Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Biểu hiện bệnh sởi đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp và phát ban, nếu nặng bệnh có thể dẫn đến nhiều triệu chứng biến chứng như tiêu chảy, viêm phổi, viêm giác mạc, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong. Bệnh có nhiều triệu chứng giống với sốt phát ban chính vì thế dễ bị nhầm lẫn khi chẩn đoán. Khi bạn tiếp xúc với virus siêu vi sởi, virus siêu vi sẽ ủ bệnh, lây lan trong cơ thể bạn một thời gian và sẽ biểu hiện trong thời gian sau đó trên lâm sàng gặp các triệu chứng sau:
Mục lục
Triệu chứng lâm sàng bệnh sởi
a) Thể điển hình
Giai đoạn ủ bệnh: kéo dài trong 10-14 ngày. Giai đoạn này thường không có triệu chứng hay dấu hiệu đặc biệt, có thể chỉ mệt mỏi, hay người khó chịu.
Giai đoạn khởi phát: kéo dài 2-4 ngày. Các triệu chứng viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp, có thể thấy hạt Koplik là các hạt nhỏ 0,5-1 mm màu trắng có quầng ban đỏ ở trên niêm mạc miệng. Đây là triệu chứng rất quan trọng trong bệnh sởi. Sốt nhẹ hoặc sốt cao 39,5 độ đến 40 độ. Bên cạnh biểu hiện sốt cao, còn kèm theo các triệu chứng khác như co giật, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, đau khớp. Ngoài ra, còn có triệu chứng chảy nước mắt, kết mạc mắt đỏ, bệnh nhân sợ ánh sáng, giác mạc và mi mắt có thể bị sưng phù, hắt hơi, sổ mũi, ho đàm, khàn giọng. Có thể gây viêm thanh quản co rút, nếu có triệu chứng viêm long ở đường tiêu hóa sẽ gây tiêu chảy.
Giai đoạn toàn phát: Kéo dài 2-5 ngày. Sau khi biểu hiện sốt cao 3-4 ngày bệnh nhân bắt đầu phát ban, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân, ban hồng dát sẩn, khi căng da thì ban biến mất. Triệu chứng bệnh sởi dễ nhận thấy là Ban sởi màu hồng nhạt, ấn vào mất, thường kết dính lại. Trong trường hợp nhẹ, ban mọc thưa thớt. Đối với những trường hợp nặng, ban mọc dày đặc cả lòng bàn tay, bàn chân, đôi khi có ban xuất huyết cơ thể kèm chảy máu mũi, miệng, xuất huyết đường tiêu hóa. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.
Giai đoạn hồi phục: Dấu hiệu thường là ban nhạt dần rồi sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu. Bệnh sởi thường tự khỏi nếu không có biến chứng khác.
b) Thể không điển hình
Biểu hiện bệnh sởi không điển hình có thể sốt nhẹ thoáng qua, viêm long nhẹ và phát ban ít, toàn trạng tốt. Ho khan, không có đờm. Chảy nước mũi. Mắt đỏ. Đau đầu. Đau cổ họng. Có thể nổi hạch. Không chịu được ánh sáng và sức nóng.
Thể này dễ bị bỏ qua, dẫn đến lây lan bệnh mà không biết.
Bệnh nhân cũng có thể sốt cao liên tục, phát ban không điển hình, phù nề tứ chi, đau mỏi toàn thân, thường có viêm phổi nặng kèm theo.
Triệu chứng cận lâm sàng
a) Xét nghiệm cơ bản
Công thức máu thường giảm bạch cầu, bạch cầu lympho giảm và có thể giảm tiểu cầu.
X quang phổi có thể có viêm phổi kẽ. Có thể tổn thương nhu mô phổi khi có bội nhiễm.
b) Xét nghiệm phát hiện vi rút
Xét nghiệm huyết thanh học: Lấy máu kể từ ngày thứ 3 sau khi phát ban tìm kháng thể IgM. Những nơi chỉ làm được IgG thì lấy hai mẫu huyết thanh giai đoạn cấp và giai đoạn hồi phục để xác định hiệu giá kháng thể. Hiệu giá kháng thể lần 2 cao gấp ít nhất 4 lần so với lần đầu.
Phân lập vi rút, phản ứng khuếch đại gen (RT-PCR) nếu có điều kiện.
Điều trị bệnh sởi tại nhà
Bệnh sởi nếu không có biến chứng thì hoàn toàn có thể điều trị tại nhà, nguyên tắc chủ yếu điều trị là cách ly bệnh nhân sởi, Điều trị hỗ trợ để giảm triệu chứng cho bệnh nhân, Phát hiện và điều trị sớm biến chứng. Các điều trị cụ thể là:
Vệ sinh da, mắt, miệng họng.
Tăng cường dinh dưỡng.
Hạ sốt:
+ Áp dụng các biện pháp hạ nhiệt vật lý như lau nước ấm, chườm mát.
+ Dùng thuốc hạ sốt paracetamol khi sốt cao.
Bồi phụ nước, điện giải qua đường uống. Chỉ truyền dịch duy trì khi người bệnh nôn nhiều, có nguy cơ mất nước và rối loạn điện giải.
Bổ sung vitamin A:
+ Trẻ 6-12 tháng tuổi: 100.000 đơn vị liều duy nhất.
+ Trẻ trên 12 tháng tuổi và người lớn: 200.000 đơn vị liều duy nhất.
+ Những trường hợp có biểu hiện bệnh về mắt do thiếu vitamin A: Lặp lại liều trên vào ngày 2 và ngày 28.
Các dấu hiệu biến chứng sởi cần điều trị tại bệnh viện
a) Nếu có bội nhiễm vi khuẩn cần điều trị kháng sinh
b) Nếu bệnh nhân có biến chứng viêm phổi, viêm não hoặc viêm cơ tim cần Hạn chế truyền dịch
c) Nếu có triệu chứng viêm não màng não cấp tính: Tích cực điều trị hỗ trợ duy trì chức năng sống: Chống co giật, Chống phù não, Chống suy hô hấp…
Các triệu chứng bệnh sởi và các biểu hiện biến chứng cần quan tâm để có thể điều trị kịp thời các biến chứng để tránh những hậu quả không đáng có cho bệnh nhân. Do đó nếu điều trị tại nhà người nhà và bệnh nhân cần chú ý theo dõi các triệu chứng và dấu hiệu biến chứng bệnh sởi một cách tỷ mỷ.
Xem thêm: