic tương tự như aspidin, flavaspidin hoặc rotlerin (xem chương dược liệu trị giun sán).
            Địa y. Một số địa y thuộc chi Cladonia, Alectoria, Cetraria… có thành phần hoạt chất là acid usnic có tác dụng kháng khuẩn khá mạnh. Dạng muối Natri (chế phẩm BINAN của Liên Xô cũ) dễ bảo quản. Dùng ngoài để điều trị bỏng, vết thương có mủ và dùng trong phụ khoa. BINAN có tác dụng kìm hãm vi khuẩn ở nồng độ 1:200.000; Nếu nồng độ cao hơn thì có tác dụng diệt vi khuẩn Mycobacterium.
            Đại phong tử  Hạt của cây Đại phong tử – Hydnocarpus anthelmintica Pier., họ Mùng quân – Flacourtiaceae chứa dầu béo mà thành phần cấu tạo có chứa các acid béo đặc biệt (xem chương dược liệu chứa lipid): acid chaulmoogric, acid hydnocarpic, acid gorlic… Những acid này có tác dụng diệt trực khuẩn lao và hủi.
* Ghi chú: acid ferulic là acid hydroxy 4 – methoxy – 3 – cinnamic
* Ghi chú: Curcumin thuộc loại dẫn chất có nhóm chất ceton với nối đôi ở vị trí a, b, là nhóm mang tính kháng khuẩn. Các dẫn chất có nhóm đó phần lớn cũng gặp trong các mục của chương này.

https://hoibacsy.vn

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ và cs. (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
0/50 ratings
Bình luận đóng