THÔNG
Tên khoa học: Pinus sp.
Họ thông – Pinaceae.
Tinh dầu thông được cất từ nhựa.
Đặc điểm thực vật và phân bố:
Cây cao, thân thẳng đứng, vỏ xù xì và nứt nẻ. Lá hình kim. Hoa là những khối hình nón, hoá gỗ dày, không cuống. Hạt có cánh. Ở Việt Nam những loài được trồng để lấy nhựa là:
– Thông nhựa, hay thông hai lá (Pinus merkusiana Cooling et Gaussen): Mọc thành rừng tự nhiên và rừng trồng ở cả 2 miền Bắc và Nam: Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng trị, Thừa Thiên, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng.
– Thông đuôi ngựa (Pinus massoniana Lamk.): Được trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thanh Hoá, Quảng Ninh, Nghệ An.
– Thông ba lá (Pinus khasaya Royle): Tập trung nhiều ở Lâm Đồng và một số tỉnh miền núi phía Bắc.
Trên thế giới, thông được trồng ở rất nhiều nước khí hậu ôn đới và lạnh. Các nước sản xuất tinh dầu thông nhiều là: Bắc Mỹ 67%, Pháp 22%, Tây Ban Nha 5%, Bồ Đào Nha 6%. Trồng trọt và thu hái
– Trồng bằng hạt, khi cây con đã mọc thì tỉa bớt đảm bảo khoảng cách cần thiết. Sau 15 – 20 năm lấy nhựa. Nhựa được lấy bằng phương pháp chích vào vỏ thân cây. Thời gian lấy nhựa từ tháng 3 đến tháng 10. Cây thông cho nhựa nhiều nhất vào năm 60 tuổi. Sản lượng thế giới được thống kê vào năm 1994 là 1,2 triệu tấn colophan và tinh dầu thông, trong đó colophan chiếm 60%, tinh dầu 40%. Việt Nam sản xuất hàng năm ước tính 2.500 tấn nhựa thông.
Bộ phận dùng
– Nhựa thông – Terebenthine: Trạng thái nửa lỏng, vị đắng hắc và buồn nôn, mùi hăng, có tỷ trọng nặng hơn nước.
– Tinh dầu Thông – Oleum Terebenthinae, tên thương phẩm là Turpentine oil, là chất lỏng không màu, mùi đặc biệt, d20: 0,8570 – 0,8710, nD20: 1467 -1,478.
– Colophan: Là cắn còn lại khi cất tinh dầu, còn được gọi là tùng hương.
Thành phần hoá học:
– Nhựa thông có chứa: 19 – 24% tinh dầu, 73 – 74% colophan.
Tinh dầu thông chứa các hydrocarbon monoterpenic. Tuỳ theo từng loại, thành phần có thể thay đổi. Tinh dầu thông Việt Nam có chứa 63 – 83% – pinen, ngoài ra còn có – pinen và  ∆3 – caren.
Tùng hương chứa 65% acid resinic gồm các acid dextro- và levopimaric.
Công dụng
– Nhựa thông sau khi tinh chế là vị thuốc long đờm, điều hoà bài tiết ở phổi và thuốc sát khuẩn đường tiết niệu, dùng chế cao dán.
– Tinh dầu thông trong y học dùng làm thuốc tan sưng, gây sung huyết da, là thuốc trị ngộ độc phosphat, là nguyên liệu bán tổng hợp camphor, terpin, terpineol.
Trong công nghiệp tinh dầu thông được dùng chế verni, sơn, sáp, phục hồi cao su.
– Tùng hương dùng trong kỹ nghệ sơn, verni, keo dán, mực in, xà phòng, hồ giấy, hồ vải.
Ngoài ra thông

còn trồng để khai thác gỗ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật

0/50 ratings
Bình luận đóng