Khái niệm
Tỳ có âm khí, dương khí. Dương khí của Tỳ tức Tỳ khí, Tỳ dương, mà Âm khí của Tỳ tức là Tỳ huyết, tân dịch của Tỳ.
Chứng Tỳ âm hư tức là âm huyết, tân dịch của tạng Tỳ bất túc của chứng Tỳ âm khí bất túc, mà trên lâm sàng gọi là chứng Tỳ âm hư, có khi chỉ nói theo tân dịch của Tỳ bất túc, cũng có khi chỉ Tỳ huyết bất túc.
Sách Mạch nhân chứng trị nói: “Tỳ hư có chia ra âm dương, tỳ âm hư là tỳ huyết tiêu hao, Tỳ hỏa bốc lên. Tỳ tuy hư mà vẫn nhiệt, nếu uống thuốc ôn Hỏa cũng thịnh mà âm cũng bị tiêu hao; Cần phải dùng thuốc tư bổ Tỳ âm thì dương sẽ lui mà không còn thiên thắng nữa”. Vì vậy, chứng Tỳ âm hư trên thực tế là chứng “âm hư dương cang” ở tạng Tỳ. Phần nhiều do mệt nhọc gây nên.
Biểu hiện lâm sàng chủ yếu của chứng Tỳ âm hư là không thiết ăn uống, ăn vào không tiêu hóa, nôn khan và nấc, cồn cào Vị thống, miệng khô mà nhạt, đại tiện khô rắn, cơ bắp teo gầy, lưỡi đỏ ít tân dịch, rêu lưỡi vàng hoặc không có rêu, mạch Tế Sác.
Chứng tỳ âm hư thường gặp trong các bệnh Vị thống, Tiện bí, Thổ nục, Tiện huyết.
Cần chẩn đoán phân biệt giữa các chứng Vị âm hư, chứng Đại trường tân dịch suy và chứng Tâm Tỳ huyết hư.
Phân tích
Bệnh ở tạng Tỳ phần nhiều bàn tới hai chứng Tỳ khí hư và chứng Tỳ dương hư; mục Nam nữ dị đồng luận sách Huyết chứng luận viết: “ Bắt đầu mà bổ Tỳ âm, là người xưa ít phát minh”, nhưng Tỳ lại có “một âm, một dương, không thể thiên lệch bỏ đi loại nào”. Cho nên chứng hậu dẫn đến Tỳ âm hư, nên phân biệt kỹ càng.
Trong bệnh vị thống xuất hiện chứng Tỳ âm hư, trong bụng cồn cào và đau, lại thấy cả các chứng trạng ăn kém không tiêu hóa, yết hầu khô ráo, khát nước tâm phiền, hoặc nôn khan và nấc, đại tiện khô kết, rêu lưỡi vàng, mạch Tế Sác. Mục Nam nữ dị đồng luận sách Huyết chứng luận còn nói: “Điều trị Tỳ Vị nên chia ra Âm Dương. Sau Lý Đông Viên rất coi trọng Tỳ Vị, nhưng mới biết bổ Tỳ dương mà không biết tư dưỡng Tỳ. Tỳ dương bất túc, thủy cốc vốn không tiêu hóa được; Tỳ âm bất túc, thủy cốc cũng không tiêu hóa được”. Cho nên “bổ Tỳ âm lấy khai Vị tiến thực” trở nên một phương pháp chữa Vị thống có hiệu quả; Bài thuốc dùng Sa sâm mạch môn đông thang (Ôn bệnh điều biện), Mạch môn đông thang (kim quỹ yếu lược).
Tỳ âm hư gặp trong Huyết chứng, hoặc nhổ ra máu, hoặc khạc ra máu, khi phân tích hoặc lấy biểu hiện Tỳ âm hư là chủ yếu, hoặc lấy biểu hiện âm hư hỏa vượng là chủ yếu, để phân biệt điều trị.
Mục Thóa huyết sách Huyết chứng luận viết: “Tỳ có thể thống huyết, thì huyết có thể theo kinh mà không đi càn. Khiến cho huyết chạy và tiết ra ở trong Vị, vì nhổ mà ra, đó là âm phận của Tỳ mà bị bệnh, làm mất đi cái tác dụng thống huyết thông thường”. Lại nói: “Tỳ kinh âm hư, mạch Tế Sác, tân dịch khô, huyết không được yên, cho uống Mạch đông dưỡng vinh thang gia Bồ hoàng, A giao”; “Tỳ kinh có hỏa nặng quá, môi miệng khô ráo, đại tiện bí kết, mạch Hoạt Thực, nên dùng Tả tâm thang gia Đương qui, Sinh địa, Bạch thược, Hoa phấn, Thốn đông, Chỉ xác, Bồ hoàng, Cam thảo”. Tỳ âm hư mà không nhiếp huyết, thì “mỗi khi do tư lự mà tổn thương Tỳ âm, nằm ngủ không yên, hồi hộp, mệt mỏi, ăn uống kém, nên uống Quy Tỳ thang” (Tế sinh phương).
Nếu bệnh Tiện bí gặp trong chứng Tỳ âm hư tức như sách Thương hàn luận bảo là chứng Tỳ ước, mục ện Dương minh bệnh mạch chứng tính trị pháp sách Chú giải Thương hàn luận có nói: “Vị mạnh Tỳ yếu, ước thúc tân dịch, không phân bố ra bốn phía dồn xuống Bàng quang làm cho tiểu tiện nhiều lần, đại tiện khó, cho uống Tỳ ước hoàn để thông trường nhuận Táo”. Tỳ ước hoàn tức là Ma tử nhân hoàn, hoặc dùng Ngũ nhân hoàn (Thế y đắc hiệu phương).
Chẩn đoán phân biệt
Chứng Vị với chứng Tỳ âm hư. Tỳ với Vị, một tạng một phủ, cùng là cái gốc của hậu thiên Tỳ ưa táo mà ghét thấp. Vị ưa nhuận mà ghét táo. Nhưng Vị không thể thiếu dương khí, Tỳ cũng không thể thiếu âm dịch, nếu âm dương táo thấp thích hợp thì công năng Vị thu nhận, Tỳ vận chuyển mới có thể bình thường, nếu không thích đáng, sẽ mang cái tai hại một bên thắng một bên suy. Vị có Khí (dương) hư, Âm hư khác nhau; Tỳ cũng có khí (dương) hư, âm hư không giống nhau. Lại vì hai loại này vị trí đều ở Trung tiêu, cho nên khi phát bệnh thường tương tự, cần phân biệt rõ.
Vị âm hư với chứng Tỳ âm hư tuy đều có các chứng trạng kém ăn, cồn cào, nấc, táo bón, lưỡi đỏ ít rêu, mạch Sác v.v… nhưng nguyên nhân và cơ chế bệnh hai chứng này không hoàn toàn giống nhau.
Vị âm hư phần nhiều gặp trong ngoại cảm nhiệt bệnh, nhiệt thắng mà tân dịch hao thương. Tỳ âm hư phần nhiều gặp trong âm huyết hao tổn ngấm ngầm, tân dịch suy mà hỏa vượng. Vị âm hư xu thế bệnh gấp, hoặc do sốt cao, hoặc bị thổ kịch liệt, ỉa chảy nặng, sau khi ra nhiều mồ hôi hoặc sau khi làm phẫu thuật lớn thuộc ngoại khoa làm hao thương âm huyết gây nên: Tỳ âm hư bệnh tình tiến triển từ từ. Vị âm hư, điều trị phép tăng dịch dưỡng âm có thể thu hiệu quả nhanh. Tỳ âm bất túc thì tư bổ Tỳ âm để thu công từ từ…
Chứng Đại trường tân dịch khuy tổn với chứng Tỳ âm hư: Chứng Đại trường tân dịch khuy tổn, biểu hiện lâm sàng chủ yếu là, phần nhiều gặp ở người cao tuổi thể lực tân dịch kém, hoặc phụ nữ sau khi mất nhiều huyết, cũng có th gặp ở thời kỳ cuối của bệnh Nhiệt, ngoài chứng trạng táo bón, đại tiện khó khăn, còn thấy thêm các chứng trạng lưỡi đỏ ít tân dịch, rêu lưỡi vàng, nhưng rất ít chứng trạng phát sinh của Tỳ âm hư như ăn kém, cồn cào, nấc… hơn nữa không có các hiện tượng gầy còm, miệng họng khô, mạch Sác thuộc loại âm hư hỏa vượng; điều trị theo phép nhuận trường thông tiện “tăng nước lên cho thuyền dễ trôi” là phương pháp điều trị thường dùng.
Chứng Tâm Tỳ huyết hư với chứng Tỳ âm hư: Chứng Tỳ âm hư bao gồm hai phương diện Tỳ huyết hư và tân dịch Tỳ bất túc, lâm sàng phần nhiều chỉ tân dịch ở Tỳ bất túc là Tỳ âm hư. Nếu do tư lự thương Tỳ mà huyết thiếu thì Tâm không được nuôi dưỡng, có thể thấy các chứng trạng hồi hộp, sợ sệt, mất ngủ, chóng quên. Chứng Tâm Tỳ huyết hư là do tổn thương tư lự nhọc mệt mà tạo nên Tâm huyết Tỳ huyết bất túc, Tâm mất sự nuôi dưỡng, cũng có các chứng trạng kém trướng bụng đại tiện nhão, mệt mỏi, mặt vàng, đoản hơi, gầy còm v.v… Còn chứng Tỳ âm hư phần nhiều có các chứng trạng miệng khô, nấc, cồn cào, đau dạ dầy, đại tiện khô, chất lưỡi đỏ, mạch Sác v.v…
Trích dẫn y văn
Trong người mệt mỏi, sau khi ăn buồn nôn, đây là chứng hoàn toàn do Tỳ âm bất túc. Tỳ âm bất túc thì Vị dương không nâng lên được mà bị Can uất vũ lại, Can hỏa đưa lên mà chân dương ở trong Vị lại không sinh phát, hoàn toàn mất sự nuôi dưỡng mà thủy cũng bị suy nhược, Tam tiêu đều có âm hỏa vậy (Nội thương – Thận trai di thư).