Mục lục
Viêm thận kẽ cấp tính
Định nghĩa: suy thận cấp do quá mẫn cảm với thuốc gây tổn thương mô kẽ ở thận.
Căn nguyên: các thuốc hay gây viêm thận kẽ cấp tính là penicillin (nhất là ampicillin, oxacillin, carbenicillin), rifampicin, kết hợp sulfamid và trimethoprim, lợi niệu thiazidic, và furocemid, allopurinol, azathioprin, phenytoin, cimetidin. Với các thuốc chống viêm không phải steroid → xem bệnh thận do thuốc chống viêm không phải steroid.
Giải phẫu bệnh: mô kẽ bị phù, bị xâm nhiễm bởi bạch cầu ưa acid, bạch cầu lympho-tương bào, các tế bào biểu mô có u hạt hay tế bào khổng lồ. Cầu thận bình thường.
Triệu chứng: xuất hiện sau khi bắt đầu điều trị 2-3 tuần, có thiểu niệu, đôi khi có sốt, nổi ban ở da và đau khớp.
Xét nghiệm cận lâm sàng
- Huyết đồ: tăng bạch cầu ưa acid, giảm tiểu cầu, thiếu máu dung huyết.
- Urê huyết thường tăng.
- Nước tiểu: protein niệu và đái ra máu.
Xét nghiệm bổ sung: chụp siêu âm thấy thận hơi to.
Tiên lượng và tiến triển: các triệu chứng sẽ giảm khi ngừng dùng thuốc gây viêm thận; các tổn thương ở thận hồi phục sau vài tuần.
Chẩn đoán: dựa trên có suy thận cấp xảy ra sau khi dùng một thứ thuốc, kèm theo có sốt, nổi mẩn ở da và tăng bạch cầu ưa acid trong máu. Chẩn đoán nguyên nhân phải dựa vào xét nghiệm tế bào học chọc dò-sinh thiết thận kết hợp với các xét nghiệm đặc hiệu: phát hiện kháng thể kháng nhóm penicilloyl (hapten của penicillin và của meticillin), kháng thể kháng màng đáy, lắng đọng IgG và bổ thể ở màng đáy của ống thận.
Điều trị: ngừng dùng thuốc là nguyên nhân gây bệnh. Các corticoid liều thường dùng, dùng trong 2-3 tuần có tác dụng làm nhanh khỏi. Điều trị suy thận cấp thì xem bài này.
GHI CHÚ – đôi khi người ta dùng thuật ngữ viêm thận kẽ cấp tính nhiễm khuẩn để chỉ tổn thương kẽ thận trong trường hợp nhiễm khuẩn cấp như viêm bể thận cấp, nhiễm liên cầu khuẩn, nhiễm brucella, leptospira, bệnh của lính viễn chinh, một vài bệnh do virus hoặc do ký sinh trùng.
Viêm thận kẽ mạn tính
Định nghĩa: mô kẽ thận bị tổn thương do nhiễm khuẩn, nhiễm độc, miễn dịch, chuyển hoá; có thể trở thành suy thận mạn tính.
Cần nguyên
- Thuốc: giảm đau (xem bài bệnh thận do thuốc giảm đau), thuốc chống viêm không phải steroid (xem bài bệnh thận do thuốc chống viêm không phải steroid), muối li thi.
- Chất độc với thận: kim loại nặng (beryl, bismuth, cađimi, chì).
- Rối loạn chuyển hoá:các muối urat, oxalat, muối calci, globulin miễn dịch bất thường đi qua thận nhiều có thể gây xơ hoá kẽ thận.
+ Tăng calci huyết mạn tính: xơ kẽ thận có lắng đọng calci ở ống thận. Trước tiên gây tiểu nhạt sau đó là suy thận.
+ Tăng acid uric niệu mạn tính: bệnh thận do urat, lắng đọng urat natri trong kẽ thận
+ Giảm kali huyết kéo dài: tổn thương ống thận-kẽ thận, có đa niệu, tiểu nhiều về đêm và ni tơ huyết tăng vừa phải.
+ Oxalat niệu cao.
+ Bệnh do các thuốc nhuận tràng.
- Nhiễm khuẩn ngược dòng:viêm bể thận mạn tính (xem bệnh nhiễm khuẩn niệu mạn tính), lao thận, viêm thận do nấm (hiếm).
