Bệnh đường ruột do Sán dây lợn (Sán dải heo Toenia Solium) trưởng thành thường lành tính, có liên quan đến tục ăn thịt heo sống. Nhưng bệnh do ấu trùng sán có liên quan đến việc ăn rau sống không rửa kỹ lại đa dạng về lâm sàng (tuỳ cơ quan ký sinh), đôi khi nguy hiểm và đưa đến tử vong.

KÝ SINH TRÙNG

Sán trưởng thành dài 2-40 m, có 800-1.000 đốt sán. Đầu sán hình cầu, đường kính khoảng 1 mm, có 4 đĩa hút và chuỳ nhô lên, mang một hàng móc đôi; đốt sán trưởng thành gần như hình vuông, có lỗ sinh dục xen kẽ tương đối đều đặn. Đốt sán mang trứng 1,2 cm X 0,6 cm, tử cung ở giữa có 7-12 nhánh bên, chứa 30.000 – 50.000 trứng.

Toenia Solium sống ở phần đầu hỗng tràng. Đốt sán mang trứng đứt ra thành chuỗi 4-5 đốt, đốt sán hoặc theo phân ra ngoài, hoặc vỡ phóng thích trứng ngay trong ruột già cho trứng theo phân ra ngoài. Trứng đã có sẵn phôi 6 móc nên có khả năng lây nhiễm ngay, ra ngoài dính lên đất, rau, cỏ… khi heo ăn rau, cỏ… nuốt phải trứng, phôi 6 móc nở ra trong ruột, vào máu và trở về tim, theo đại tuần hoàn đến và định vị ở bắp thịt, các cơ quan nội tạng. Tại đây, chúng phát triển thành nang ấu trùng (Cysticercus Cellulosae) sau 9-10 tuần. Khi người ăn thịt heo gạo còn sống (nem) hoặc chưa nấu chín, nang ấu trùng theo đường miệng xuống ruột non, bung đầu sán ra bám vào niêm mạc và mọc các đốt sán, thành sán trưởng thành sau 8-10 tuần. Thường mỗi người chỉ nhiễm 1 sán trưởng thành, sán có thể sống được 25 năm.

Nếu người nuốt phải trứng sán (ăn rau sống), trứng cũng nở ra phôi 6 móc, vào máu, về tim rồi theo đại tuần hoàn lên não, mắt, da, phổi, thận… và phát triển thành nang ấu trùng. Tình trạng nhiễm ấu trùng trong mô còn có thể xảy ra khi người mang sán trưởng thành nôn mửa, đưa đốt sán mang trứng từ ruột non lên dạ dày.

DỊCH TỄ

Bệnh do Sán dây lợn ở khắp nơi, tỷ lệ nhiễm sán cao ở những nơi nuôi heo thả rông, có tục ăn thịt heo sống và tình trạng quản lý phân chưa tốt. Những trường hợp nhiễm sán ở Việt Nam thường do ăn nem; những người theo đạo Hồi hoặc đạo Do Thái không nhiễm sán vì họ không ăn thịt heo. Heo nhiễm sán là do ăn cỏ hoặc rau có ô nhiễm phân người.

ở Việt Nam bệnh gạo ở người thường gặp, người Việt Nam cũng thường ăn rau sống, mà rau cũng có thể được bón phân ngươi, khi ăn không rửa kỹ bị nhiễm phải trứng sán.

BỆNH SINH

Sán trưởng thành kích thích niêm mạc ruột non. Đôi khi sán có thể gây tắc ruột.

Ấu trùng sán kéo theo hiện tượng thâm nhiễm bạch cầu. Khi hiện tượng viêm này xảy ra ở những cơ quan sinh tồn, bệnh nhân có thể bị tử vong.

TRIỆU CHỨNG

Bệnh do sán trưởng thành: Giống Toenia Saginata.

Bệnh do ấu trùng: Triệu chứng tuỳ thuộc nơi mà ấu trùng ký sinh:

Bắp thịt:

Không triệu chứng.

Khi vôi hoá: Có vết mờ trên phim X quang.

Mô dưới da: Cục u rải rác ở da.

Não:

Triệu chứng của bướu nội sọ: liệt, động kinh… bạch cầu toan tính tăng trong dịch não tuỷ.

Khi nhiễm nhiều ấu trùng: có thể tử vong.

Mắt: Ấu trùng nằm trong dịch kính, võng mô, tiền phòng… bệnh nhân có thể bị mù.

Cơ tim: Nhịp tim nhanh, tiếng tim biến đổi, khó thỏ, xỉu…

CHẨN ĐOÁN

  • Bệnh do sán trưởng thành

Tìm trứng hoặc đốt sán mang trứng trong phân. Phân biệt với Toenia Saginata.

Có thể tìm trứng sán bằng phương pháp Graham.

  • Bệnh do ấu trùng

. Sinh thiết da.

. Soi đáy mắt.

. Miễn dịch chẩn đoán: Tìm kháng thể kháng ấu trùng bằng phương pháp cố định bổ thể, ngưng kết hồng cầu gián tiếp, Ouchterlony, ELISA.

ĐIỀU TRỊ

  • Bệnh do sán trưởng thành

Trước khi dùng thuốc xổ sán phải tránh nôn mửa bằng cách dùng thuốc chống nôn như prochlorperazin.

Vì nôn mửa trong lúc đang xổ sán có thể đưa đến bệnh ấu trùng ở các mô.

Có thể dùng các thuốc xổ sán như:

Niclosamid: Liều duy nhất 2g.

  • Bệnh do ấu trùng

Giải phẫu lấy ấu trùng ra (trường hợp ấu trùng ở da, mắt…)

Dùng các thuốc dẫn xuất của piperazin như Hetrazan, Notezine, Mintezol, Biltricide: Dùng liều thấp trong nhiều ngày.

DỰ PHÒNG VÀ CHĂM SÓC

  • Dự phòng

Tìm và chữa người có sán trưởng thành.

Quản lý phân (hố xí hợp vệ sinh).

Tránh đi tiêu bừa bãi ra ngoại cảnh.

Không dùng phân tươi bón cây.

Kiểm soát thịt heo trước khi cho bán.

Tránh ăn thịt heo sống.

Ăn rau sống phải rửa thật kỹ.

Giáo dục sức khoẻ.

  • Chăm sóc

Giải thích cho bệnh nhân sự cần thiết phải kiên nhẫn khi xổ sán (để tránh tái phát). Sự cần thiết dùng thuốc chống nôn trước khi dùng thuốc xổ sán.

0/50 ratings
Bình luận đóng