Ở Việt Nam, lượng dược liệu bị mối mọt lên đến 15 – 20% và dược liệu bị nhiễm nấm mốc vào khoảng 12 – 28%. Các nhà khoa học đã khắc phục tình trạng trên bằng phương pháp chiếu xạ.

Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội phối hợp với Bộ môn côn trùng, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Dược Hà Nội và một số cơ sở sản xuất dược liệu tìm thấy khoảng 40 loài côn trùng gây hại có mặt trong các loại dược liệu khảo sát.

Nấm mốc có thể tiết ra độc tố

Các kiện hàng đông dược, dược liệu chờ chiếu xạ tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội. Ảnh: Q. Minh
Không chỉ các dược liệu nguồn gốc tinh bột mà cả những loại nghèo dinh dưỡng, thậm chí dược liệu chứa tinh dầu cũng bị côn trùng tấn công. Nghiên cứu về mức độ nhiễm nấm mốc cho thấy có trên 1.400 chủng nấm mốc thuộc 43 loài có mặt trong 35 loại dược liệu khảo sát.

Các loài nấm mốc này đều có khả năng phát triển rất nhanh, gây tổn thất lượng dược liệu lớn, thậm chí một số loài có thể tiết ra các độc tố, ảnh hưởng tới chất lượng dược liệu và sức khỏe người dùng.

Những năm qua, nhiều biện pháp diệt trừ côn trùng, nấm mốc trong dược liệu đã được nghiên cứu. Các biện pháp chủ yếu để làm sạch và bảo quản đông dược gồm xử lý nhiệt, phun thuốc trừ sâu trong quá trình trồng thảo dược, phun hóa chất sau khi thu hoạch, xông hơi lưu huỳnh hay khử trùng bằng các loại khí độc như ethylene oxide (EtO)…

Các biện pháp trên có nhiều nhược điểm như không xử lý hoàn toàn và triệt để, dư lượng hóa chất khử trùng trong sản phẩm vẫn còn. 

Phương pháp xử lý chiếu xạ
Các nhà nghiên cứu đã chiếu xạ các mẫu đương quy bị sâu mọt từ kho chứa dược liệu của công ty Dược phẩm Trung ương I với dải liều chiếu từ 0,25-1,0 kGy. Kết quả thu được cho phép khẳng định liều chiếu 0.25 kGy là đủ tiêu diệt các loại ấu trùng, côn trùng gây hại xâm nhiễm vào dược liệu cũng như ngăn cản sự tái nhiễm của côn trùng trong điều kiện phòng thí nghiệm tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội.
Chiếu xạ dễ xử lý các kiện hàng
Theo kết quả nghiên cứu, thành phần, chất lượng dược liệu đã được xử lý chiếu xạ không có sự thay đổi nào kể cả về hình thức cảm quan sau 3 tháng bảo quản. Việc xử lý chiếu xạ gamma liều chiếu dưới 8 kGy không ảnh hưởng đáng kể tới độ ẩm dược liệu trong quá trình bảo quản; không bị côn trùng, nấm mốc xâm nhập sau 6 tháng bảo quản..

Các nghiên cứu sâu hơn về ảnh hưởng của dược phẩm đông y chiếu xạ lên một số chỉ tiêu sinh lý, sinh hóa động vật cũng không cho thấy sự khác biệt nào về các chỉ tiêu sinh hóa và huyết học. Những thay đổi đó chủ yếu xảy ra theo hướng tăng cường sức đề kháng của cơ thể như tác dụng chung của thuốc. Kết quả thu được đã chứng tỏ tính an toàn của dược phẩm được xử lý bằng chiếu xạ đối với người sử dụng.

Ngoài khả năng tiêu diệt, chống tái nhiễm các loại côn trùng gây hại dược liệu phương pháp này còn thanh trùng, giảm thiểu sự có mặt của các chủng nấm mốc gây hại trong sản phẩm. Đây là công nghệ sạch, hiệu quả, dễ vận hành và an toàn hơn so với các biện pháp khử trùng khác.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành QĐ775/QĐ-TTg ngày 2.6.2010 về quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp đến năm 2020 và Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình đến năm 2020 trong đó có mục tiêu đẩy mạnh, mở rộng, nâng cao hiệu quả các ứng dụng năng lượng bức xạ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Nhờ đó, phương pháp bảo quản hàng hoá bằng bức xạ sẽ được ứng dụng rộng rãi với nhiều loại hàng hoá nhằm phục vụ đời sống tốt hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

N.Hạnh – Q.Minh-Theo baodatviet
0/50 ratings
Bình luận đóng