- Bệnh thận có tắc nghẽn: các dị tật mắc phải hoặc bẩm sinh ở đường niệu tạo điều kiện thuận lợi cho nhiễm khuẩn ngược dòng và viêm bể thận mạn tính thường gặp trong sỏi thận, trào ngược bàng quang-niệu quản, u xơ tuyến tiền liệt, dị tật niệu quản-bàng quang và niệu quản phì đại.
- Phản ứng miễn dịch: đa u tủy (lắng đọng các chuỗi nhẹ của globulin miễn dịch trong ống thận), thải thận ghép, bệnh thận trong lupus ban đỏ rải rác, hội chứng Sjogren, sarcoidose, AIDS.
- Tác nhân vật lý:viêm thận sau chiếu xạ (xem bệnh này).
- Nguyên nhân khác:sarcoidose, bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, viêm ống thận-kẽ thận địa phương.
- Thâm nhiễm mô kẽ:thận nhiễm bột, u lympho, leucemi, bệnh
Giải phẫu bệnh: ở giai đoạn muộn, một hoặc hai thận bị teo. về vi thể: mô kẽ bị thâm nhiễm bởi bạch cầu hoặc bị xơ hoá. Bao giờ cũng có các tổn thương ở ống thận, khó xác định là tổn thương xảy ra sau hay đồng thời với tổn thương ở mô kẽ. Các cầu thận lúc đầu bình thường nhưng sau đó có thể bị phá huỷ ở các thể muộn.
Triệu chứng: viêm thận kẽ mạn tính có thể không có triệu chứng trong nhiều năm và chỉ được phát hiện ở giai đoạn đã bị suy thận mạn tính. Bệnh có thể bị các triệu chứng của bệnh chính che lấp. Thường hay bị cao huyết áp và đa niệu.
Xét nghiệm cận lâm sàng: dấu hiệu đầu tiên là thận không có khả năng cô đặc nước tiểu. Protein niệu (dưới 2,5 g/ngày) và bạch cầu niệu thường nhẹ. Rôl loạn các thông số hoá sinh trong máu như ở suy thận mạn tính. Một số trường hợp có natri huyết giảm do mất nhiều natri qua nước tiểu, bị nhiễm acid chuyển hoá (thận không đào thải được ion H+ hay tái hấp thu bicarbonat). Kết quả là bị nhiễm acid chuyển hoá kèm theo hạ kali huyết, calci niệu cao, nhuyễn xương.
Tiên lượng: tuỳ thuộc vào nguyên nhân. Phần lớn viêm thận kẽ mạn tính dẫn tối suy thận mạn tính.
Điều trị: điều trị nguyên nhân nếu có thể được. Sử dụng kháng sinh nếu bị nhiễm khuẩn. Giải quyết bỏ tắc nghẽn đường niệu. Điều trị bệnh gút, sỏi niệu hay u tuỷ. Dùng corticoid nếu có phản ứng miễn dịch. Điều trị suy thận mạn tính.
Viêm thận sau chiếu xạ
Định nghĩa: tổn thương thận do chiếu liều cao bức xạ ion hoá vào thận.
Căn nguyên: chiếu bức xạ ion hóa trên 2000-2500 rad trong vài tuần.
Giải phẫu bệnh: phù, thâm nhiễm bạch cầu rồi xơ hoá mô kẽ; ống thận và cầu thận bị tổn thương thứ phát.
Triệu chứng: suy thận phát triển trong vài tuần hoặc vài tháng sau khi bị chiếu xạ. Viêm thận sau chiếu xạ cũng thể hiện bằng hội chứng thận hư hoặc bằng huyết áp động mạch cao, có khi xảy ra 1-2 năm sau khi bị chiếu xạ.
Điều trị: điều trị triệu chứng.
Viêm ống thận-kẽ thận địa phương
Tên khác: viêm thận vùng Balkan.
Căn nguyên: do độc tố nấm có trong thức ăn. Bệnh lưu hành ở một số vùng ở bán đảo Balkan và lưu vực sống Đa Nuýp.
Giải phẫu bệnh: mô kẽ của thận bị
xơ hoá tiến triển dẫn đến teo thận.
Triệu chứng: suy thận mạn tính tiến triển khá nhanh trong vài năm, thường kèm theo thiếu máu nặng và nhiễm acid do ống thận. Hiếm khi bị cao huyết áp động mạch. Thường hay có biến chứng ung thư bể thận và ung thư niệu quản.
Điều trị: điều trị triệu chứng.